Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Doanh nghiệp FDI kiến nghị điều chỉnh quy định về ưu đãi đầu tư
Tổ chức xúc tiến thương mại

Doanh nghiệp FDI kiến nghị điều chỉnh quy định về ưu đãi đầu tư 

Nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cho rằng một số vướng mắc trong một số quy định về thuế như chưa có hướng dẫn cụ thể về thuế TNDN, thiếu sự đồng nhất trong ưu đãi giữa luật đầu tư và luật thuế TNDN, tăng thuế VAT với DN phần mềm …. đang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.


Ông Võ Quang Huệ tại buổi họp báo.

Ưu đãi chưa rõ ràng

Cụ thể, Công ty TNHH Robert Bosch Việt Nam có dự án đầu tư nhà máy sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe có động cơ và không động cơ tại Đồng Nai, sản phẩm xuất khẩu 100%, vốn đầu tư đến nay hơn 140 triệu USD, công nghệ và sản phẩm dự án đáp ứng được các tiêu chuẩn về dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Theo ông Võ Quang Huệ – TGĐ Robert Bosch Việt Nam, công ty đã có kiến nghị được hưởng thuế TNDN ưu đãi đối với dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực công nghệ cao nhưng chưa xem xét giải quyết vì công ty sử dụng pháp nhân hiện tại đang có ở TP.HCM để đầu tư tại Đồng Nai xem như là dự án mở rộng đầu tư chứ không thành lập DN mới.

“Vào cuối năm 2012, khi Chủ tịch của Robert Bosch toàn cầu sang Việt Nam, nếu khó khăn trên không được giải quyết thì sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư mở rộng, tăng công suất với tổng vốn 320 triệu USD để tăng tỉ lệ nội địa hóa lên 70 – 90% vào năm 2015, giá trị xuất khẩu khoảng 400 triệu USD”, ông Võ Quang Huệ cho biết: Lý giải nguyên nhân vướng mắc của Bosch Việt Nam, Sở KHĐT tỉnh Đồng Nai cho biết là do Luật Đầu tư quy định ưu đãi cho dự án đầu tư song Luật Thuế TNDN chỉ quy định ưu đãi cho DN thành lập mới, mà chưa áp dụng cho dự án đầu tư mới và mở rộng thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Với quy định này, không riêng gì Bosch mà nhiều DN sản xuất các sản phẩm công nghệ cao khác có dự án mở rộng đầu tư cũng không được hưởng ưu đãi.


Sản phẩm Bosch tại triển lãm.

Ngoài vướng mắc của DN tại Đồng Nai, đại diện các DN FDI đang hoạt động tại KCX Tân Thuận (Q7, TP.HCM), ông Suzuki Masanori – TGĐ Công ty Juki Việt Nam, cho biết công ty hoạt động tại KCX từ năm 1994 với thuế suất thuế TNDN là 10%. Theo cam kết WTO của Việt Nam, từ năm 2012 thì Juki sẽ chịu thuế TNDN mới. Tuy nhiên do chưa hướng dẫn cụ thể nên hiện nay Juki không biết phải chịu mức thuế TNDN như thế nào. Trường hợp này không chỉ xảy ra đối với Juki mà nhiều doanh nghiệp khác đang hoạt động trong KCX Tân Thuận hiện cũng đang gặp phải như Công ty Towa, Công ty Viet Long hay Công ty MTEX Việt Nam… Theo Juki, mặc dù cùng hoạt động trong KCX Tân Thuận nhưng mỗi công ty đang được áp thuế TNDN với mức khác nhau.

Tăng thuế khó cạnh tranh

Tại Công viên phần mềm Quang Trung (Q12, TP.HCM), một số công ty gia công phần mềm và dịch vụ số hóa cho biết đang gặp khó ở quy định mới về thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với dịch vụ số hóa dữ liệu. Theo đó, quy định thuế VAT đối với dịch vụ số hóa dữ liệu được điều chỉnh tăng từ 0% lên 10% từ ngày 1-3-2012 khiến nhiều DN gặp khó.

Ông Frank Schellenberg, GĐ điều hành Công ty TNHH GHP Far East, chuyên về gia công phần mềm quy trình doanh nghiệp (BPO) và số hóa dữ liệu, cho hay việc điều chỉnh thuế VAT ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp bởi có những hợp đồng GHP đã ký từ lâu và nay họ trả tiền lại phải cộng thêm 10% nên khách hàng không đồng ý trả. Còn những đơn hàng mới thì bị cân nhắc có thực hiện ở Việt Nam hay không vì đơn giá bị tăng thêm 10%.

“Sự thay đổi đột ngột này khiến Việt Nam mất tính cạnh tranh so với thị trường Ấn Độ và Trung Quốc, nơi có chính sách ưu đãi tốt đối với ngành CNTT. Đây là điều không xảy ra ở các thị trường mà GHP đang hoạt động và có thể GHP sẽ phải xem lại việc có nên tiếp tục đầu tư tại Việt Nam”, ông Schellenberg cho biết: Cũng liên quan đến vấn đề thuế, Công ty TNHH Bao bì Nhật Bản (JPT) trong KCX Tân Thuận cho rằng họ đang bị đánh thuế bảo vệ môi trường cho túi ni lông chưa hợp lý. Bà Trần Thị Minh Hương, Trưởng phòng kinh doanh của công ty phản ánh, công ty bà trước đây chủ yếu nhập khẩu túi ni lông để sản xuất rồi xuất khẩu không phải chịu thuế bảo vệ môi trường. Nhưng, do muốn tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cũng như giảm giá thành sản xuất, JPT đã mua nguyên liệu ni lông trong nước sản xuất thì bị đánh thuế môi trường dẫn đến sản phẩm khó cạnh tranh.

bà Hương, toàn bộ sản phẩm làm ra của JPT xuất khẩu đi nước ngoài, thì túi ni lông đó đâu có còn ở Việt Nam để gây ô nhiễm môi trường thì tại sao cơ quan thuế Việt Nam phải đánh thuế này.

Lấn cấn trong ưu đãi công nghệ cao

Theo ông Vũ Văn Hòa – Trưởng Ban QL KCX – KCN TP.HCM (Hepza), hiện các cơ chế thu hút đầu tư dự án CNC vẫn còn hạn chế. Do sự thay đổi trong chính sách ưu đãi đầu tư như thuế suất thuế thu nhập DN thay đổi từ 10% suốt thời gian dự án theo quy định trước đây thì hiện nay chỉ còn ưu đãi trong 15 năm, dự án đầu tư mở rộng không được hưởng ưu đãi. Mặt khác, việc đầu tư vào các ngành công nghệ mới thường có rủi ro cao, do quy mô đầu tư ban đầu thường nhỏ, sau đó khi đạt được thành công nhất định mới sản xuất ở quy mô lớn. “Quy trình xét duyệt dự án CNC cũng rất khó khăn nên hiện tại trong các KCX-KCN TP.HCM mới có 1 dự án được Bộ KHCN xác nhận là CNC”, ông Vũ Văn Hòa cho biết.

Trường hợp của dự án Samsung là ví dụ. Vào thời điểm nhận Giấy chứng nhận đầu tư cho Nhà máy Sản xuất điện thoại di động Samsung Electronics (SEV) ở Bắc Ninh năm 2008 , Samsung được “xếp hạng” doanh nghiệp CNC (theo Quyết định số 27/2006/QĐ-BKHCN của Bộ KHCN). Tuy nhiên, khi nhà đầu tư này quyết định mở rộng Dự án với tổng vốn đăng ký tăng từ 670 triệu USD lên 1,5 tỷ USD và danh mục sản phẩm cũng không chỉ dừng lại ở điện thoại di động, mà còn là máy in, pin điện thoại, camera… thì các sản phẩm này đã bị loại khỏi Danh mục sản phẩm CNC. Vì thế, một nửa còn lại của SEV không được công nhận là CNC và nhà đầu tư này chỉ được hưởng một số chính sách ưu đãi đầu tư nhờ Chính phủ ra một cơ chế riêng.

Dự án Nokia cũng tương tự. Xét về quy định pháp luật, Nokia cũng không đủ điều kiện là một doanh nghiệp công nghệ cao. Theo Điều 18, Luật Công nghệ cao, có hiệu lực từ ngày 1-7-2009, muốn là doanh nghiệp CNC, được hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định hiện hành, thì phải đáp ứng đủ 5 điều kiện. Trong đó, một trong những điều kiện cơ bản nhất là sản phẩm phải thuộc Danh mục sản phẩm CNC được khuyến khích phát triển quy định tại Điều 6 Luật này. Chỉ riêng điều này, Nokia đã không đáp ứng được.

Thực tế là, không chỉ vướng về Danh mục các sản phẩm CNC được khuyến khích đầu tư sản xuất, theo một nhà đầu tư, rất ít nước có thể đạt nổi. Việc Luật CNC yêu cầu về tổng chi phí cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) mới là điều kiện làm khó doanh nghiệp nhất. Theo luật này, thì “tổng chi bình quân của doanh nghiệp trong 3 năm liền cho hoạt động R&D được thực hiện tại Việt Nam phải đạt ít nhất 1% tổng doanh thu hằng năm; từ năm thứ tư trở đi phải đạt trên 1% tổng doanh thu”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì với các dự án đầu tư lớn như của Samsung, Nokia thì việc chi 1% doanh thu cho R&D là khá lớn, gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Theo ông Vũ Văn Hòa, Chính phủ cần ban hành chính sách thuế thu hút ngành CNC theo hướng: việc ưu đãi cần thống nhất, không phân biệt DN đầu tư vào các Khu công nghệ cao và DN đầu tư vào địa bàn khác. Đối với DN hiện hữu thì khuyến khích đầu tư mở rộng, chuyển đổi công nghệ, DN đầu tư mới thì chính sách cần nhất quán. Ngoài ra, cần đề xuất ban hành danh mục các sản phẩm hỗ trợ cho ngành công nghệ cao, trên cơ sở đó chính sách ưu đãi cho các dự án này nhằm cung ứng linh kiện, phụ kiện cho sản phẩm CNC.

MT

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *