Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Ngành công nghiệp mới: Dư địa lớn, nhiều rào cản
Đời sống & kinh tế

Ngành công nghiệp mới: Dư địa lớn, nhiều rào cản 

Các ngành công nghiệp mới như chế biến thực phẩm, CNTT – phát triển phần mềm và công nghệ môi trường là những ngành được xác định là mới, có nhiều tiềm năng, thu hút các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều rào cản cho sự “đổ bộ” của các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) vào các ngành công nghiệp này.


Ảnh minh họa


Dư địa lớn

Thực tế, nhìn vào vùng dự kiến sẽ là trung tâm cho các ngành công nghiệp này, như khu vực Hà Nội, TP.HCM và Tây Nguyên (với ngành chế biến thực phẩm), Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM (với công nghiệp phần mềm), có thể thấy sức hút của chúng với dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang rất lớn.

Chỉ riêng khu vực TP.HCM, gồm TP.HCM, Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, số các thương hiệu lớn trong ngành chế biến thực phẩm của Nhật Bản, Hàn Quốc đang hoạt động lên tới gần 20, như Acecook, Lotte, Kyoei Food, Meiji, Nittofuji, Nissui… Các doanh nghiệp phần mềm FDI cũng đang có xu hướng tập trung tại Hà Nội (như Fujitsu, NTT data, Nomura Research…), Đà Nẵng (Milestone, Denogo…) và TP.HCM (Pasonatech, Tokaipowdex…).

Theo phân tích của ông Aimoto, chuyên gia thuộc Bộ Kinh tế – Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, các nhà đầu tư đang rất quan tâm tới công nghiệp chế biến thực phẩm của Việt Nam. Hiện tại, một số doanh nghiệp Nhật Bản và Hàn Quốc đang tìm kiếm cơ hội tham gia vào lĩnh vực phân phối thực phẩm của Việt Nam như một cách đặt nền móng quan trọng cho các kế hoạch đầu tư lâu dài hơn. Có thể kể tới kế hoạch liên doanh giữa Tập đoàn Itochu (Nhật Bản) với Tập đoàn Phú Thái, giữa E-Mart Hàn Quốc và Tập đoàn U&I Việt Nam… khi phía nước ngoài đều đặt rõ mục tiêu chuyển giao công nghệ phân phối thực phẩm trước khi thực hiện đầu tư vào công nghiệp chế biến thực phẩm tại Việt Nam.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HĐTV Công ty Phát triển Công viên phần mềm Quang Trung cũng cho biết hiện có nhiều công ty CNTT và phát triển phần mềm của Nhật có ý định mở rộng quy mô hoặc tìm kiếm đối tác đầu tư là các DN phần mềm tại Việt Nam theo con đường M&A. Phần lớn các công ty Nhật muốn vào Việt Nam hiện nay đã chọn giải pháp mua lại những công ty trong nước với quy mô nhỏ đang hoạt động nhằm tận dụng sẵn nguồn nhân lực. Với hướng đi này, theo ông Dũng ghi nhận, quá trình thương thảo đi đến quyết định mua bán và sáp nhập của các nhà đầu tư trong lĩnh vực này hiện nay nhanh hơn trước rất nhiều. Ông cho biết, trước đây các nhà đầu tư Nhật luôn rất thận trọng, khảo sát đến 2 – 3 năm mới tiến hành đầu tư. Hiện nay thì khác, chỉ trong khoảng sáu tháng là có thể làm xong.

Nhiều nhà đầu tư cũng có ý định “săn” các dự án trong lĩnh vực công nghệ môi trường. Đơn cử là công ty TNHH Kiên Giang Composite (KGC) đang xúc tiến thành lập liên doanh với Công ty Trisun International Development Pty. Limited (TID, Australia) để đầu tư dự án Nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ plasma tại TP.HCM. Ông Từ Ngọc Ẩn, Chủ tịch HĐQT KGC cho biết, Nhà máy dự kiến có tổng vốn đầu tư khoảng 400 triệu USD, khi hình thành sẽ là nhà máy đầu tiên ứng dụng công nghệ khí hóa plasma tại TP.HCM. KCG đề xuất nhà máy có công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày để sản xuất 1.630 kWh điện/ngày ở giai đoạn I. Trừ lượng điện tiêu tốn cho việc vận hành nhà máy (45%), 55% sản lượng điện thương phẩm phục vụ cho lưới điện quốc gia. Ngoài ra, nhà máy còn sản xuất các phụ phẩm có giá trị khác như gạch, đá xây dựng, đá xốp …

Nhiều rào cản

Vấn đề nằm ở chỗ, theo khảo sát với các DN Nhật Bản, hệ thống phân phối của Việt Nam chưa thực sự hiệu quả khiến họ phân vân khi quyết định đầu tư. “Nếu ngành công nghiệp bán lẻ phát triển, thị trường trong nước có thể mở rộng hơn, các công ty chế biến thực phẩm sẽ tăng cường đầu tư để vừa tận dụng cơ hội thị trường nội địa, vừa khai thác nguồn lợi về nguyên liệu nông sản để chế biến thực phẩm xuất khẩu”, ông Shimomura, chuyên gia nghiên cứu, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đặt vấn đề.

Ngoài ra, rào cản lớn nhất là khả năng tìm kiếm diện tích đất đủ rộng để phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp và công nghệ cao. “Chúng tôi đã tìm kiếm các đối tác tại Việt Nam, nhưng sự manh mún trong phát triển nông nghiệp của Việt Nam hiện nay chưa phù hợp với các dự án sản xuất quy mô lớn”, ông Nobuo Kato phân tích.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng không thể chờ đợi chính sách thay đổi mới tiến hành đầu tư. Một số dự án đầu tư vào chế biến thực phẩm của nhà đầu tư Nhật Bản cũng đang được triển khai trên quy mô nhỏ, nhằm khai thác thị trường còn mới của Việt Nam. “Một số dự án đang có kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến tại Việt Nam song hành với phát triển vùng nguyên liệu ở Campuchia, Lào… để tận dụng lợi thế của các quốc gia trong khu vực. Việt Nam cần có thêm sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng cho nông thôn để có thể tận dụng cơ hội này”, ông Nobuo Kato tiết lộ.

Có một thực tế là, Việt Nam thường xuyên có tên trong danh sách địa điểm lựa chọn đầu tư của nhà đầu tư Nhật Bản, song cũng lại là địa điểm bị cạnh tranh nhiều nhất. Ngay trong lĩnh vực công nghệ – thông tin, cụ thể là gia công phần mềm mà Việt Nam luôn được các nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao, cũng đã có những thông tin bất lợi.
Ông Yukihiko Takeda, Chủ tịch, TGĐ điều hành Tập đoàn Astmilcorp Co., Ltd. (Nhật Bản) cho biết, bản đồ về gia công phần mềm của thế giới đang nổi lên những tên tuổi rất mới là Campuchia và Bangladesh, bên cạnh Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam. “Điểm đáng phải quan tâm là hai địa danh mới này có trình độ lao động tương đương Việt Nam, nhưng chi phí rẻ hơn đáng kể. Họ đang là đối thủ nặng ký của Việt Nam trong đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Takeda cảnh báo và cho rằng, Việt Nam cần cải thiện nhanh chất lượng lao động, nếu không muốn rơi vào thế cạnh tranh sống còn với các địa điểm mới.

Hơn thế, ông Takeda cũng tiếp tục nhấn mạnh về xu hướng chuyển đổi rất nhanh của thị trường công nghệ, lĩnh vực mà Việt Nam đang nhắm tới trong thu hút FDI. “Vòng đời của một sản phẩm chỉ khoảng 6 tháng đến 1 năm, nên doanh nghiệp không thể chờ đợi cả tháng để hoàn tất thủ tục đăng ký kinh doanh, đầu tư và nhiềi thủ tục liên quan đến thuế, hải quan … ”, ông này nói.
Về phía ông Từ Ngọc Ẩn và Nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ plasma, sau khi nghiên cứu, mua bản quyền công nghệ, tạo quỹ đầu tư, chuẩn bị nguồn nhân lực… tháng 3-2012, ông đã trình dự án cho UBND TP.HCM nhưng từ đó đến nay không có phản hồi. Vì thế ông không thể giải thích cho đối tác hiểu và một khối vốn đầu tư đã thu xếp bị tồn đọng. “Chúng tôi đang lo lắng là không biết đến khi nào dự án được duyệt, nhà đầu tư tài chính của chúng tôi còn có đủ kiên nhẫn hay không” – ông Ẩn cho biết.


MT

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *