Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Đầu tư FDI

Tin FDI: 

Nhật Bản đứng đầu đầu tư FDI vào Việt Nam 

“Tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là 36,3%, còn thấp so với tỷ lệ của Trung Quốc ở mức 66%, tỷ lệ của Thái Lan 57%. Vì vậy, doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu từ các nước xung quanh như Thái Lan, Trung Quốc”, Đó là chia sẻ của Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội tại Lễ ký kết Thỏa thuận Hợp tác giữa Công ty Reed Tradex Việt Nam – Cục Xúc tiến Thương mại – JETRO. Năm 2018, số dự án đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 630 dự án với tổng số vốn đầu tư khoảng 8 tỷ USD.

Khẳng định gần 70% doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư vào Việt Nam trả lời rằng “muốn mở rộng hoạt động kinh doanh, tuy nhiên ông Hironobu Kitagawa – Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, chia sẻ: Một trong số những khó khăn của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam là tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu, vật tư, linh kiện còn thấp. “Đây là nguyên nhân dẫn đến gia tăng chi phí và rủi ro lớn cho doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực chế tạo tại Việt Nam, đồng thời cũng là nguyên nhân gây khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất trung và dài hạn tại Việt Nam”, ông Kitagawa nói.

Đại diện JETRO cũng cho biết, trong ngành sản xuất nguyên liệu, linh kiện, vật tư hay còn gọi là “Ngành công nghiệp hỗ trợ “, phần lớn do doanh nghiệp vừa và nhỏ đảm nhận. Tuy nhiên, những hạn chế về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ chính là một trong những vấn đề còn tồn đọng ở Việt Nam. “Nếu nhìn từ góc độ khác, nếu giải quyết được những vấn đề nêu trên thì sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản chú ý, quan tâm đến ngành sản xuất, chế tạo của Việt Nam. Và hơn nữa, có khả năng Việt Nam sẽ được thế giới công nhận là có kỹ thuật sản xuất, chế tạo cao”, ông Kitagawa nhận định.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong số 75 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong năm 2018, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất, chiếm 36,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc. Năm 2019 đánh dấu những thay đổi trong quan hệ giao thương giữa các nước phát triển, kéo theo đó là tiến trình tăng cường tối ưu hóa nguồn lực của các tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh chính sách tỷ giá linh hoạt của chính phủ một số nước, phương án điều tiết và tăng cường giám sát chặt chẽ hệ thống tài chính đã tạo nên xu hướng chuyển đổi hoạt động sản xuất từ các thị trường quốc tế sang Việt Nam, điều này hứa hẹn sẽ góp phần mang đến những cơ hội đầu tư và hợp tác cho các công ty biết kịp thời bắt nhịp cùng xu thế thị trường.

Tại sự kiện, Ban tổ chức cũng công bố “Triển lãm Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam – Nhật Bản (SIE 2019)” và “Triển lãm Quốc tế Công nghệ Chế tạo Phụ tùng Công nghiệp tại Việt Nam (VME 2019)”. Cả hai triển lãm sẽ diễn ra đồng thời từ ngày 14 – 16/8/2019 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Cũng trong khuôn khổ sự kiện, “Diễn đàn Công Nghiệp Hỗ Trợ Việt Nam 2019” (VME Forum 2019) đã được tổ chức với mục tiêu thắt chặt mối quan hệ giao thương giữa các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, đồng thời thúc đẩy ngành sản xuất linh kiện, chế tạo phụ tùng công nghiệp của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.Trưởng đại diện Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội chia sẻ.

Doanh nghiệp FDI xuất khẩu hơn 70 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 5 tháng đầu 2019 đạt 202,68 tỷ USD, tăng 8,8%, tương ứng tăng 16,47 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 128,19 tỷ USD, tăng 6,6% (tương ứng tăng 7,89 tỷ USD). Còn trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước là 74,49 tỷ USD, tăng 13% (tương ứng tăng 8,59 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

Cụ thể hơn, số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, chỉ tính riêng nửa cuối tháng 5/2019, trị giá xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI đã đạt 8,62 tỷ USD, tăng 31,9%, tương ứng tăng 2,09 tỷ USD so với nửa đầu tháng 5/2019. Tính chung 5 tháng, tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp này lên đến 70,07 tỷ USD, tăng 5,6% (tương ứng tăng 3,69 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm 69,3% tổng trị giá xuất khẩu của cả nước.

Ở chiều ngược lại, trị giá nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI nửa cuối tháng 5 đạt 6,48 tỷ USD, tăng nhẹ 0,1% (tương ứng tăng 7 triệu USD) so với nửa đầu tháng 5. Như vậy, tổng trị giá nhập khẩu trong 5 tháng đầu năm 2019 của nhóm các doanh nghiệp này là 58,12 tỷ USD, tăng 7,8% (tương ứng tăng 4,19 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018, chiếm 57,2% tổng trị giá nhập khẩu của cả nước. Cán cân thương mại của khối doanh nghiệp FDI đạt mức thặng dư gần 12 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2019.

Việt Nam đang ở đâu trên cuộc đua đón dòng FDI quốc tế

Việc di dời các chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc trong các ngành thâm dụng lao động, như sản xuất hàng may mặc và giày dép, đang nâng cao đầu tư vào Việt Nam. Theo báo cáo đầu tư quốc tế World Investment Report 2019, tổng số các dự án FDI toàn cầu được công bố trong ngành dịch vụ đã tăng 43% lên 473 tỷ USD. Có sự gia tăng lớn trong cả ngành xây dựng và sản xuất điện. Vốn FDI trong ngành xây dựng đã tăng 84% lên 113 tỷ USD. Báo cáo cho biết, các dự án xây dựng công nghiệp đã suy giảm sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, nhưng đã có sự phục hồi kể từ giữa những năm 2010 đến nay. Một số dự án này có liên quan đến việc xây dựng các SEZ. Chẳng hạn, năm 2015, Tập đoàn công nghiệp Rojana (Thái Lan), một công ty con của Nippon Steel và Sumikin Bussan (Nhật Bản), đã công bố dự án phát triển Đặc khu kinh tế Dawei tại Myanmar.

Năm 2016, Wei Yu Engineering (Đài Loan) đã công bố kế hoạch đầu tư 2,5 tỷ USD vào Khu kinh tế Vũng Áng tại Việt Nam để xây dựng bến cảng với khu vực hậu cần và khu vực nông nghiệp. Năm 2018, nhà sản xuất hàng dệt may Shandong Ruyi Technology (Trung Quốc) đã công bố dự án đầu tư 830 triệu USD để thành lập khu công nghiệp dệt may tại Khu kinh tế kênh đào Suez ở Ai Cập. Dòng vốn FDI vào Đông Nam Á đã tăng 3% lên mức cao nhất mọi thời đại là 149 tỷ USD vào năm 2018. Do đó, tỷ lệ vốn FDI của khu vực trong dòng chảy toàn cầu đã tăng từ 10% trong năm 2017 lên 11% vào năm 2018.

Sự tăng trưởng trong FDI chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gia tăng đầu tư vào Việt Nam, Singapore, Indonesia, và Thái Lan. Các nhóm ngành sản xuất và dịch vụ, đặc biệt là tài chính, bán lẻ và thương mại bán buôn, bao gồm cả nền kinh tế kỹ thuật số, tiếp tục củng cố dòng vốn tăng lên cho tiểu vùng này. Đầu tư nội khối cũng có xu hướng tăng mạnh mẽ. Dòng vốn từ các nền kinh tế châu Á khác cũng góp phần vào xu hướng này. Tuy nhiên, dòng vốn chảy vào một số quốc gia khác (Malaysia và Philippines) đã giảm.

Việt Nam hiện đang đứng thứ 21 về lượng vốn FDI trên toàn thế giới, xét riêng trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 3 sau Singapore (đứng thứ 5 toàn cầu) và Indonesia (đứng thứ 18 toàn cầu). Cụ thể trong khu vực lân cận Việt Nam, đầu tư vào hai nước Việt Nam, Campuchia vẫn mạnh, tuy nhiên, vốn FDI đến Lào và Myanmar đã giảm. Việt Nam tiếp tục thu hút dòng đầu tư tích cực từ các nguồn trong nội bộ ASEAN và các nền kinh tế châu Á khác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Việc di dời các chuỗi sản xuất khỏi Trung Quốc trong các ngành thâm dụng lao động, như sản xuất hàng may mặc và giày dép, đang nâng cao đầu tư vào Việt Nam. Sự tham gia của Trung Quốc các công ty trong phát triển cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng của Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng đang ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư.

Chi tiết báo cáo cho biết, Việt Nam cho phép các nhà đầu tư nước ngoài góp vốn để thiết lập các sàn giao dịch hàng hóa điện tử, không vượt quá 49% vốn điều lệ của họ. Các nhà đầu tư nước ngoài hiện cũng được phép giao dịch hàng hóa trên sàn giao dịch hàng hóa với tư cách là khách hàng và có thể trở thành thành viên của sàn giao dịch (nhà môi giới hoặc thương nhân) mà không bị hạn chế quyền sở hữu.

Đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN ngày càng có ý lớn: FDI từ Trung Quốc tăng gần gấp đôi, lên 14 tỷ USD trong giai đoạn từ năm 2013 đến 2017. Năm 2018, M&A cho các công ty xuyên quốc gia (MNE) của Trung Quốc tăng gấp ba lần, và giá trị của các dự án thân thiện môi trường ở ASEAN do MNE Trung Quốc công bố tăng gấp 5 lần. Đầu tư từ Hoa Kỳ đã có xu hướng giảm, giảm 33% từ năm 2013 đến 2017, xuống còn 15 tỷ USD.

Tháng 11 có cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp

Ngày 12/6, Bộ Công Thương và Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tại VN tổ chức hội thảo tham vấn cộng đồng giới thiệu đề xuất chính sách về cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA). DPPA cho phép các doanh nghiệp (DN) tại VN đấu thầu mua điện trực tiếp từ các công ty tư nhân sản xuất năng lượng tái tạo và tạo điều kiện để các DN có thể sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Grayson Heffner, chuyên gia tư vấn của USAID, cho biết định hướng DPPA là hướng đến khách hàng công nghiệp vì tỷ lệ sử dụng điện lớn và quan trọng hơn khi đây là các DN có những mục tiêu mang tính phát triển xanh, bền vững hoặc là các nhà thầu phụ cho các tập đoàn lớn – họ cũng buộc phải có các cam kết về sử dụng năng lượng tái tạo.

Sau hơn 2 năm nghiên cứu, khảo sát, dự kiến từ nay đến tháng 11 tới, các quy định pháp lý cho DPPA sẽ được Bộ Công Thương và USAID hoàn tất để bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia của cả bên mua lẫn bên bán, đồng thời đi vào quá trình thương thảo hợp đồng. Tiếp đó, trong nửa đầu năm sau, danh mục các dự án sẽ được phê duyệt, công bố để tiến hành ký kết các ghi nhớ (MOU). Hai cơ quan này kỳ vọng dự án sẽ được Chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2020 và bước vào triển khai thương mại vào tháng 7 năm sau hoặc chậm nhất là vào tháng 3/2021 để hoàn thành chương trình thí điểm bán lẻ điện cạnh tranh vào tháng 12/2023.

Về đối tượng tham gia, sau khi nghiên cứu 1.174 khách hàng/DN sử dụng điện lớn, nhóm tư vấn đã lọc ra khoảng 200 khách hàng có mức tiêu thụ điện năng lớn đăng ký mua điện của chương trình thí điểm và hầu hết đây đều là các tập đoàn đa quốc gia như Heineken, Nike, H&M, Unilever… Ngược lại, đối với bên bán, các chuyên gia đã đề xuất các dự án năng lượng tái tạo tham gia chương trình DPPA có công suất từ 5 – 60 MWp và tổng quy mô công suất tham gia chương trình thí điểm là 300 MW. Nhà đầu tư sẽ quyết định quy mô dự án tùy vào khả năng tìm đối tác phù hợp của mình cho thỏa thuận DPPA và xây dựng dự án hiệu quả kinh tế. Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Mỹ tại VN, ông Daniel Kritenbrink cho rằng cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp sẽ giúp VN nhanh chóng đạt được các mục tiêu về năng lượng tái tạo thông qua thu hút đầu tư tư nhân và đáp ứng nhu cầu của nhiều DN hàng đầu đang muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại VN.

Samsung xây trung tâm nghiên cứu và pháttriển lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội

Tại cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung tại Việt Nam Choi Joo Ho, cho biết Tập đoàn này đã tiến hành các thủ tục cần thiết để xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất Đông Nam Á tại Hà Nội. Dự kiến khi đi vào hoạt động, trung tâm có quy mô tới 3.000 người. Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một trung tâm nghiên cứu và phát triển quy mô lớn của Samsung. Điều này thể hiện quyết tâm làm ăn lâu dài của Tập đoàn tại Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu Hà Nội tạo điều kiện tối đa. Thủ tướng khẳng định thời gian tới sẽ tiếp tục ủng hộ Tập đoàn mở rộng đầu tư mang tính chiến lược tại Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực lắp ráp các sản phẩm điện tử mà mở rộng năng lực phát triển công nghệ, tiếp tục nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm công nghệ thế hệ mới…; hỗ trợ Việt Nam trong việc triển khai Chính phủ điện tử.

Thủ tướng đề nghị Samsung tiếp tục hỗ trợ thiết thực về đào tạo và chuyển giao công nghệ để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ phụ trợ của Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội hợp tác tham gia cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện cho các dự án của Tập đoàn. Thủ tướng cũng mong muốn Samsung thúc đẩy các tập đoàn công nghệ lớn của Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam. Tiếp thu ý kiến của Thủ tướng, ông Choi Joo Ho cho biết Tập đoàn đã mời gọi một doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc trong lĩnh vực chất bán dẫn đầu tư vào tỉnh Bắc Giang với tổng vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD.

Báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh thời gian qua, ông Choi Joo Ho cho biết, Samsung Việt Nam đã đạt doanh thu 28,5 tỷ USD, xuất khẩu đạt 24 tỷ USD tính đến cuối tháng 5. Dự kiến cả năm nay, doanh thu của tổ hợp đạt 73,5 tỷ USD, xuất khẩu đạt 63,5 tỷ USD, tăng trưởng 5% so với năm trước.

Vietnam Airlines muốn ‘rót’ 83 triệu USD vào logistics hàng không ở Cần Thơ

Tại buổi làm việc về báo cáo Dự án trung tâm logistics hàng không tại Cần Thơ được tổ chức ở địa phương này vào hôm nay, 13/6, ông Phạm Việt Hưng, Phó trưởng ban đầu tư mua sắm của Vietnam Airlines cho biết, một trung tâm logistics có các chức năng cơ bản gồm lưu kho, xếp dỡ hàng hóa, gom chia nhỏ hàng, phân phối, phân loại kiểm đếm, dán nhãn, trả hàng và các dịch vụ gia tăng giá trị hàng hóa khác… Theo ông Hưng, trung tâm logistics hàng không về cơ bản cũng như một trung tâm logistics thông thường, tức cũng sẽ đảm bảo những chức năng như nêu ở trên, nhưng nó phải nằm trong hoặc gắn liền với cảng hàng không và có kết nối trực tiếp với nhà ga hàng hóa và sân bay. “Trung tâm logistics hàng không nó phải được kết nối với các phương thức vận tải khác như đường bộ, đường sắt, đường biển và hàng hóa của logistics hàng không thường là hàng điện tử, hàng giá trị cao”, ông nói.

Ông Hưng cho biết, qua nghiên cứu các mô hình về logistics hàng không trong khu vực và thế giới, thì các mô hình trung tâm logistics hàng không này đều gắn liền với các sân bay. Quay lại với nghiên cứu cụ thể ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo ông Hưng, hiện nay cần thiết phải đầu tư trung tâm logistics hàng không tại Cần Thơ. Bởi, ĐBSCL là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước với nhu cầu vận chuyên hàng hóa bằng đường hàng không rất lớn, đặc biệt là những hàng xuất khẩu có giá trị cao.

Năm 2017, sản lượng hàng hóa từ vùng ĐBSCL lưu thông qua sân bay Tân Sân Nhất đạt lưu lượng hơn 70.000 tấn và kim ngạch xuất khẩu thủy sản, rau quả tăng trưởng bình quân 20%/năm cho giai đoạn 2015-2017, theo dẫn chứng của ông Hưng. Từ tiềm năng nêu trên cũng như vị trí Cần Thơ là trung tâm của vùng ĐBSCL, có trục vận tải kết nối với TPHCM và các tỉnh, cho nên, việc đầu tư xây dựng một trung tâm logistics tại đây không những thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics của khu vực, mà còn góp phần giảm tải cho Cảng hàng không Tân Sân Nhất hiện đang quá tải cũng như Long Thành trong tương lai, theo ông Hưng.

Ông cho biết, Vietnam Airlines xác định xây dựng trung tâm logistics hàng không tại Cần Thơ là trung tâm hiện đại với vai trò là ga hàng hóa kéo dài; là trung tâm phân phối hàng hóa trong tương lai, cung cấp dịch vụ cho thuê mặt bằng liên quan đến xử lý dịch vụ hàng hóa… Từ cơ sở nêu trên, theo ông Hưng, Vietnam Airlines dự kiến “rót” 82,9 triệu USD đầu tư xây dựng trung tâm logistics hàng không tại Cần Thơ và được chia làm ba giai đoạn đầu tư. Trong đó, dự kiến giai đoạn một, từ năm 2019-2020; giai đoạn hai, từ 2021-2022 và giai đoạn ba từ 2023-2024. Vietnam Airlines sẽ lần lượt triển khai theo từng giai đoạn để đạt tổng công suất cuối cùng đối với kho ngoại quan là 40.000 m2 (công suất 200.000 tấn/năm); ga hàng hóa kéo dài có diện tích 10.000 m2 (công suất 100.000 tấn/năm); trung tâm phân phối 40.000 m2 (công suất 200.000 tấn/năm); kho dịch vụ cho thuê 46.600 m2.

Siêu dự án điện gió Thanglong Wind trị giá 12 tỷ USD được cấp giấy phép khảo sát

Ngày 13/6, Tập đoàn Enterprize Energy (EE) đã công bố giấy phép khảo sát dự án điện gió Thanglong Wind – khu vực ngoài khơi mũi Kê Gà, Bình Thuận, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Điện gió Thanglong Wind – khu vực ngoài khơi mũi Kê Gà là dự án được đầu tư bởi tổ hợp gồm tập đoàn Enterprize Energy Group cùng các đối tác nước ngoài là Société Générale (SOC GEN), MHI Vestas Offshore Wind (MVOW), ODE và các đối tác trong nước gồm Vietsovpetro, PVC – MS, EVN PECC3, Haduco và Hemera Media. Tập đoàn Enterprize Energy cho biết dự án đã được khảo sát, nghiên cứu nhiều năm với diện tích 2.800 km2.

Trong đó, khu vực dự án là 2.000 km2 và khu vực cáp điện ngầm truyền tải về bờ là 800 km2. Dự án sẽ được xây dựng ngoài khơi cách bờ biển Bình Thuận (mũi Kê Gà) khoảng 20-50km, tốc độ gió bình quân 9,5m/s; kết cấu trụ gió đặc biệt, các tua bin có thể có công suất khác nhau, những tua bin đầu tiên được xây dựng có công suất khoảng 9,5MW, sau đó sẽ được tăng lên 10MW, 12MW. Ông Ian Hatton, Chủ tịch Enterprize Energy, cho biết tổng công suất của dự án là 3.400MW và được chia ra thành 6 giai đoạn. Trong 5 giai đoạn đầu, công suất của mỗi giai đoạn là 600MW, còn giai đoạn phát triển cuối cũng là Thanglong Wind 6 sẽ có công suất là 400MW.Được biết, vốn đầu tư cho toàn bộ dự án là khoảng 11,9 tỷ USD, chưa kể phần đầu tư cho kết nối vào hệ thống điện quốc gia. Theo dự kiến, giai đoạn 1 của dự án Thanglong Wind sẽ được hòa lưới điện vào cuối năm 2022, đầu năm 2023 với công suất 600 MW, gồm 64 cột gió.

Bình Thuận là một trong số các địa phương được đánh giá có tiềm năng phát triển điện gió lớn nhất cả nước khi có bờ biển trải dài và địa hình thuận lợi. Tính đến cuối năm 2018, đã có 19 dự án điện gió theo quy hoạch được duyệt, tuy nhiên mới chỉ có 3 dự án đã đi vào hoạt động với tổng công suất 60MW. Theo UBND tỉnh Bình Thuận, tiến độ triển khai các dự án điện gió còn chậm so với yêu cầu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực của một số nhà đầu tư còn hạn chế về chuyên môn và năng lực tài chính, việc giải quyết về chồng lấn giữa các khu vực quy hoạch phát triển điện gió của tỉnh với vùng quy hoạch dự trữ khoáng sản titan và việc ban hành giá đất để áp giá đền bù giải tỏa còn chậm.

Dự án PPP phải có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên

Dự thảo Luật PPP hiện đang được lấy ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, nhà khoa học, DN, cơ quan quản lý… Một trong những vấn đề quan trọng được đề cập trong dự thảo luật là quy mô dự án áp dụng PPP. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), quy định về tổng vốn đầu tư để đủ hạn mức được đầu tư theo PPP thay đổi qua các giai đoạn xây dựng văn bản quy phạm pháp luật: Nghị định 108/2009/NĐ-CP không nêu hạn mức tối thiểu; Nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định hạn mức từ 20 tỷ đồng trở lên; Nghị định 63/CP đã bỏ quy định về hạn mức.

“Thực tế, các dự án PPP ở nước ta trong thời gian vừa qua được triển khai chủ yếu thuộc một số lĩnh vực trọng điểm như giao thông vận tải, năng lượng và các dự án này đều có tổng vốn đầu tư lớn (chủ yếu thuộc nhóm A theo phân loại của Luật Đầu tư công 2014); các dự án có quy mô nhóm B trở xuống hầu hết được áp dụng loại hợp đồng BT”, Bộ KH&ĐT cho hay. Theo kinh nghiệm quốc tế, quy định quy mô tối thiểu của dự án để thực hiện theo hình thức PPP như sau: Canada – 100 triệu USD; Australia, Singapore – 50 triệu USD, Anh – 25 triệu USD. Một số nước áp dụng quy mô nhỏ hơn như Brazil – 2,7 triệu USD, Colombia – 1,4 triệu USD, Nam Phi – 1 triệu USD. Bên cạnh đó, cũng có một số quốc gia không quy định hạn mức làm PPP như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines. Mặc dù không quy định hạn mức làm PPP nhưng thực tế triển khai PPP tại các nước thường chỉ tập trung đối với các dự án có quy mô đủ lớn.

Theo Bộ KH&ĐT, do hợp đồng PPP thường là dài hạn, yêu cầu nhiều cam kết của phía Chính phủ, vì vậy quy định quy mô dự án tối thiểu nhằm lựa chọn được những dự án xứng đáng để đầu tư theo phương thức này, tránh đầu tư dàn trải dẫn đến nguồn lực bị phân tán, mang lại hiệu quả đầu tư không cao. Chi phí chuẩn bị đầu tư để đưa một dự án PPP ra thị trường cũng khá cao, do đó, nếu thực hiện PPP cho dự án quy mô nhỏ sẽ không hiệu quả. Bên cạnh đó, dự án với quy mô đủ lớn mới có tính hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.

Với các phân tích nêu trên, trong quá trình xây dựng Dự thảo Luật, Bộ KH&ĐT đã xin ý kiến rộng rãi về tính cần thiết của việc quy định một hạn mức được đầu tư PPP. Tổng hợp các ý kiến nhận được, đa số thống nhất tính cần thiết phải có hạn mức và kiến nghị áp dụng PPP đối với dự án nhóm B trở lên. Theo dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi hiện nay, dự án thuộc các lĩnh vực như giao thông, điện… có quy mô từ 240 tỷ đồng đến dưới 4.600 tỷ đồng được phân loại là dự án nhóm B.

Ngoài ra, qua thống kê, đa số các dự án PPP đã thực hiện có tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng (với 233/336 dự án, chiếm tỷ lệ 69,34%; nếu không tính hợp đồng BT, số dự án trên 200 tỷ là 113/148 dự án, chiếm 76,35%). Do đó, tại khoản 1 Điều 6 Dự thảo Luật PPP, Bộ KH&ĐT đề xuất áp dụng hạn mức để đầu tư PPP ở mức 200 tỷ đồng. Cụ thể, khoản 1 Điều 6 quy định: “Chỉ đầu tư PPP đối với các dự án có tổng mức đầu tư từ 200 tỷ đồng trở lên”

Nhiều dự án nhà máy điện chậm tiến độ

Bộ Công thương vừa công bố báo cáo tình hình thực hiện các dự án điện trong quy hoạch điện VII. Theo đó, quy hoạch điện VII điều chỉnh giai đoạn 2016 – 2030 có tổng cộng 116 dự án nguồn điện đưa vào vận hành, chưa bao gồm các nguồn năng lượng tái tạo chưa ghi rõ tên hoặc chưa lập dự án. Trong đó có 43 dự án thủy điện, 57 dự án nhiệt điện và 11 dự án năng lượng tái tạo, 3 dự án thủy điện tích năng và 2 dự án điện hạt nhân. Cụ thể, sẽ đưa vào vận hành tổng cộng 21.651 MW giai đoạn 2016 – 2020 và đến năm 2020 tổng công suất các nhà máy điện khoảng 60.000 MW.

Giai đoạn đến năm 2025, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 96.500 MW và đưa vào vận hành 38.010 MW; giai đoạn đến năm 2030 tổng công suất là 129.500 MW, đưa vào vận hành 36.192 MW. Quy hoạch điện VII điều chỉnh dự báo sản lượng điện thương phẩm đến năm 2020 theo các phương án cơ sở là 235 tỷ kWh, phương án cao là 245 tỷ kWh, với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm bình quân tương ứng là 10,34%/năm và 11,26%/
năm. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đảm bảo cung
ứng điện.

Các năm 2019 – 2020 dự kiến đưa vào vận hành khoảng 6.900 MW, trong đó nhiệt điện than là 2.488 MW, nhà máy thủy điện là 592 MW, còn lại là dự án năng lượng tái tạo khoảng 3.800 MW. Mặc dù có thể đáp ứng nhu cầu điện toàn quốc, nhưng Bộ Công thương cho biết nguồn điện chạy dầu vẫn phải huy động với sản lượng 1,7 tỷ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỷ kWh năm 2020. Nguy cơ thiếu điện đặt ra cho năm 2020 nếu các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành và không đảm bảo đủ nhiên liệu.

Bộ Công thương cũng cho biết thêm là đến năm 2021 – 2025 mặc dù phải huy động tối đa nguồn điện chạy dầu nhưng hệ thống điện không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện miền Nam. Cụ thể, với mức thiếu hụt điện năng dự báo khoảng 3,7 tỷ kWh năm 2021 và lên gần 10 tỷ kWh năm 2022; mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh và sau đó giảm dần xuống 7 tỷ kWh năm 2024 và 3,5 tỷ năm 2025.

Trong khi đó, tổng công suất các nguồn điện có khả năng đưa vào vận hành cả giai đoạn 15 năm 2016 – 2030, dự kiến khoảng 80.500 MW, thấp hơn so với dự kiến khoảng hơn 15.200 MW. Nhiều dự án chậm tiến độ và hầu hết là dự án nhiệt điện tại miền Nam. Các dự án chậm tiến độ có thể ảnh hưởng đến cấp điện miền Nam như dự án khí Lô B, Cá Voi Xanh đều chậm so với kế hoạch từ 9 tháng đến 1 năm; dự án nhiệt điện Kiên Giang 1&2 không đáp ứng tiến độ, có thể lùi sau năm 2030; dự án Ô Môn III lùi tiến độ đến năm 2025. Các dự án nhiệt điện Thái Bình II, Long Phú 1, Sông Hậu 1 đến nay đã chậm tiến độ 2 năm, các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT, những dự án đang trong quá trình đàm phán như Sơn Mỹ 1, Sông Hậu 3, Long Phú 2, Nam Định 1, Quảng Trị 1… còn tiềm ẩn rủi ro lớn về tiến độ; nhiều dự án lớn chưa xác định được chủ đầu tư như Long Phú 3, Quỳnh Lập 2…

Chưa kể, việc cấp nguyên liệu tiềm ẩn rủi ro. Đơn cử như cấp than cho điện chưa đáp ứng được yêu cầu cả khối lượng, chủng loại. Một số dự án chưa rõ phương án vận chuyển than như Long Phú 2, Sông Hậu 2; cung cấp khí cũng thiếu hụt khoảng 2-3 tỷ m3/năm đến năm 2023-2024 và tăng lên 10 tỷ m3 năm 2030. Ngoài ra là các yếu tố khác như đường dây 500 kV mạch 3 bị chậm tiến độ gần 1 năm, hệ thống nguồn điện không có vận hành ổn định…

Vingroup khởi công nhà máy điện thoại Vinsmart

Ngày 10/6, Tập đoàn Vingroup khởi công Dự án Nhà máy sản xuất điện thoại thông minh Vsmart tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội). Nhà máy được đặt tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trên diện tích 15,2 ha. Giai đoạn 1 của nhà máy dự kiến sẽ hoàn thiện vào ngày 15/8/2019, có công suất 23 triệu máy/năm. Tháng 10/2019 giai đoạn 2 của nhà máy sẽ hoàn thành với công suất 34 triệu máy/năm. Đầu năm 2020, nhà máy sẽ đạt công suất cao nhất 125 triệu máy khi chính thức hoàn thiện. Nhà máy được thiết kế tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn quốc tế dành cho các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông như IPC-A-610, TL 9000. Môi trường sản xuất được kiểm soát hoàn toàn về nhiệt độ, độ ẩm kiểm soát phóng tĩnh điện cũng như độ sạch không khí để đảm bảo chất lượng cao nhất cho sản phẩm. Các trang thiết bị, máy móc của VinSmart đều tối tân nhất. Trong đó, dây chuyền hàn dán linh kiện SMT, dây chuyền kiểm tra bo mạch hoàn toàn tự động, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay của Mỹ, Đức, Nhật Bản; phần mềm kiểm tra, hiệu chỉnh của Qualcomm (Mỹ); các cộng đoạn kiểm tra sản phẩm trên dây chuyền lắp ráp cũng được tự động hóa. Tất cả đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn cao nhất trong sản xuất công nghiệp của thế giới, hướng tới tự động hóa tối đa, giảm thiểu sai sót do con người, tăng chất lượng, tăng công suất và độ chính xác.

Nhà máy VinSmart sẵn sàng sản xuất không chỉ điện thoại mang thương hiệu Vsmart mà còn có thể sản xuất thuê cho các hãng điện thoại hàng đầu trên thế giới với những tiêu chuẩn khắt khe nhất về chất lượng. Công nghệ của VinSmart được phát triển trên nền tảng tiêu chuẩn cao trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với các hãng công nghệ lớn nhất thế giới như Qualcomm, Google, ArcSoft, DxO … nhằm cập nhật các công nghệ tiên tiến nhất trong lĩnh vực thiết bị thông minh. Về thiết kế sản phẩm, VinSmart hợp tác với nhiều nhà thiết kế (IDH – Independent House), nhiều ODM (Original design manufacturer)…

Bên cạnh đó, với việc sở hữu hàng ngàn chuyên gia công nghệ cao ở nước ngoài và Việt Nam đã mang lại cho VinSmart ưu thế lớn trong việc làm chủ công nghệ từ khâu nghiên cứu phát triển sản phẩm đến sản xuất thiết bị điện tử thông minh với công nghệ hiện đại nhất. Ông Nguyễn Việt Quang (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup) cho biết: “Sau một thời gian triển khai và gia nhập lĩnh vực sản xuất điện thoại di động, các sản phẩm của chúng tôi được thị thường đón nhận rất tích cực. Đặc biệt chúng tôi nhận được nhiều đơn đặt hàng gia công từ các đối tác lớn từ châu Âu và Mỹ. Đó là lý do chúng tôi, chúng tôi quyết định đầu tư xây dựng nhà máy với công suất lớn gấp 25 nhà máy hiện có tại Hải Phòng nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.” Bên cạnh điện thoại, VinSmart sẽ đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất các sản phẩm điện tử thông minh, kết nối vạn vật (IoT) như SmartHome, SmartTV… Công ty VinSmart cũng tiếp cận các hãng cung cấp chipset, linh kiện, phụ kiện trong nước và quốc tế để trực tiếp làm chủ chuỗi cung ứng và kiểm soát chất lượng sản xuất của các thiết bị điện tử thông minh trước khi đưa ra thị trường.

Bắc Ninh xây nhà máy đốt rác phát điện gần 1.400 tỷ đồng

Nhà máy đốt rác phát điện công nghệ cao vừa được khởi công xây dựng tại thôn Đồng Sài, xã Phù Lãng (Quế Võ, Bắc Ninh). Đây là nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên tại Việt Nam sử dụng công nghệ phân loại rác đầu vào kết hợp lò đốt tầng sôi tuần hoàn theo công nghệ của Phần Lan. Dự án do Công ty CP Môi trường năng lượng Thăng Long làm chủ đầu tư với tổng kinh phí gần 1.400 tỷ đồng. Nhà máy được xây dựng trên trên diện tích 4,834 ha thuộc khu Quy hoạch xử lý chất thải tỉnh Bắc Ninh. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào vận hành thương mại vào cuối năm 2020 với công suất xử lý 500 tấn rác sinh hoạt/ngày đêm, công suất phát điện là 11,7 MWe, góp phần giải quyết triệt để vấn đề rác thải sinh hoạt, các loại chất thải rắn khác phát sinh hàng ngày và còn tồn đọng ở toàn tỉnh. Ngoài ra, với công nghệ đốt rác, thu hồi nhiệt trị để phát điện, nhà máy sẽ góp phần cung cấp điện năng hòa vào lưới điện quốc gia trong thời gian tới.

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *