Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Động lực nào cho tăng trưởng kinh tế 2019?
Đời sống & kinh tế

Động lực nào cho tăng trưởng kinh tế 2019? 

“Chính thành tựu tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2018 sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế 2019”, Vụ trưởng Thống kê Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê Dương Mạnh Hùng khẳng định tại buổi họp báo công bố chỉ số kinh tế xã hội chiều 27/12. Năm 2018 khép lại với những con số thống kê kỷ lục. Tăng trưởng 7,08% cao nhất kể từ năm 2008, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 7,2 tỷ USD và giải ngân vốn FDI ở mức 19,1 tỷ USD…

Ông Dương Mạnh Hùng cho biết, năm 2018, nhìn chung đời sống nhân dân được cải thiện. Số liệu thống kê cho thấy 32/63 tỉnh thành phố đời sống dân cư cải thiện, 31tỉnh còn lại đời sống dân cư ổn định. Trả lời câu hỏi về động lực cho năm 2019, ông Hùng cho hay những động lực tăng trưởng năm 2018 sẽ tiếp tục duy trì cho năm 2019. Tuy nhiên trong năm 2019 có thêm các động lực tăng trưởng mới.

Nền kinh tế tiếp tục được bổ sung thêm nhiều năng lực sản xuất mới. Năm 2019 sẽ hoàn thành thêm 2,9 triệu m2 sàn xây dựng, nhà ở chung cư. Bên cạnh đó, 3 nhà máy nhiệt điện, công nghiệp chế biến chế tạo cũng bổ sung nhiều năng lực mới như nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, luyện cốc gang thép Formosa, sản xuất hóa chất Đạm Cà Mau và rất nhiều năng lực mới sẽ được hoàn thành, đi vào sản xuất năm 2019. Đây là những động lực cho tăng trưởng kinh tế 2019.

Bổ sung thêm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho hay, động lực tăng trưởng cho năm 2019 sẽ đến từ cải cách thể chế, tận dụng các FTA đã ký và nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân. Trong năm 2018, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, Việt Nam vẫn tận dụng tốt để xuất khẩu đặc biệt trong các ngành da giày, dệt may, các sản phẩm thủy sản. Ông Lâm cho rằng đẩy mạnh tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới sẽ là bước tận dụng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế năm 2019. Ngược lại, độ mở nền kinh tế lớn, lên tới hơn 200% GDP năm 2018 cũng sẽ là thách thức đối với Việt Nam trong năm tới. Kinh tế Việt Nam đang phụ thuộc vào xuất khẩu và thương mại toàn cầu. Trong năm 2019, các tổ chức quốc tế đưa ra dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu suy giảm. Đây sẽ là một thách thức đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Dù vậy, lãnh đạo Tổng cục Thống kê tin tưởng với chính sách Việt Nam trong những năm qua và các động lực từ FTA, tìm kiếm thị trường mới sẽ là một trong những giải pháp khắc phục cho kinh tế năm 2019.

Động lực nằm ở cải cách
Những chỉ số kinh tế vĩ mô của năm 2018 đang khiến cả nền kinh tế hào hứng, dù không hồi hộp đến phút cuối như năm trước, mà gần như đã được dự báo trước. Tuy nhiên, dường như sự hào hứng đó không hẳn bắt nguồn từ những con số, mà từ những câu chuyện về Sun Group xây dựng thành công Sân bay Vân Đồn, hay Vingroup gây tiếng vang lớn khi là nhà phát triển ô tô đầu tiên của Việt Nam tham dự Paris Motor Show, ra mắt liền 3 mẫu ô tô và một mẫu xe máy, rồi sau đó trình làng 4 mẫu điện thoại di động Vsmart…

Có lẽ, hiếm có năm nào, kinh tế tư nhân Việt Nam lại ghi dấu ấn mạnh mẽ đến như vậy, khẳng định sức mạnh và tiềm lực của doanh nghiệp Việt. Bởi vậy, đặt câu hỏi về “động lực tăng trưởng” của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không ngần ngại trả lời rằng, đó chính là sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước.

Năm 2018, Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế cao. Hàng loạt kỷ lục được thiết lập, trong đó có kỷ lục về xuất nhập khẩu và xuất siêu. Tuy nhiên, vẫn có những thoáng âu lo vì thành tích ấy phần nhiều do khu vực đầu tư nước ngoài làm nên. Nhưng câu chuyện của năm 2019 có thể sẽ khác, khi khu vực tư nhân trong nước đang bắt đầu trỗi dậy, dù mới bắt đầu ở những đốm lửa nhỏ.

Ông Vũ Thành Tự Anh lo lắng bởi cách đây 15 năm, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam chiếm khoảng 9% GDP và đến nay, khu vực này cũng vẫn chỉ chiếm gần 9% GDP, mặc dù doanh nghiệp tăng lên rất nhiều, với gần 600.000 doanh nghiệp trên khắp Việt Nam.

Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì nói, sự thiếu vắng kinh nghiệm không còn là lý do để các doanh nghiệp Việt Nam tự an ủi mình nữa. Bởi vì, trong điều kiện thế giới thay đổi mau chóng như ngày nay, có những doanh nghiệp chỉ cần chưa đến 1 thập kỷ là có thể trở nên những tên tuổi lừng lẫy toàn cầu.

Uber là ví dụ điển hình. Phát triển được hay không là ở chính bản thân doanh nghiệp và ở các cơ chế, chính sách nhằm phát triển khu vực tư nhân trong nước. Sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết 10-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, dường như đang có một mạch ngầm mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của khu vực tư nhân trong nước. Cùng với sự nỗ lực của khu vực FDI, kinh tế 2019 hoàn toàn có thể tiếp tục tăng tốc.

Bên cạnh đó, một động lực quan trọng khác được nhắc đến là cải cách. Đây là điều đã được nhắc tới lâu nay. Thậm chí, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) còn nhiều lần nhấn mạnh rằng, nếu thúc đẩy cải cách, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 7 – 8%/năm. Theo ông Cung, cải cách lớn nhất và quan trọng nhất nằm ở thể chế và môi trường kinh doanh, ở cải thiện khu vực tư nhân và nâng cao hiệu quả của khu vực nhà nước, phát triển khoa học – công nghệ, nâng cao năng suất lao động…

Trong khi đó, các chuyên gia Tổ Tư vấn của Thủ tướng đã hiến kế rằng, để tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 đạt 7%, để nền kinh tế tiếp tục tăng tốc, vượt bẫy thu nhập trung bình, phải tập trung tháo gỡ 4 nút thắt căn bản. Đó là những vướng mắc trong triển khai các dự án lớn; giải quyết các trở ngại để tạo bứt phá của khu vực tư nhân; tháo gỡ những khó khăn khi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp; khai thông nguồn lực xã hội…

“Cải cách phải đi liền với phát triển. Không cải cách, nền kinh tế Việt Nam không thể phát triển được”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Không để rơi vào “bẫy đi ngang”
Suốt một thập kỷ vừa qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chỉ ở mức 5 – 6%. Sự bứt tốc chỉ bắt đầu trở lại vào năm 2018 và đang kỳ vọng được tiếp tục ở năm 2019 và các năm tiếp theo. Tuy vậy, một cách thẳng thắn, ông Koji Ito, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã cho rằng, Việt Nam phải rất cẩn trọng, làm sao để không rơi vào bẫy tăng trưởng đi ngang.

Còn Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nêu rất rõ, nhiệm vụ và kế hoạch của năm 2019 là tăng trưởng cao đi cùng với ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng vấn đề phải là “theo mô hình”, chứ không phải là “sự vụ từng năm”. Có nghĩa rằng, đề bài mà Thủ tướng đặt ra không phải chỉ là câu chuyện tăng trưởng trong ngắn hạn, mà là tăng trưởng ổn định và bền vững.

Hai chữ “mô hình” cũng đã được nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan nói tới khi đề cập những thách thức và giải pháp mà Việt Nam cần thực hiện để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. “Chuyện chọn lựa một mô hình thích hợp để phát triển kinh tế trong hoàn cảnh mới là một thách thức”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nhìn nhận.

Hoàn cảnh mới mà ông Vũ Khoan nhắc đến chính là những cuộc cạnh tranh về vị thế trên thế giới đang diễn ra phức tạp, mà để ứng phó, Việt Nam phải vừa gia tăng nội lực, vừa giảm thiểu mức độ ảnh hưởng từ những bất ổn của kinh tế toàn cầu. Hoàn cảnh mới đó, theo ông Vũ Khoan, còn đến từ những tiến bộ của khoa học – công nghệ, buộc mô hình phát triển của các quốc gia cũng thay đổi sâu sắc.

“Mỗi lần các cuộc cách mạng công nghiệp đi qua đều hình thành các phương hướng và mô hình phát triển mới. Chắc chắn, Việt Nam phải có hướng tiếp cận”, nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan nói và cho rằng, Việt Nam phải chuyển sang mô hình phát triển mới dựa vào khoa học – công nghệ.

Nhấn mạnh hai chữ “bứt phá” trong khẩu hiệu hành động năm 2019, Thủ tướng Chính phủ cũng đã khẳng định, phải thực sự coi khoa học – công nghệ là động lực đột phá. Ông đã nhất trí đề xuất liên quan đến triển khai 5G ở Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh rằng, “không thể chấp nhận” kéo dài tình trạng người Việt Nam kéo nhau ra nước ngoài khởi nghiệp…

Để sẵn sàng cho điều này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, hình thành Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, đồng thời xây dựng Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0…

Nhưng tất cả hiện mới là kế hoạch. Tất cả cần phải được thúc đẩy nhanh chóng để nền kinh tế Việt Nam có thể “giong buồm ra khơi”, để có thể tăng trưởng và phát triển mạnh mẽ hơn không chỉ trong năm 2019, mà cả giai đoạn sau.

Quang Huy

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *