Nhận bản tin Online
Bài viết mới
31 Th10 2024

Blog Tự Động Hóa

540 doanh nghiệp tham gia triển lãm công nghệ xử lý, chế biến và đóng gói bao bì
Sự kiện

540 doanh nghiệp tham gia triển lãm công nghệ xử lý, chế biến và đóng gói bao bì 

Triển lãm và hội thảo quốc tế về Công nghệ xử lý, chế biến và đóng gói bao bì tại Việt Nam (ProPak Vietnam 2019) khai mạc ngày 19/3 tại TPHCM thu hút sự tham gia của hơn 540 đơn vị đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Triển lãm kéo dài đến ngày 21/3 giới thiệu nhiều máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới trong ngành đóng gói và bao bì với hơn 80% doanh nghiệp quốc tế đến từ Đài Loan, Đức, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc, Ý… tham gia trưng bày, tìm kiếm đối tác. Danh mục sản phẩm trưng bày đa dạng như đóng gói bao bì, đóng chai và đóng hộp thực phẩm – đồ uống; công nghệ chế biến và đóng gói dược mỹ phẩm; máy móc và thiết bị in ấn; cho đến các nguyên vật liệu và linh kiện đóng gói; công nghệ an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm soát chất lượng và quản lý rủi ro; công nghệ môi trường và xử lý chất thải… Theo ông BT Tee, Tổng giám đốc Công ty UBM Vietnam, đơn vị tổ chức triển lãm, trải qua 14 lần tổ chức ProPak Vietnam 2019 được xem là năm có lượng nhà triển lãm tham gia tăng đột biến, tăng gấp 10 lần so với lần đầu tiên tổ chức và tăng 110 doanh nghiệp so với triển lãm năm ngoái.

Với quy mô dân số gần 95 triệu dân, cùng lượng khách du lịch tăng nhanh và sự phát triển hệ thống bán lẻ rộng khắp, ngành thực phẩm, đồ uống và dược phẩm tại Việt Nam được đánh giá là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư, kích thích sự phát triển của ngành công nghiệp in ấn, đóng gói bao bì trong nước. Tại triển lãm lần này, nổi bật nhất là gian hàng Quốc gia Ý với 22 doanh nghiệp tham gia giới thiệu những giải pháp, công nghệ xử lý và đóng gói bao bì mới nhất cho ngành công nghiệp thực phẩm, nước giải khát và dược phẩm. Theo ông Paolo Lemma, Tham tán thương mại Ý, hầu hết các công ty Ý tham gia Triển lãm Propak & Printech 2019 đều có các nhà phân phối, đại lý hoặc văn phòng đại diện và chi nhánh tại Việt Nam. Cụ thể, tại khu vực triển lãm Propak Vietnam 2019, có 17 doanh nghiệp Ý là các công ty thiết kế và sản xuất máy đóng gói với chủng loại đa dạng, đặc biệt trong lĩnh vực xử lý, chiết rót, đóng nắp, đóng gói sơ cấp và thứ cấp; các nhà sản xuất và cung cấp dây chuyền công nghệ chế biến trái cây… Nếu như những năm trước đây, các doanh nghiệp trong ngành đóng gói và bao bì của Ý chiếm số đông tại Gian hàng quốc gia Ý của triển lãm này, thì năm nay, số doanh nghiệp trong ngành công nghệ chế biến thực phẩm, cụ thể là ngành chế biến trái cây và rau củ có mặt tại triển lãm tăng đáng kể. Ông Aldo Peretti, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp sản xuất máy móc ngành đồ họa, thiết bị in ấn, xử lý bao bì và giấy của Ý (ACIMGA), cho rằng Việt Nam sẽ là một điểm đến kinh doanh lý tưởng, đây vừa là thử thách vừa là sự hứa hẹn tươi sáng cho các nhà sản xuất và cung ứng máy móc, thiết bị của Ý. Chúng tôi luôn sẵn sàng đưa vào thị trường Việt Nam những giải pháp và thiết bị ứng dụng công nghiệp 4.0, một thế mạnh của sản phẩm “Made in Italy” trên toàn cầu. Năm 2018, Ý tiếp tục giữ vị trí là một trong những nhà sản xuất hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ đóng gói và in ấn. Cụ thể theo ông Lemma, 11 tháng đầu năm 2018, tổng trị giá xuất khẩu máy và thiết bị đóng gói và in ấn dành cho ngành thực phẩm, nước uống và thuốc lá của Ý đạt khoảng 3,9 tỉ euro. Trong đó, trị giá xuất khẩu thiết bị và máy móc từ Ý qua Việt Nam đạt 25,2 triệu euro, đạt mức tăng trưởng +2,4% so với năm 2017.

Theo báo cáo của Hiệp hội In ấn Việt Nam (VPA), thị trường in ấn và đóng gói bao bì tại Việt Nam trong năm vừa qua đạt mức tăng trưởng 15%-20%. Riêng tại TPHCM, ngành đóng gói và in ấn chiếm 60- 65% thị phần toàn ngành, với tốc độ tăng trưởng hàng năm ở mức 15%. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp đóng gói thực phẩm chế biến sẵn trong nước được dự báo sẽ tiếp tục tăng cao, điều này dẫn đến nhu cầu tất yếu về máy móc, vật liệu in ấn và đóng gói cũng sẽ gia tăng 25%. Đây là lý do mà các nhà cung cấp máy móc, thiết bị và công nghệ của ngành này đang hướng đến thị trường Việt Nam.

Suri Nguyễn

 

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *