Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực tăng trưởng: Bosch đầu tư 1,2 tỷ euro
Đời sống & kinh tế

Châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực tăng trưởng: Bosch đầu tư 1,2 tỷ euro 

Trong hình: Học viên tại trung tâm Bosch TGA Đồng Nai.

Theo dự báo của Tập đoàn Bosch, Hồng Kông, Châu Á – Thái Bình Dương đang chuyển mình: tốc độ tăng trưởng đạt mức bền vững; những thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều nước ASEAN đang chứng kiến sự gia tăng tầng lớp trung lưu; các thị trường phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc đang dần khẳng định vị thế dẫn đầu trong phân khúc sản phẩm chất lượng cao và công nghệ thông minh. 

Là nhà cung ứng công nghệ và dịch vụ hàng đầu thế giới, tập đoàn Bosch có thể chung tay tạo sự khác biệt bằng cách định hình những xu hướng thay đổi tại thị trường này. “Đặc biệt, về lĩnh vực công nghệ kết nối, chúng tôi đánh giá châu Á – Thái Bình Dương là thị trường đầy tiềm năng. Có mặt tại hầu hết các nước trong khu vực, Bosch có đầy đủ lợi thế để đem đến những giải pháp đa ngành – đa lĩnh vực cho khách hàng và đối tác.” Đó là khẳng định của ông Peter Tyroller, thành viên Hội đồng quản trị tập đoàn Bosch phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, ngay trước thềm Hội nghị Châu Á – Thái Bình Dương (APK) diễn ra tại Hong Kong, từ ngày 3-5 tháng 11, 2016. Riêng tại khu vực này năm 2015, Bosch đạt mức doanh thu 19.2 tỷ euro, tương đương 27 phần trăm tổng doanh thu toàn cầu. 
 
Tập đoàn Bosch đã và đang mở rộng hoạt động tại châu Á – Thái Bình Dương. Ông Peter Tyroller cho biết: “Năm nay, chúng tôi có kế hoạch đầu tư khoảng 1.2 tỷ euro vào thị trường châu Á.” Bosch đang theo đuổi chính sách địa phương hóa tại khu vực này và trong vòng ba năm qua đã đầu tư khoảng 2.5 tỷ euro – tương đương khoảng một phần tư tổng đầu tư của tập đoàn trên toàn cầu trong cùng kỳ. Với hơn 100 năm hoạt động tại châu Á – Thái Bình Dương, Bosch hiện có mặt tại trên 60 địa điểm ở 18 quốc gia trong khu vực. 
Thị trường Internet Vạn Vật đang tăng trưởng nhanh
Theo ông Peter Tyroller, “thị trường IoT đang tăng trưởng nhanh tại châu Á – Thái Bình Dương”. Ông cho biết thêm: “Chúng tôi dự đoán đến năm 2020, toàn khu vực sẽ trở thành thị trường IoT tiềm năng nhất thế giới, ước tính khoảng 37%.” Theo một nghiên cứu, riêng tại châu Á – Thái Bình Dương thị trường Internet Vạn Vật cho công nghiệp sẽ tăng gấp năm lần, từ năm 2015 đến năm 2020. Quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển của các nước châu Á, trong đó công nghệ kết nối sẽ đóng góp vai trò không nhỏ. Bên cạnh công nghiệp kết nối, các nước châu Á đang đẩy mạnh đầu tư vào những dự án thành phố thông minh. Với các dự án này, Bosch có thể chung tay phát triển các khái niệm về di chuyển và cung ứng các giải pháp kết nối mạng lưới điện, hệ thống chiếu sáng, hạ tầng giao thông và tòa nhà; thông qua đó giúp cải thiện hiệu suất kinh tế và năng lượng ở các đô thị. Đã có nhiều dự án thí điểm hiện đang được triển khai tại Ấn Độ và Singapore. 
Tại Việt Nam đã và đang nổi lên các diễn đàn thảo luận về nền kinh tế thông minh. Tham dự Vietnam Summit 2016 tại TP.HCM ngày 03.11.2016, ông Võ Quang Huệ – Tổng giám đốc Bosch Việt Nam đã có phần thảo luận về tương lai ngành công nghiệp sản xuất và triển vọng về Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam. Ông cho biết: “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (trong sản xuất) đòi hỏi nguồn nhân lực cần có những kỹ năng mới sao cho phù hợp với những thay đổi trong thời kỳ này.” Vì vậy, Bosch tại Việt Nam đặt trọng tâm vào việc phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu & phát triển (R&D) tại Việt Nam, nhất quán với chính sách nhân sự của tập đoàn Bosch trên toàn cầu. 
Chính sách địa phương hóa là chìa khóa thành công
Bosch tin rằng chính sách địa phương hóa (local for local) là trọng tâm cho thành công của tập đoàn, cũng như cho sự phát triển của lĩnh vực công nghệ kết nối. Một yếu tố quan trọng trong sự thành công của chiến lược địa phương hóa chính là phát triển những giải pháp và sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tế tại từng địa phương. Hiện tại, tập đoàn có khoảng 20.800 cộng sự đang làm việc trong lĩnh vực R&D tại châu Á – Thái Bình Dương, chiếm gần 1/3 nhân lực R&D của Bosch trên toàn cầu. Tại Việt Nam, Bosch đã phát triển nguồn nhân lực R&D lên đến hơn 1.100 cộng sự, với hai trung tâm R&D tại TP.HCM bao gồm: Trung tâm R&D về công nghệ ô tô và trung tâm R&D về công nghệ và các giải pháp doanh nghiệp. 
Tăng trưởng nhân lực trong khu vực và nhu cầu đào tạo nghề song hành 
Bosch là nhà tuyển dụng quan trọng trong khu vực, với hơn 104.000 nhân viên tại châu Á – Thái Bình Dương. Con số này tương đương gần một phần tư lực lượng nhân sự của Bosch trên toàn cầu và đã tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Tyroller cho biết: “Chúng tôi kỳ vọng đến cuối 2016, số lượng nhân viên sẽ tăng lên khoảng 120.000.” 
Trong hơn 50 năm qua, Bosch cam kết ứng dụng mô hình đào tạo nghề song hành tại châu Á. Ở Việt Nam, chương trình đạo tạo nghề song hành được chính thức triển khai từ năm 2013 và cho đến nay Bosch đã đào tạo 93 học viên người Việt. Bosch đã và đang đào tạo hơn 850 học viên mỗi năm, tại 7 trung tâm đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 
Suri Nguyễn

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *