Nhiều chuyên gia nhận định bức tranh đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2012 của Việt Nam là tập hợp những mảng màu sáng tối đều nhau. Trong đó gam màu sáng nổi bật với hàng loạt các dự án vốn đầu tư lớn của Samsung, Brigestone, LIXIL … cùng song hành với gam màu tối của việc môi trường đầu tư Việt Nam không còn hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư giảm lòng tin
Theo Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), tính chung cả cấp mới và tăng vốn, trong 11 tháng đầu năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam 12,18 tỷ USD, chỉ bằng 78,6% so với cùng kỳ 2011. Mục tiêu thu hút 15 tỉ USD vốn FDI đề ra từ đầu năm cũng rất khó thành hiện thực.
Bên cạnh lý do khách quan do kinh tế toàn cầu suy giảm, Sách Trắng 2013 của Phòng thương mại công nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) về “Các vấn đề thương mại/ đầu tư và kiến nghị” cũng cho thấy thực trạng đáng buồn là Việt Nam đang tụt hạng trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Theo EuroCham, lần đầu tiên trong nhiều năm Chỉ số môi trường kinh doanh dưới đánh giá của các DN Châu Âu tại Việt Nam đã xuống dưới mức trung bình (50 điểm).
Theo các DN Châu Âu, Việt Nam cần nhìn nhận thực tế là lợi thế về nguồn lao động dồi dào, giá thuê đất rẻ ở Việt Nam không còn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, những yếu kém về cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính… tiếp tục là những trở ngại lớn. Những bất ổn liên tiếp của kinh tế vĩ mô, lạm phát, thắt chặt tín dụng cũng khiến nhà đầu tư giảm bớt niềm tin.
Ông Preben Hjortlund – Chủ tịch EuroCham cho biết các nhà đầu tư Châu Âu có 3 kiến nghị với Chính phủ trong năm 2013. Đó là được tự thiết lập giá trong các khuôn khổ thông thường thay vì việc điều chỉnh giá cần phải được cơ quan nhà nước phê duyệt như hiện nay. Nguyên nhân là do giá cả một số mặt hàng theo quy định của Việt Nam hiện nay khiến nhà đầu tư không bù đắp nổi kinh phí đầu tư, kinh doanh, đặc biệt trong một số ngành như điện, xăng dầu, xi măng, cước viễn thông…
Vấn đề thứ hai liên quan đến việc giảm vai trò của các DN nhà nước vì được nhận nhiều ưu đãi nhưng không hiệu quả nên “chính phủ cần bắt đầu cổ phần hoá các DN nhà nước càng sớm càng tốt để có được một thị trường cạnh tranh hơn”. Vấn đề trọng tâm còn lại trong kiến nghị của EuroCham là nâng cao sự bảo vệ đối với quyền sở hữu trí tuệ. Theo Sách Trắng, Việt Nam muốn cạnh tranh với các quốc gia khác dựa trên giá nhân công thấp và chuyển dịch sang các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ giá trị gia tăng cao thì cần phải có sự bảo hộ thực chất quyền sở hữu trí tuệ khi các nhà đầu tư nước ngoài đưa công nghệ vào Việt Nam.
Ngoài những yếu kém trong chính sách thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng chưa thực sự có trách nhiệm với dự án và đất nước nơi họ đến kinh doanh. Gần đây, báo chí và các cơ quan thuế, hải quan đã hé mở thực trạng các dự án tỉ đô “án binh bất động” trong nhiều năm hay hàng loạt DN FDI biến mất để lại khoản nợ thuế, nợ lương lao động hàng ngàn tỉ đồng. Cá biệt là những tập đoàn đa quốc gia với số vốn đầu tư hàng trăm triệu USD như Metro, Pepsi, Coca Cola … liên tục báo lỗ nhưng vẫn không ngừng mở rộng, tăng vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, hiện tượng DN FDI biến mất để lại những khoản nợ thuế, hải quan hàng tỉ đồng cũng trở nên phổ biến. Theo Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TP.HCM), chỉ tính riêng trong lĩnh vực gia công, hiện có 128 DN FDI bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, không thực hiện thanh khoản hợp đồng gia công. Nợ thuế lên đến hơn 400 tỉ đồng.
Điểm sáng trong năm mới
Nói về triển vọng FDI năm 2013, ông Preben Hjortlund cho rằng: “Tuy có sự tụt hạng trong năm 2012 nhưng xét trong trung hạn, các thành viên EuroCham vẫn lạc quan và sẵn sàng đầu tư khi môi trường kinh doanh Việt Nam có tín hiệu được cải thiện.”
Về phía DN, ông Võ Quang Huệ – TGĐ của Robert Bosch Việt Nam cũng cho biết ông khá hài lòng với những tín hiệu tích cực của chính phủ Việt Nam về việc Bosch xin được hưởng ưu đãi cho toàn bộ dự án đầu tư và được hưởng quy chế DN công nghệ cao. Hiện nay Bosch Việt Nam chuyên sản xuất dây truyền lực trong hộp số tự động cung cấp cho các nhà sản xuất xe ô tô và phục vụ xuất khẩu. Dự kiến công ty này sẽ tăng vốn đầu tư lên từ 100 triệu Euro lên 230 triệu Euro từ nay đến năm 2015.
Trên thực tế, trong năm 2012 đã nhiều dự án đầu tư lớn vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo của DN FDI như dự án mở rộng với số vốn 830 triệu USD của Samsung Electronics Việt Nam (Hàn Quốc), hay nhà máy vật liệu xây dựng của Lixil (Nhật Bản) 441 triệu USD, dự án sản xuất lốp xe của Bridgestone (Nhật Bản) 575 triệu USD, Wintek (Đài Loan) 870 triệu USD.
Còn theo Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), Hãng dược phẩm Sanofi Aventis (Pháp) đã quyết định sẽ đầu tư một trung tâm R&D với quy mô vốn lên đến hàng nghìn tỉ đồng tại SHTP. Bên cạnh việc đầu tư mới, không ít các tập đoàn lớn đã quyết định tăng vốn đầu tư cho các cơ sở hiện hữu để tăng năng lực sản xuất, như Coca Cola quyết định đầu tư thêm 300 triệu USD cho thị trường Việt Nam trong giai đoạn 2013-2015.
Trong một bài báo mới đây, hãng tin tài chính Bloomberg cũng đã dẫn lời ông Rick Howarth – TGĐ của Intlel Products Việt Nam rằng dự án trị giá 1 tỷ USD của tập đoàn này tại TP.HCM đang phát triển tốt và: “Intel đang tìm cách tăng mức độ phức tạp của các công việc đang được thực hiện tại Việt Nam, giúp tăng sự tham gia của đất nước này vào ngành công nghiệp thế giới”.
Ông Akitoshi Mikio – GĐ đối ngoại Công ty tư vấn đầu tư My Lăng (TP.HCM) cho biết số DN Nhật Bản tại TP.HCM đã tăng lên 600 thành viên từ khoảng 500 của năm ngoái. Xu hướng đầu tư của DN Nhật Bản tại Việt Nam trong năm 2013 sẽ hướng vào ngành thực phẩm, công nghệ thông tin và sản xuất xuất khẩu.
“Sau thảm họa động đất – sóng thần cũng như rắc rối gần đây trong quan hệ với Trung Quốc, DN Nhật ngày càng để ý hơn tới việc chuyển cơ sở sản xuất tới các địa chỉ “an toàn” như Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung trên toàn cầu, dù sao Việt Nam vẫn được coi là địa chỉ đầu tư tốt, thị trường lớn, lao động rẻ, học hỏi nhanh”, chuyên gia này phân tích.
Đồng quan điểm, ông Theng Bee Han, Chủ tịch Hiệp hội DN Malaysia tại Việt Nam cho biết, rất lạc quan khi nghĩ về môi trường đầu tư tại Việt Nam. Ông nói, thế mạnh của Việt Nam là có nền chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, dòng vốn FDI đổ vào mạnh cùng với sự có mặt của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.
“Với sự phát triển nhanh về kinh tế của Việt Nam, thành phần giới trung lưu không ngừng tăng lên, nhất là sự tự tin của người tiêu dùng chính là cơ hội lớn cho nhà sản xuất nói chung và DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và bán lẻ”, ông Theng Bee Han nói.
“Với sự phát triển nhanh về kinh tế của Việt Nam, thành phần giới trung lưu không ngừng tăng lên, nhất là sự tự tin của người tiêu dùng chính là cơ hội lớn cho nhà sản xuất nói chung và DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ và bán lẻ”, ông Theng Bee Han nói.
Hải Duy
Related posts
Bài viết mới
Giải quyết mức tiêu thụ điện năng với ADI MAX78000
Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa công nghiệp đã…
Quỹ ME Innovation Fund của Mitsubishi Electric đầu tư vào Formic Technologies
Tập đoàn Mitsubishi Electric đưa ra thông báo rằng quỹ ME Innovation Fund của họ đã đầu tư vào Formic…