Hàng chục doanh nghiệp mong muốn được đầu tư vào Khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), nhưng chưa được chấp thuận bởi bảng giá cho thuê đất chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong 4 tháng đầu năm 2019, Ban quản lý SHTP mới cấp phép cho 2 dự án gồm dự án của Công ty Key Tech Engineering (Việt Nam), vốn đầu tư đăng ký 46 tỷ đồng và dự án của Công ty TNHH PEC Việt Nam (Hoa Kỳ), vốn đầu tư đăng ký là 5 triệu USD.
Nhìn vào số liệu này, không ít người lo ngại, bởi trong nhiều năm gần đây, SHTP luôn là điểm sáng thu hút vốn đầu tư trong lĩnh vực sản xuất của TP.HCM, trung bình hàng năm thu hút khoảng 500 triệu USD, nhiều dự án có quy mô đầu tư hàng tỷ USD.
Được biết, từ đầu năm đến nay, đã có 14 lượt nhà đầu tư, trong đó có 5 nhà đầu tư nước ngoài đến SHTP để tìm hiểu thông tin, cơ hội đầu tư, hợp tác. Kết quả cấp phép trên được đánh giá là bất thường.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là bởi hiện nay, cấp có thẩm quyền của TP.HCM chưa phê duyệt bảng giá cho thuê đất mới tại SHTP.
Theo quy định của Luật Đất đai thì đơn giá thuê đất hàng năm được ổn định trong 5 năm. Giá cho thuê đất trên địa bàn TP.HCM, trong đó có giá cho thuê đất tại SHTP, đã hết hiệu lực từ tháng 4/2018. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có bảng giá thuê đất mới được ban hành.
Cần nhắc lại rằng, lũy kế đến nay, tại SHTP đã có 154 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực. Trong đó, có 100 dự án có vốn trong nước với vốn đầu tư đăng ký hơn 39.768 tỷ đồng và 54 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, với tổng số vốn đầu tư đăng ký hơn 5,2 tỷ USD.
Trao đổi về vấn đề này, một lãnh đạo SHTP cho biết, việc chưa có bảng giá đất mới đã ảnh hưởng đến hoạt động của nhà đầu tư trong Khu đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ năm 2017 đến nay. Nhà đầu tư chưa thể triển khai dự án, chậm tiến độ theo cam kết trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, do Ban
quản lý phải tạm ngưng các thủ tục ban hành quyết định cho thuê đất và nhận bàn giao đất tại hiện trường. Đồng thời, ảnh hưởng đến thu hút dự án đầu tư công nghệ cao, hoàn thành kế hoạch xúc tiến đầu tư của Khu.
Ban quản lý SHTP đã nhiều lần có ý kiến và đề xuất về vấn đề này, song chưa được giải quyết. Do đó, đầu tháng 5/2019, Ban đã có văn bản gửi UBND Thành phố về việc tạm áp dụng mức giá cho thuê đất và tạm tính tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.
Trong văn bản này, đại diện của SHTP cho rằng, việc ban hành Quyết định mức tạm tính tiền thuê đất hàng năm trong SHTP để nhà đầu tư có cơ sở nộp vào ngân sách nhà nước trong thời gian chờ bảng giá đất mới là cấp thiết.
Ban quản lý cũng yêu cầu nhà đầu tư cam kết thanh toán số tiền thuê đất chênh lệch (nếu có) khi UBND Thành phố ban hành bảng giá đất trong Khu công nghệ cao giai đoạn 2020 – 2025.
Bà Lê Bích Loan, quyền Trưởng ban Ban quản lý SHTP cho biết, ngoài việc thực hiện các giải pháp tăng thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tới đây, SHTP sẽ triển khai Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, nhà ở xã hội có diện tích hơn 3 ha.
“Dự án có thể đáp ứng về chỗ ở cho khoảng 10.000 lao động làm việc tại SHTP. Chúng tôi sẽ sớm làm xong các thủ tục chuẩn bị đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho dự án này và mời gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư dự án”, bà Loan nói.
Ngoài ra, Dự án Công viên Khoa học và Công nghệ TP.HCM (khu công nghệ cao thứ 2) được xây dựng trên diện tích hơn 197 ha, dự kiến khởi công xây dựng vào năm 2020, sẽ tập trung mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực như IoT, các ứng dụng robot, in 3D, công nghệ blockchain…
Quang Hải
Related posts
Bài viết mới
Giải quyết mức tiêu thụ điện năng với ADI MAX78000
Sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT) và tự động hóa công nghiệp đã…
Quỹ ME Innovation Fund của Mitsubishi Electric đầu tư vào Formic Technologies
Tập đoàn Mitsubishi Electric đưa ra thông báo rằng quỹ ME Innovation Fund của họ đã đầu tư vào Formic…