Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Hợp tác phát triển với Bosch bước sang giai đoạn tiếp theo
Hoạt động trong & ngoài nước

Hợp tác phát triển với Bosch bước sang giai đoạn tiếp theo 

Các đột phát về công nghệ trong các lĩnh vực như rô- bốt, trí tuệ nhân tạo, công nghệ Nano, Internet Vạn Vật làm thay đổi các quy trình tự động hóa và sản xuất trên khắp thế giới. Đây là cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam và là thách thức đối với hệ thống đào tạo nghề.

“Hội nghị về cách thức nền công nghiệp 4.0 định hình tương lai của lĩnh vực đào tạo nghề” với các đại diện đến từ chính phủ, doanh nghiệp, xã hội, các cơ sở dạy nghề và các tổ chức quốc tế được tổ chức vào ngày 18/09 tại Deutsches Haus TP. Hồ Chí Minh đã tập trung vào thách thức ngày càng cấp bách này ở Việt Nam.

Hội nghị được tổ chức trong khuôn khổ hợp tác phát triển giữa Bosch Việt Nam, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp (DVET) và trường Cao Đẳng Công Nghệ Quốc Tế LILAMA 2 và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) – chương trình “Đổi mới Đào tạo nghề ở Việt Nam”. Mối quan hệ hợp tác này được chương trình develoPPP, Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên Bang Đức hỗ trợ. Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ diễn ra vào ngày 22 tháng 8 đánh dấu bước khởi đầu cho quan hệ hợp tác để xây dựng và thí điểm các mô đun đào tạo theo định hướng công nghiệp 4.0.

Nội dung của hội nghị tập trung vào tác động của công nghiệp 4.0 và số hóa đối với phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao tại Việt Nam, cùng với việc xây dựng các kiến nghị cụ thể cho các khối đề ra chính sách, khu vực doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề. Trong đó, các chủ đề nổi bật bao gồm các thách thức hiện nay trong hệ thống đào tạo nghề, các kỹ năng cần thiết trong các ngành sản xuất cụ thể, và các quan điểm về tác động của các xu hướng đến sự phát triển.

Tham gia sự kiện, Thứ trưởng Bộ Lao Động, Thương Binh & Xã Hội, GS. TS. Lê Quân, nêu bật các chiến lược hiện nay của chính phủ để lồng ghép công nghiệp 4.0 và số hóa vào công tác đổi mới lĩnh vực đào tạo nghề. Các kinh nghiệm quốc tế cũng được đưa ra thảo luận: “Sự thay đổi các năng lực nghề nghiệp trong ngành kim loại và điện ở Đức” do GS. TS. Georg Spöttl, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Steinbeis InnoVET, Đại học Bremen trình bày, và “Các nhu cầu của khu vực doanh nghiệp trên cơ sở nghiên cứu chuyên sâu về các yêu cầu kỹ năng và giải pháp dự kiến”được Ông Peter Gorzyza, Giám đốc Học viện Truyền động & Điều khiển, Bosch Rexroth AG, chia sẻ.

Trong khuôn khổ của sự kiện, Phòng thực hành với các thiết bị đạt chuẩn Công nghiệp 4.0 do Bosch Rexroth tài trợ được khánh thành vào ngày 19/9 tại trường Cao Đẳng Nghề Công Nghệ Quốc Tế LILAMA 2 và sẽ được sử dụng để đào tạo giáo viên và cán bộ đào tạo tại doanh nghiệp và để triển khai các chương trình đào tạo mới được xây dựng. Phòng thực hành được trang bị các thiết bị mô phạm về công nghệ truyền động và điều khiển cùng các tài liệu đào tạo bao gồm tài liệu kỹ thuật, sổ tay hướng dẫn, phần mềm đào tạo, học trực tuyến, video và hình ảnh động. Các sinh viên/học viên tham gia chương trình đào tạo tại LILAMA 2 sẽ tiếp cận và sử dụng các thiết bị huấn luyện và phần mềm đạt chuẩn công nghiệp thay vì các mô hình giả lập, qua đó, trang bị cho mình kiến thức công nghiệp và kinh nghiệm thích ứng với môi trường sản xuất thực tế.

Thông qua việc thiết lập phòng thực hành với các thiết bị đạt chuẩn Công nghiệp 4.0, tham gia phân tích nhu cầu về kỹ năng tương thích với Công nghiệp 4.0 và hỗ trợ LILAMA 2 xây dựng các mô đun đào tạo theo chuẩn công nghiệp 4.0 và điều chỉnh các chương trình đào tạo của mình, Bosch Rexroth thể hiện những nỗ lực không ngừng về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật cao hướng đến Cách mạng Công nghiệp 4.0.

“Lực lượng lao động có tay nghề cao đóng vai trò then chốt trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Các chương trình đào tạo sẽ phải theo kịp các xu hướng và phát triển công nghiệp để giữ vững khả năng cạnh tranh trong tương lai. Là một trong các chuyên gia toàn cầu về công nghệ truyền động và điều khiển, Bosch Rexroth mang đến một nền tảng kỹ thuật cùng kinh nghiệm toàn diện. Chúng tôi muốn truyền đạt những kiến thức và công nghệ này cho sinh viên/học viên một cách đầy đủ và thiết thực nhất”, ông Nikolay Kurnosov, Giám đốc Bosch Rexroth Việt Nam và Campuchia cho biết.

Các kết quả của quan hệ hợp tác phát triển này có ý nghĩa nhất định đối với toàn bộ hệ thống đào tạo nghề của Việt Nam, vì có thể lồng ghép các bài học kinh nghiệm và kiến nghị về công nghiệp 4.0 vào khung quy định của đào tạo nghề. Hội nghị kết thúc với lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa Trường Cao Đẳng Công Nghệ Quốc Tế LILAMA 2 và 9 cơ sở đào tạo nghề khác, trong đó nêu rõ các kết quả của mối quan hệ hợp tác, như mô đun đào tạo theo định hướng nền công nghiệp 4.0, sẽ được nhân rộng cho các cơ sở đào tạo nghề trên cả nước.

Mai Thanh

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *