Với những hạn chế nội tại, ngành cơ khí phải thực sự thay đổi để hòa nhập kinh tế quốc tế, khi mà Việt Nam đã và đang ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại song phương và đa phương.
Sức cạnh tranh kém
Là một trong những ngành kinh tế đã từng được ưu tiên đầu tư, có bề dày 60 năm phát triển, nhưng đến nay ngành công nghiệp cơ khí, đứa “con cưng” một thời của kinh tế Việt Nam đã không thực sự trưởng thành và lớn mạnh như kỳ vọng. Đặc biệt trong quá trình hội nhập, những hạn chế, yếu kém của công nghiệp cơ khí ngày càng bộc lộ rõ nét. Những hạn chế này sẽ khiến cơ khí Việt Nam “hụt hơi” khi phải đối mặt với sự cạnh tranh mạnh mẽ của quá trình hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới.
Nói một cách công bằng, sau 15 năm thực hiện Chiến lược phát triển ngành Cơ khí giai đoạn 2001-2010 tầm nhìn 2020, công nghiệp cơ khí đã đạt được những thành tựu nhất định. Đó là việc sản xuất thành công các thiết bị toàn bộ phục vụ các nhà máy điện, nhà máy cán thép, xi măng, các thiết bị cho ngành y tế, nông nghiệp, giao thông, xây dựng. Ngành cơ khí tàu thủy, sản xuất máy công cụ cũng gặt hái nhiều thành tựu. Có thể kể đến việc sản xuất thành công máy biến áp 220kV-250MVA, làm đối trọng để các hãng sản xuất nước ngoài bán sản phẩm vào Việt Nam phải giảm giá từ 20-30% khi đấu thầu vào Việt Nam.
Tuy nhiên, những hạn chế, tồn tại của ngành cơ khí vẫn còn khá lớn. Hiện nay phần lớn thiết bị công nghệ của ngành cơ khí đều lạc hậu so với khu vục và thế giới, 95% là các thiết bị lẻ, thiếu đồng bộ, không có chuyển giao công nghệ. Đầu tư cho cơ khí nhỏ bé, lại phân tán, ít quan tâm đầu tư chiều sâu nên mẫu mã, chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao, dẫn đến sức cạnh tranh kém so với các nước trong khu vực.
TS. Nguyễn Hữu Xuân, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 53.000 cơ sở sản xuất cơ khí, trong đó có khoảng 50% cơ sở chế tạo lắp ráp, còn lại là các cơ sở sửa chữa đơn thuần. Về trình độ công nghệ, kết quả khảo sát 56 DN ngành cơ khí chế tạo vào năm 2015 cho thấy, có khoảng 39% DN sử dụng công nghệ thấp, 48% DN sử dụng công nghệ trung bình và chỉ 12,5% DN sử dụng công nghệ cao.
Theo Bộ Công Thương, một trong những nguyên nhân dẫn đến những yếu kém nội tại của ngành cơ khí là do các điều kiện cần và đủ để phát triển ngành như vật liệu cơ bản, tự động hóa, điện tử, nguồn nhân lực… còn nhiều yếu kém. Chúng ta chưa khai thác tốt tiềm năng về tài nguyên để chế tạo các vật liệu cơ bản đầu vào ngành cơ khí (như thép kết cấu, thép chế tạo…) dẫn đến hầu như phải NK, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm cơ khí trong nước.
Về phía DN, theo Bộ Công Thương, các DN cơ khí chưa chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, chưa quan tâm đến việc tiêu chuẩn hóa quốc tế các sản phẩm của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Chính vì các DN chưa chú ý và chủ động để phát triển năng lực nghiên cứu, thiết kế công nghệ nên mặc dù năng lực chế tạo có thể đảm nhận được tỷ lệ nội địa hóa lớn nhưng vẫn phải làm thuê cho nước ngoài.
Tham gia tối đa vào chuỗi sản xuất toàn cầu
“Mục tiêu cụ thể mà Chính phủ đề ra là tăng trưởng giá trị sản xuất ngành công nghiệp cơ khí đến năm 2020 đạt 15-16%/năm, đến năm 2030 đạt 14-15% góp phần tăng tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến và chế tạo trên 30% GDP sau năm 2025. Năm 2025, tỷ trọng ngành cơ khí chiếm trên 21% và năm 2035 chiếm trên 24% trong cơ cấu ngành công nghiệp”.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển, đó là thị trường ngày càng được rộng mở do quy mô nền kinh tế ngày càng lớn, nhu cầu các sản phẩm cơ khí tăng, cùng với đó là các cơ hội tạo ra do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và các FTA mới được ký kết; có điều kiện tiếp cận các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại để “đi tắt đón đầu” trong một số lĩnh vực… Bên cạnh đó, việc Việt Nam được đánh giá có thể trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới cũng là cơ hội để ngành cơ khí vươn lên khẳng định vai trò của mình đối với phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, khó khăn cũng không phải là ít. Trước hết, đó là các DN sẽ ít có cơ hội duy trì mức bảo hộ cao để khuyến khích sản xuất trong nước. Các quy định về nội địa hóa và các chính sách hỗ trợ cho DN khó có thể tiếp tục duy trì vì những cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Chưa kể, DN còn phải cạnh tranh quyết liệt với các Tập đoàn đa quốc gia có tiềm lực mạnh về sản phẩm cơ khí NK.
Để ngành cơ khí vượt qua được những khó khăn hiện hữu cũng như tận dụng được các cơ hội trước bối cảnh hội nhập quốc tế, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, trong thời gian tới sẽ ưu tiên phát triển và chuyển giao công nghệ đối với các ngành và các lĩnh vực, trong đó có ngành cơ khí – luyện kim với mục tiêu trong ngắn hạn là nhằm đưa các DN Việt Nam tham gia tối đa vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Theo Bộ Công Thương, hiện nay xu hướng toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng, cần sự phát triển của các ngành kinh tế nói chung, trong đó ngành cơ khí. Mục tiêu tổng quát trong phát triển ngành cơ khí là đến năm 2025 ngành cơ khí Việt Nam có khả năng cạnh tranh để phát triển trong hội nhập, có công nghệ hiện đại và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một số phân ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa của đất nước và XK.
Để làm được điều này, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ ban hành kịp thời các chính sách thúc đẩy ngành cơ khí bao gồm các ưu đãi về thuế, các biện pháp hỗ trợ, đầu tư và kinh doanh.
Tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ sở chính sách hỗ trợ ngành cơ khí phù hợp với cam kết hội nhập kinh tế quốc tế và định hướng kinh tế thị trường xã hội nhằm tạo động lực cho phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động của ngành cơ khí, Nhà nước sẽ tạo lập thị trường ở một số phân ngành, tạo tiền đề cho ngành cơ khí làm chủ công nghệ và nâng cao khả năng chế tạo, đồng thời ban hành các chế tài để bảo hộ hàng trong nước phù hợp với cam kết quốc tế.
Quang Duy
Related posts
Bài viết mới
Giải quyết mức tiêu thụ điện năng với ADI MAX78000
Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa công nghiệp đã…
Quỹ ME Innovation Fund của Mitsubishi Electric đầu tư vào Formic Technologies
Tập đoàn Mitsubishi Electric đưa ra thông báo rằng quỹ ME Innovation Fund của họ đã đầu tư vào Formic…