Đây là thời điểm tốt để Việt Nam điều chỉnh chính sách, chiến lược thu hút FDI hướng tới nguồn vốn chất lượng, tạo giá trị gia tăng cao, tính lan toả công nghệ và không ảnh hưởng đến môi trường.
Mới đây, Việt Nam đã tổng kết 30 năm hoạt động thu hút FDI, trước tiên phải khẳng định rằng, khu vực FDI đã trở thành một bộ phận quan trọng của nền kinh tế, với những đóng góp quan trọng.
Cụ thể, FDI đã đóng góp 25% GDP, 70% về giá trị xuất khẩu, và tạo ra khoảng 17% thu ngân sách, giải quyết việc làm cho khoảng 8-9 triệu lao động trực tiếp và gián tiếp. Bên cạnh đó, FDI cũng góp phần thúc đẩy quá trình cải cách của Việt Nam, hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, FDI cũng thúc đẩy hoạt động cải cách và phát triển các doanh nghiệp, địa phương, vùng miền Việt Nam.
Tuy nhiên, hoạt động thu hút FDI vẫn còn những mặt trái. Trong đó, đáng chú ý là công nghệ của nhà đầu tư khi mang vào Việt Nam phần lớn vẫn là công nghệ trung bình, công nghệ cao còn ít, sử dụng nhiều lao động, tài nguyên, năng lượng và chủ yếu đang ở khâu gia công, lắp ráp… chính vì vậy, những giá trị gia tăng tạo ra cũng thấp.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến mối liên kết, lan toả giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước vẫn còn hạn chế, không có sự gắn kết, hỗ trợ, bổ sung cho nhau… Chính vì không gắn kết nên doanh nghiệp FDI không thể tạo được sự lan toả về mặt công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước.
Ví dụ như công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI còn rất thấp, chậm. Điển hình như Samsung. Mặc dù, không phủ nhận những đóng góp của doanh nghiệp này cho nền kinh tế, tuy nhiên, số doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung cấp cấp 1 cho doanh nghiệp này mới chỉ dừng lại ở 29 doanh nghiệp, và dự kiến sẽ là 50 doanh nghiệp vào năm 2020. Như vậy vẫn là chậm.
Một hạn chế nữa của khu vực FDI đó là hoạt động chuyển giao công nghệ. Trên thực tế, mặc dù, Việt Nam rất khuyến khích hoạt động chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội, tuy nhiên việc chuyển giao công nghệ này còn rất hạn chế.
Bên cạnh đó, cũng phải kể đến những hạn chế khác như vi phạm hoặc thực hiện chưa nghiêm các tiêu chuẩn môi trường, hoạt động chuyển giá, trốn thuế, thậm chí là “đầu tư chui”… Để xảy ra những điều này phải kể đến hoạt động quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, thiếu bộ lọc, kiểm tra giám sát một cách chặt chẽ.
Nhìn chung, bức tranh thu hút FDI thời gian qua là rất tốt, tuy nhiên vẫn còn những khoảng xám như vừa nêu. Câu hỏi đặt ra là, làm thế nào để có được bức tranh thu hút FDI “đẹp” nhất về chất lượng công nghệ, tính chất lan toả và không ảnh hưởng đến môi trường? Đây là bài toán quan trọng trong năm tới và giai đoạn tới.
Năm 2019 là thời điểm tốt để Việt Nam điều chỉnh chính sách, chiến lược trong thu hút đầu tư nước ngoài. Nói như vậy là bởi, trước tiên, Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, với những lợi thế so sánh và môi trường đầu tư, kinh doanh đang không ngừng cải thiện.
Điều này được thể hiện ở số vốn đăng ký và vốn giải ngân năm 2018 đều đạt mức ấn tượng. Trong đó, đặc biệt là con số giải ngân. Cụ thể, vốn đăng ký FDI năm 2018 đạt 35,46 tỷ USD, bằng 98,8% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, vốn giải ngân đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2017. Điều này cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đối với thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Chỉ khi tin tương vào triển vọng kinh doanh tại Việt Nam thì nhà đầu tư, doanh nghiệp FDI mới giải ngân và thực hiện hoạt động đầu tư mạnh mẽ như vậy.
Điểm đáng chú ý thứ hai đó là, chiến tranh thương mại mại Mỹ – Trung đang tạo nên một làn sóng chuyển dịch đầu tư mới, giữa các nước trong khu vực. Tuy nhiên, chủ yếu là dòng chuyển dịch đầu tư vào khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Khác với thời điểm trước đây, thu hút FDI khó khăn, cạnh tranh giữa các nước khó khăn, Việt Nam phải tranh thủ thu hút và tận dụng dòng vốn FDI, thì nay, Việt Nam đã có quyền để lựa chọn, điều chỉnh chính sách với các bộ lọc mới, để lựa chọn được các dòng vốn FDI chất lượng cao, tạo giá trị gia tăng, tính lan toả tốt hơn đối với nền kinh tế.
Có thể kể đến, định hướng thu hút công nghệ cao, tiên tiến, không ảnh hưởng đến môi trường. Định hướng này sẽ là xuyên suốt từ các Bộ, Ngành tới từng địa phương. Đây cũng chính là thông điệp mà Việt Nam mong muốn truyền tải tới các đối tác, nhà đầu tư nước ngoài rằng, Việt Nam đang đi theo con đường tăng trưởng xanh, bền vững, môi trường đầu tư kinh doanh tốt, là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư, làm việc, sinh sống tại Việt Nam.
Để có thể chủ động thu hút các dòng vốn chất lượng cao, Việt Nam có thể tạo ra các rảo cản kỹ thuật hợp lý, được quốc tế chấp nhận và phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, để chọn lọc được các nhà đầu tư tốt, dự án tốt, chất lượng và có hiệu quả.
Đối với định hướng các ngành, lĩnh vực, Việt Nam cũng tăng cường thu hút các dự án sử dụng công nghệ mới, tiên tiến, cao, trong tất cả các lĩnh vực, từ công nghiệp chế biến chế tạo đến nông nghiệp, y tế, giáo dục….
Tuy nhiên, với các dịa phương mà có trình độ phát triển cao hơn và có điều kiện thuận lợi thu hút các dòng vốn chất lượng cao như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh…. cần tập trung vào thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao hơn, có dịch vụ mới hơn như dịch vụ tài chính, logistics … để tạo giá trị cao hơn thay vì chúng ta thu hút các dự án sử dụng nhiều lao động, gia công lắp ráp….
Ngược lại, đối với các địa phương có điều kiện khó khăn hơn, đặc biệt khó khăn trong thu hút đầu tư, chúng ta không nên quá cứng nhắc trong hoạt động thu hút đầu tư, có thể linh hoạt thu hút các dự án đang là thế mạnh của Việt Nam, như dệt may, da giày, may mặc, hay các dự án gia công lắp ráp nhiều hơn…. Điều này cho thấy sự linh hoạt của chính sách cho phù hợp với từng địa phương.
Về mặt đối tác, trong thời gian tới Việt Nam nên tập trung vào những nước có trình độ phát triển cao hơn, đặc biệt là những đối tác chiến lược của Việt Nam. Ví dụ như, tập trung vào thu hút đầu tư từ các đối tác là thành viên của các nước G7, có trình độ công nghệ cao, công nghệ nguồn. Từ đó, Việt Nam cũng sẽ có những chính sách thu hút đầu tư cho phù hợp. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chú trọng thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn đa quốc gia, tạo ra giá trị lớn hơn, lan toả nhiều hơn.
Mặt khác, đối với những doanh nghiệp, nhà đầu tư đang có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, Việt Nam phải tháo gỡ khó khăn, đối xử một cách bình đẳng, minh bạch, đặc biệt là tập đoàn lớn, có đóng góp lớn cho nền kinh tế thì chúng ta cần phải có sự quan tâm đặc biệt. Nên ví họ như những con ong chúa, và cần chế độ “chăm sóc đặc biệt”, tạo điều kiện thuận lợi, để những doanh nghiệp, nhà đầu tư này mở rộng hoạt động và có cơ hội đóng góp cho nền kinh tế, từng ngành, địa phương, vùng miền… nhiều hơn nữa
Quang Duy
Related posts
Bài viết mới
Giải quyết mức tiêu thụ điện năng với ADI MAX78000
Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa công nghiệp đã…
Quỹ ME Innovation Fund của Mitsubishi Electric đầu tư vào Formic Technologies
Tập đoàn Mitsubishi Electric đưa ra thông báo rằng quỹ ME Innovation Fund của họ đã đầu tư vào Formic…