ngành cơ khí hiện có khoảng 3.100 doanh nghiệp, với 53.000 cơ sở sản
xuất, trong đó có gần 450 doanh nghiệp quốc doanh, 1.250 cơ sở sản xuất
tập thể, 156 xí nghiệp tự doanh…
Số lượng doanh nghiệp
hùng hậu như vậy, nhưng với quy mô nhỏ và công nghệ lạc hậu tốn nên thị
phần của sản phẩm cơ khí sản xuất trong nước rất nhỏ, giá trị gia tăng
thấp, tham gia xuất khẩu không đáng kể.
Ảnh minh họa
Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (Wami) thừa nhận, công nghiệp
cơ khí nước ta hiện mới đạt trình độ gia công kết cấu thép và chế tạo
các loại máy công cụ, chế biến nông nghiệp cỡ nhỏ. Ngành cơ khí trong
nước vẫn chưa có cơ sở vật chất kỹ thuật để có thể chế tạo máy, thiết bị
đạt tiêu chuẩn, hàm lượng công nghệ cao đủ sức cạnh tranh trên thị
trường. Hiện 80% sản phẩm cơ khí ở thị trường trong nước thuộc về các
doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Nguyễn Văn Thụ – Chủ tịch Hiệp
hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, Chiến lược phát triển ngành cơ khí
đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020, tập trung chủ yếu vào phát triển 8
nhóm sản phẩm trọng điểm, gồm: Thiết bị toàn bộ, máy động lực, máy móc
ngành nông nghiệp, phương tiện giao thông, máy công cụ, máy móc phục vụ
ngành xây dựng, đóng tàu và thiết bị điện, nhưng chỉ có đóng tàu và chế
tạo thiết bị điện là “thực hiện được định hướng chiến lược”.
Ở những lĩnh vực còn lại, theo ông Thụ, kết quả đạt được còn rất xa
mục tiêu, thậm chí nhóm ngành chế tạo máy công cụ còn tụt hậu hơn so với
thời bao cấp. Với ngành đóng tàu, thành tựu đạt được cũng chỉ là khả
năng đóng được những chiếc tàu lớn, còn lĩnh vực thiết bị điện vẫn chủ
yếu là của ngành chế tạo biến áp. Một sản phẩm khác là tổ máy phát cho
nhà máy điện, lĩnh vực được kỳ vọng, gần như vẫn là con số 0.
Nhóm thiết bị toàn bộ – được xem là có nhiều tiến bộ vượt bậc những
năm qua – thực tế vẫn chỉ sản xuất những thiết bị lớn và phi tiêu chuẩn.
Theo các DN thành viên VAMI, đây là phần dễ làm nhất và thường chỉ
chiếm 20% giá trị của toàn bộ dây chuyền.
Theo ông Nguyễn Văn
Thụ, thiếu vốn đầu tư, thiếu nhân lực kỹ thuật cao, thiếu đầu ra, chính
sách đầu tư chưa rõ ràng… là những nguyên nhân chính hạn chế sự phát
triển của ngành cơ khí trong nước, vì vậy, có thể nói rằng, chưa bao giờ
ngành cơ khí rơi vào tình trạng ốm yếu như hiện nay. Từ đầu năm tới
nay, đã có hàng trăm doanh nghiệp cơ khí lớn nhỏ phải đóng cửa, hoặc
tuyên bố phá sản.
Ông Thụ cho rằng, thu hút đầu tư vào cơ
khí hiện đang thiếu sức hấp dẫn hơn hẳn so với nhiều lĩnh vực khác.
Chính sách khuyến khích đầu tư có, nhưng không rõ ràng, không bảo vệ
được thị trường cho nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài
vào Việt Nam là lý do khiến doanh nghiệp mệt mỏi.
Chưa kể,
nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nhưng chỉ thực hiện
lắp ráp, chứ không đầu tư chế tạo, dẫn tới sức mạnh của ngành cơ khí
chậm được cải thiện.
Robot công nghệ của ABB
65 tỉ USD mua thiết bị điện
Theo Sơ đồ Quy hoạch điện VII, đến năm 2030 cả nước sẽ có khoảng 58
nhà máy được xây dựng tại các Trung tâm nhiệt điện với tổng số vốn đầu
tư khoảng 90 tỷ USD, trong đó phần thiết bị khoảng 65 tỷ USD.
Tuy nhiên theo ông Nguyễn Chỉ Sáng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ
khí (Bộ Công Thương), hiện nay hầu hết các dây chuyền thiết bị nhiệt
điện đều do nước ngoài đảm nhận dưới dạng tổng thầu EPC, trong đó trên
90% là các nhà thầu Trung Quốc do họ bỏ thầu giá rẻ và có khả năng thu
xếp vốn. Khi thực hiện dự án, các nhà thầu Trung Quốc đã đem vào Việt
Nam cả lao động phổ thông, nguyên vật liệu thô, vật tư thiết bị, trong
khi ngành cơ khí đã có bước trưởng thành đáng kể trong chế tạo thiết bị
cho các nhà máy nhiệt điện công suất đến 600MW.
Theo ông
Sáng, nguyên nhân chủ yếu là do việc huy động vốn đầu tư cho các nhà máy
nhiệt điện rất lớn nên các chủ đầu tư thường thu xếp vốn từ các nhà
thầu nước ngoài để họ bao trọn gói từ thiết kế, mua sắm thiết bị đến xây
dựng. Mặt khác, quy định đấu thầu hiện hành vẫn ưu tiên cho các nhà
thầu bỏ giá rẻ. Điều kiện này thường các nhà thầu Trung Quốc có ưu thế
vì họ được hưởng chính sách thuế ưu đãi xuất khẩu 15% của nước họ, đồng
thời lại được hưởng chính sách thuế ưu tiên nhập khẩu thiết bị của Việt
Nam.
Mặt khác, trong nước chưa có đơn vị nào đủ năng lực thiết
kế và quản lý dự án trọn gói nhà máy nhiệt điện. Phần thiết bị được nội
địa hóa (NĐH) chủ yếu là những bộ phận đơn giản, những thiết bị phức tạp
vẫn phải gia công, chế tạo theo thiết kế và giám sát của chuyên gia
nước ngoài. Thêm vào đó, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp cơ khí chế
tạo trong nước còn lỏng lẻo. Tâm lý chuộng hàng ngoại cộng với khả năng
rủi ro khiến các chủ đầu tư ngại trách nhiệm khi sử dụng tổng thầu trong
nước. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước thường bị o ép khi muốn hợp tác
đấu thầu với nhà thầu nước ngoài.
Việc tăng cường NĐH
thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện chắc chắn
sẽ tạo sự đột phá về phát triển năng lực công nghệ trong nước, đáp ứng
nhu cầu thị trường, giảm nhập siêu, tăng tính chủ động cho các dự án
cũng như tạo công ăn, việc làm. Theo phân tích của Viện Nghiên cứu cơ
khí, hiện chúng ta chưa thể NĐH một số thiết bị chính như lò hơi,
tuabin, máy phát do thị trường không đủ lớn để đầu tư hạ tầng; việc
chuyển giao công nghệ lâu dài và tốn kém; đặc biệt nguồn vốn cần thu xếp
rất lớn.
Tuy nhiên, các thiết bị phụ hoàn toàn có thể sản
xuất trong nước. Phương án NĐH cần thực hiện từng bước. Các dự án đầu
tiên sẽ mua thiết kế và chuyển giao công nghệ của nước ngoài. Các dự án
sau sẽ do nhà thầu trong nước thực hiện. Ở giai đoạn 1, công tác thiết
kế đảm bảo NĐH 40% ở dự án đầu tiên và tăng lên 70% ở dự án thứ 2, từ dự
án thứ 3 sẽ thực hiện trên 90%. Công tác chế tạo sẽ đảm bảo NĐH 50% giá
trị thiết bị, dự án thứ 2 nâng lên 60% và dự án thứ 3 trở đi sẽ NĐH
trên 70%. Đến giai đoạn 2, công tác thiết kế sẽ chủ yếu là NĐH, tư vấn
nước ngoài chỉ có vai trò thẩm định. Công tác chế tạo sẽ đạt tỷ lệ NĐH
tới 70% giá trị và hơn 90% khối lượng.
Hiện có 10 dự án
nhiệt điện đang được đề nghị thực hiện NĐH là; Vĩnh Tân 4, Sông Hậu 1,
Hải Phòng 3, Long Phú 2, Long Phú 3, Quảng Trạch 2, Cẩm Phả 3, Than miền
Trung, Uông Bí 3, Yên Hưng – Quảng Ninh.
Triễn lãm sản phẩm công nghiệp.
Thị trường máy nông nghiệp đầy tiềm năng
Ông Bùi Quốc Việt – Phó TGĐ Tổng công ty Máy động lực và Máy nông
nghiệp Việt Nam (VEAM) cho biết hiện nay các loại máy nông nghiệp được
sản xuất tại Việt Nam bao gồm cả chế tạo và lắp ráp chỉ chiếm khoảng
15-20% thị trường, 60% là máy nhập khẩu từ Trung Quốc, còn lại là Nhật
Bản, Hàn Quốc.
Các sản phẩm cơ khí nông nghiệp của Việt Nam
mới chỉ dừng lại ở việc chế tạo máy kéo phục vụ cho sản xuất lúa, còn
đối với máy móc cho sản xuất các cây trồng khác hầu như vẫn còn để
trống. Ngay cả trong khâu sản xuất lúa, việc áp dụng cơ giới hóa cũng
chỉ tập trung chủ yếu ở một số khâu như: Làm đất, bơm tưới, tuốt đập,
vận chuyển và xay xát. Còn các khâu như gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch và
bảo quản sau thu hoạch có mức độ cơ giới hóa rất thấp, phần lớn vẫn là
lao động thủ công. Ông Việt khẳng định, đó là do các doanh nghiệp cơ khí
Việt Nam gặp nhiều khó khăn về vốn, công nghệ và quy hoạch.
Theo đánh giá chung, máy trong nước sản xuất công nghệ lạc hậu
nhưng giá thành lại cao. Chỉ riêng vùng nuôi tôm đồng bằng sông Cửu Long
(ĐBSCL), mỗi năm cần khoảng 70.000 máy nổ các loại có động cơ 6 – 10 mã
lực. Trong khi đó, năng lực sản xuất trong nước chỉ đạt 24.000 máy
nhưng chưa chắc đã tiêu thụ hết bởi người dân chuộng mua máy Trung Quốc
hoặc máy đã qua sử dụng của Nhật Bản, Liên Xô (cũ), Hàn Quốc… Nguyên
nhân là do giá máy trong nước sản xuất cao hơn máy nhập 15 – 30%, hiệu
quả lại kém hơn.
Ông Chu Văn Thiện – Phó viện trưởng Viện
Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (CĐNN&CNSTH) – nhận
định, máy sản xuất trong nước chủng loại nghèo nàn, đặc biệt là máy gặt
đập liên hợp hiện nay trên thị trường, chiếm đến 90% là máy nước ngoài,
chỉ có khoảng 10% máy trong nước. “Máy sấy nông sản cũng chỉ đáp ứng
được khoảng 30% nhu cầu và ở mức độ đơn giản, tức sấy khô, nếu để đảm
bảo chất lượng cao cho xuất khẩu thì chưa đạt” – ông Thiện nói.
Quang Duy