Nhận bản tin Online
Bài viết mới
20% doanh nghiệp FDI ở Việt Nam có hành vi chuyển giá
Thông tin dự án

20% doanh nghiệp FDI ở Việt Nam có hành vi chuyển giá 

Nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) đã công bố kết quả điều tra cho thấy 20% doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đã có hành vi chuyển giá.

Ông Edmund Malesky, GS.TS. Kinh tế, Đại học Duke, Mỹ, Trưởng nhóm nghiên cứu PCI cho biết: Trong kết quả PCI không có kết quả điều tra doanh nghiệp nước ngoài vì không phải tỉnh nào cũng có doanh nghiệp FDI.

Năm 2013, nhóm nghiên cứu đã tiến hành điều tra đối với 1.610 doanh nghiệp nước ngoài trên 13 tỉnh thành, trong đó, 92% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Nhóm nghiên cứu đã đưa ra 4 hoạt động chủ yếu mà các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài sử dụng để giảm gánh nặng thuế ở Việt Nam như: Thuê công ty tư vấn luật quốc tế tư vấn về thuế; thuê công ty luật hoặc tư vấn trong nước tư vấn về thuế; tăng cường mua hàng từ các nhà cung cấp Việt Nam; nâng giá hàng hóa, dịch vụ mua nội bộ để giảm lợi nhuận trên sổ sách (thực chất là chuyển giá) và yêu cầu các doanh nghiệp tham gia trả lời.

Một trong những kết quả cho thấy: 20% các doanh nghiệp tham gia thừa nhận có hành vi chuyển giá và chuyển giá phổ biến nhất ở các ngành có nhiều tài sản vô hình. Tức là ngành có công nghệ độc quyền, sản xuất các sản phẩm trong nước không có, nên không có cơ sở so sánh. Xác suất doanh nghiệp coi Việt Nam là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu thực hiện chuyển giá là 13-20%. 37% doanh nghiệp mà nước xuất xứ có thuế suất thấp hơn Việt Nam có xu hướng thực hiện chuyển giá.

65,1% doanh nghiệp có lợi nhuận lớn hơn 20% có thực hiện chuyển giá và 44,5% doanh nghiệp lợi nhuận từ 10-20% thực hiện hành vi này. Trong đó, 90% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm; 70% doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất dệt may; 51% doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất linh kiện ô tô… thực hiện chuyển giá.

Phân tích nguyên nhân của tình trạng chuyển giá, ông Edmund Malesky cho rằng: Chính sách thuế của Việt Nam còn nhiều hạn chế và hay thay đổi. Nhóm doanh nghiệp nhận định chính sách thuế của Việt Nam dễ dự đoán có khả năng thực hiện chuyển giá thấp hơn 46% so với các doanh nghiệp cho rằng chính sách thuế hay thay đổi.

Nhóm nghiên cứu đề xuất giải pháp là nên điều chỉnh chính sách thuế phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm: Xem xét lại các mức thuế suất áp dụng cho đối tượng liên quan; Điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp theo tương quan với các nước đối thủ cạnh tranh chính.

Bên cạnh đó, cần nâng cao tính dễ dự đoán của chính sách thuế, công khai chính sách thuế trong những năm tiếp theo, áp dụng cơ chế tạo thuận lợi cho việc định giá trước, đồng thời, cần xem xét thực tế là các quy định, chính sách thuế hay thay đổi và nỗ lực giải quyết vấn đề này.

Năm 2013, Tổng cục thuế công bố một báo cáo cho biết 57% trong số 5.500 doanh nghiệp FDI được rà soát (chiếm khoảng 60% tổng số doanh nghiệp FDI) đã báo cáo lỗ ròng trong hai năm 2010 và 2011. Kết quả thanh, kiểm tra chuyển giá tại doanh nghiệp FDI tại một số tỉnh thành do ngành tài chính phối hợp với cơ quan công an đã phát hiện 122 doanh nghiệp FDI vi phạm các quy định về chuyển giá và yêu cầu nộp thuế bổ sung hơn 10 triệu USD.

Hải Long

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *