Cơ quan khoa học bắt tay cùng doanh nghiệp để làm ra sản phẩm bán trên thị trường. Nhờ mô hình mới này, doanh thu của Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng (TP.HCM) đã tăng từ 2-3 tỷ đồng lên 7-8 tỷ đồng/năm.
Viện Khoa học Vật liệu ứng dụng (KHVLƯD) là một trong 24 viện quốc gia trực thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (KH&CN VN), cùng thực hiện chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học tự nhiên và phát triển công nghệ theo các hướng trọng điểm của Nhà nước. Ngoài chức năng trên, Viện KHVLƯD còn có nhiệm vụ nghiên cứu phát triển công nghệ và triển khai ứng dụng, tư vấn công nghệ và đào tạo sau đại học.
Hiện, Viện KHVLƯD đang được đánh giá là tổ chức KHCN công lập có tốc độ chuyển đổi nhanh sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo NĐ 115. Mặc dù hình thức chuyển đổi của Viện có “hơi… ngược” (theo cách nói của PGS Hồ Sơn Lâm, Viện trưởng Viện KHVLƯD), nhưng “bằng cách này hay cách khác thì cũng phải thoát ra khỏi tình trạng ôm nhau chờ chết như hiện nay”- ông Lâm nói.
Ông Lâm cho biết, nếu “theo” 115 thì sau năm 2009, các đơn vị nghiên cứu cơ bản của Viện buộc phải “gom” vào một trung tâm, điều đó đồng nghĩa với việc các đơn vị đó phải tự hạch toán, tự sản xuất để nuôi sống bản thân.
Lúc ấy, con dấu của Viện sẽ không còn tác dụng đối với trung tâm nói trên dẫn đến việc khó có thể quản lý được mọi hoạt động sản xuất cũng như kinh doanh của trung tâm đó. Mà như vậy, không những Viện KHVLƯD sẽ bị “teo” dần mà tất cả các viện nghiên cứu cơ bản khác cũng teo dần…
Xuất phát từ thực tế trên, Viện KHVLƯD đã chọn cách chuyển đổi… ngược so với cách làm của các tổ chức KHCN công lập hiện nay. Bằng phương pháp này, Viện vừa có thể đáp ứng được yêu cầu tự chủ, tự chịu trách nhiệm mà NĐ 115 yêu cầu, vừa đảm bảo được chức năng nghiên cứu của mình. Theo mô hình của Viện, thay cho việc phải biến các nhà khoa học thành nguời kinh doanh thì Viện đã mời các nhà doanh nghiệp hợp tác với Viện trong việc đầu tư cho nghiên cứu. Nói cách khác, Viện đã chuyển đổi theo NĐ 115 bằng cách “bắt tay cùng doanh nghiệp”.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng cho biết thêm, Viện chỉ ưu tiên chọn những doanh nghiệp do các nhà khoa học chuyển sang kinh doanh. Viện sẽ giới thiệu với họ những công trình, các đề tài nghiên cứu mà Viện không đủ tiền tiếp tục triển khai, nếu họ chấp nhận đầu tư, Viện sẽ phối hợp với họ để xây dựng mô hình hợp tác có thể sản xuất ra hàng hoá.
Để thực hiện mô hình trên, Viện sẽ đứng ra chịu trách nhiệm kí kết giấy tờ đảm bảo cho mọi hoạt động của nhóm đề tài. Lợi nhuận sẽ được chia theo tỷ lệ hợp lý. Bằng hình thức hợp tác này, từ thực tiễn của doanh nghiệp có thể đặt ra nhiều đề tài để Viện cùng nghiên cứu. Kết quả, doanh nghiệp vừa có lãi, nhóm đề tài không bị mất chất xám, và quan trọng nhất là các nhà khoa học không phải lo việc sản xuất kinh doanh nhưng vẫn được làm việc và có thể cùng lúc tham gia vào nhiều doanh nghiệp khác của Viện bằng trí tuệ của mình chứ không phải đứng ra sản xuất.
Lợi nhuận từ việc hợp tác trên sẽ do nhóm thực hiện đề tài trực tiếp quản lý, Nhà nước vẫn thu thuế bình thường qua các doanh nghiệp cổ phẩn (thuế doanh nghiệp), qua tiền thu về của Viện.
Ông Lâm cho rằng, lợi nhuận “năm bảy đường” như vậy thì tại sao phải bắt các nhà khoa học hay nói cách khác là các chủ nhiệm đề tài phải trở thành nhà sản xuất?
Hiện, Viện KHCNVLƯD đã có một vài sản phẩm ra đời theo mô hình trên như: thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh đạo ôn, thuốc trừ sên, ốc bươu vàng cho nông nghiệp hay tiêu diệt bọ đầu đen cho miền Đông Nam Bộ. Đối với các sản phẩm hợp tác với các doanh nghiệp nói trên, Viện sẽ giữ lại bí quyết công nghệ, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm các khâu khác như: đóng gói, thiết kế bao bì, tiêu thụ, lo đầu ra cho sản phẩm.
Khi được hỏi cụ thể về việc hợp tác giữa Viện với các doanh nghiệp ông Lâm tỏ ý ngần ngại bởi theo ông, cách làm của Viện KHVLƯD như hiện nay chưa biết đúng hay sai nên chưa thể có những thoả thuận “chuẩn” với các doanh nghiệp. Ông Lâm khẳng định, hiện chưa có bất kỳ một tổ chức KHCN công lập nào trên khắp cả nước áp dụng phương pháp này. Vì thế mọi thoả thuận chủ yếu là do thoả thuận giữa các nhóm đề tài và các nhà doanh nghiệp.
Với việc hợp tác trên, sau năm 2009, khi mà các viện nghiên cứu cơ bản không còn chức năng sản xuất nữa, sẽ có nhiều những công ty cổ phần ra đời từ sự hợp tác của các doanh nghiệp và các nhà khoa học, và như thế những nhà khoa học vẫn có thể làm việc một cách bình thường mà vẫn đem được tiền về cho Viện. Lúc đó, sản phẩm hợp tác làm ra không phải là do Viện bán nữa mà là do các công ty cổ phẩn bán (hiện tại Viện vẫn đang bán “ruột”, còn các doanh nghiệp bán “vỏ”). Tới năm 2009, Viện không còn hoá đơn tài chính, việc mua bán sẽ do các công ty hợp tác trên đứng ra sản xuất và trực tiếp bán hàng.
Với mô hình mới như trên,“kể cả những đề tài sắp được nghiệm thu cũng vậy, chúng tôi sẽ tìm đầu ra trước khi đề tài đó được tiến hành nghiệm thu”- ông Lâm nói.
Nhờ cách làm mới này, doanh thu của Viện KHCNVLƯD đã tăng từ 2-3 tỷ đồng lên 7-8 tỷ đồng/năm. Các phòng, ban đều được kiện toàn lại, trang thiết bị được sắm sửa nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu áp dụng mô hình trên, việc phân chia lợi nhuận theo hình thức bình quân chủ nghĩa thường thấy tại một số tổ chức KHCN công lập sẽ không còn.
Mai Hà
Related posts
Bài viết mới
Giải quyết mức tiêu thụ điện năng với ADI MAX78000
Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa công nghiệp đã…
Quỹ ME Innovation Fund của Mitsubishi Electric đầu tư vào Formic Technologies
Tập đoàn Mitsubishi Electric đưa ra thông báo rằng quỹ ME Innovation Fund của họ đã đầu tư vào Formic…