Thời gian qua, có rất nhiều thông tin nói về việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiến nghị các bộ, ban ngành và Chính phủ giảm thuế suất thuế nhập khẩu cho sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Trong đó, có nhiều ý kiến “đánh đồng” kiến nghị thuế sang việc Lọc dầu Dung Quất tiếp tục xin các cơ chế ưu đãi. Vậy, phải hiểu thế nào cho đúng.
Ưu đãi nằm trong luật
Một số ý kiến nhận định: Dung Quất được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời hạn 30 năm và được giữ lại mức thuế nhập khẩu 7% với xăng dầu, 5% với LPG và 3% với sản phẩm hoá dầu khác… là vượt khung và quá ưu đãi.
Tuy nhiên, cần biết rằng, tại Thông tư số 123/2012/TT-BTC ngày 27/7/2012 của Bộ Tài Chính nêu rõ: “Doanh nghiệp có thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% được kéo dài thêm không quá 30 năm đối với Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghệ cao theo quy định của pháp luật nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ”. Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất đương nhiên là dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao được Quốc hội, Chính phủ quy định ở các văn bản luật, nghị định.
Ngoài ra, Luật Công nghệ cao năm 2008 quy định: “Doanh nghiệp công nghệ cao được ưu đãi, hỗ trợ như sau: Hưởng ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật về đất đai, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu”.
Như vậy, NMLD Dung Quất được hưởng ưu đãi cao nhất với mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời hạn 30 năm là việc được luật pháp cho phép. Không chỉ các doanh nghiệp lọc hóa dầu mà hàng nghìn doanh nghiệp tương tự như Lọc dầu Dung Quất cũng được luật cho phép ưu đãi.
Bên cạnh đó, Lọc dầu Dung Quất đang được miễn thuế nhập khẩu trong 5 năm; miễn thuế đất trong 15 năm; giảm 50% thuế thu nhập cá nhân… Đây là những ưu đãi đương nhiên của Chính phủ cho bất cứ doanh nghiệp công nghệ cao nào và đã được quy định trong các luật, nghị định, quyết định.
Ngoài ra, tại quyết định số 34/2015 ban hành danh mục các chương trình, dự án ưu tiên được xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ quy định: “Chương trình, dự án trong lĩnh vực năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản thuộc nhóm A theo Luật Đầu tư công gồm đầu tư hạ tầng điện lực, đầu tư xây dựng mới nhà máy điện, phân phối điện, truyền tải điện; đầu tư nhà máy lọc dầu”.
Quyết định nêu rõ, đối với những chương trình, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cấp bảo lãnh trước ngày quyết định có hiệu lực (30/9/2015) thì tiếp tục thực hiện trong vòng 6 tháng kể từ ngày quyết định có hiệu lực. Và đặc biệt, Quyết định số 34/2015 thay thế cho quyết định số 44/2011 của Thủ tướng. Tức là NMLD Dung Quất tiếp tục nằm trong danh sách các doanh nghiệp được Chính phủ cho phép thực hiện bảo lãnh.
Về việc Lọc dầu Dung Quất được “giữ lại mức thuế nhập khẩu 7% với xăng dầu, 5% với LPG và 3% với sản phẩm hoá dầu khác”, thì có thể hiểu rằng: Mặc dù là sản phẩm “Made in Vietnam” nhưng xăng dầu Dung Quất vẫn bị đánh thuế suất thuế nhập khẩu như xăng dầu ngoại nhập. Đây là việc làm hết sức bình thường để Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương dễ dàng trong việc điều hành giá xăng dầu về một mức giá chung. Hàng năm, ngân sách nhà nước cũng được bổ sung một phần từ thuế suất thuế nhập khẩu từ sản phẩm xăng dầu Dung Quất, bên cạnh các thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tài nguyên…
Tuy nhiên, lọc dầu là ngành công nghiệp mới mẻ, chưa từng phát triển ở Việt Nam. Sau nhiều năm nghiên cứu thông lệ quốc tế, Chính phủ Việt Nam cho phép Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) – đơn vị quản lý, vận hành NMLD Dung Quất giữ lại 3%, 5% và 7% mức thuế suất thuế nhập khẩu, tùy từng chủng loại hàng hóa. So với mức thuế suất thuế nhập khẩu lên tới 30% – 35% áp cho từng mặt hàng thì việc Chính phủ giảm cho Lọc dầu Dung Quất với tỷ lệ 3% – 7% là mức hợp lý.
Cũng cần nói rõ, việc Chính phủ áp mức ưu đãi 3% – 5% – 7% cho các sản phẩm của Lọc dầu Dung Quất không làm cho giá bán giảm đi, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Số tiền trích ra từ số thuế đó được giữ lại làm vốn sản xuất kinh doanh và tiến hành các nhiệm vụ như nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng sản xuất.
Với việc giữ lại đó, năm 2015, Công ty BSR đạt kết quả kinh doanh khả quan và có lãi sau thuế ở mức 5.690 tỷ đồng. Theo quy định của luật và Chính phủ Việt Nam, lãi của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sẽ được doanh nghiệp bổ sung vào vốn điều lệ, giúp Nhà nước không phải cấp thêm vốn điều lệ khi Công ty có nhu cầu mở rộng sản xuất.
Có thể khẳng định, Chính phủ ưu đãi cho Lọc dầu Dung Quất cơ chế 3% – 5% – 7% không ảnh hưởng đến giá bán. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu khác vẫn có thể cạnh tranh sòng phẳng với xăng dầu Dung Quất. Trong khi, số tiền thuế thu từ cơ chế ưu đãi đó chính là vốn lưu động của Nhà nước cấp cho doanh nghiệp để gián tiếp trợ lực cho Lọc dầu Dung Quất ổn định sản xuất.
Giảm thuế là yêu cầu khách quan
Hiện nay, Chính phủ và Bộ Công Thương quản lý trực tiếp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và các đơn vị thành viên. Việc PVN/BSR gửi văn bản báo cáo tình hình sản xuất lên Chính phủ, Bộ Công Thương là việc làm hết sức bình thường. Một số ý kiến gọi đây là việc làm “đến hẹn lại lên” là không đúng. Việc PVN/BSR kiến nghị giảm thuế không phải nằm trong danh mục “đòi hỏi” ưu đãi, đó là việc làm khách quan của thực tế.
Các bộ ngành cũng hết sức thấu hiểu và đang triển khai tích cực việc này. Trả lời báo chí mới đây, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, Bộ Tài chính đã nhận được đề nghị và đang theo dõi, nghiên cứu để có ý kiến xử lý. Quan điểm của Bộ là sẽ xem xét để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên.
Thực tế, giá dầu giảm sâu khiến thu ngân sách bị giảm khiến việc điều hành kinh tế của Nhà nước gặp khó khăn. Để sẻ chia thách thức này, các doanh nghiệp đầu tàu như PVN/BSR luôn sẵn sàng đóng góp nhiều hơn vào ngân sách quốc gia. Mỗi năm, Lọc dầu Dung Quất đóng góp cho ngân sách quốc gia chừng 1 tỷ USD từ thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế suất thuế nhập khẩu, các khoản phụ phí khác… Nhưng khi vấn đề thuế làm doanh nghiệp không thể tự điều chỉnh tình hình sản xuất kinh doanh, cần kíp một chính sách giảm thuế suất thuế nhập khẩu để NMLD Dung Quất hoạt động bình thường.
Với một nhà máy chế biến hoa quả, thủy sản hay da giày, quần áo… một khi sản phẩm bị áp thuế cao quá, dẫn đến giá bán cao, không bán được thì doanh nghiệp có thể ngừng sản xuất trong 1 – 2 ngày. Người lao động có thể bị ảnh hưởng và thị trường vẫn yên ổn do đó là những mặt hàng bình thường trong cuộc sống. Nhưng với một nhà máy đồ sộ như Lọc dầu Dung Quất, việc dừng nhà máy phải mất 2 tuần. Việc khởi động lại nhà máy ít cũng mất chừng 10 ngày, đó là yêu cầu của một chu trình kỹ thuật.
Quan trọng hơn, ngừng sản xuất sẽ đe dọa an ninh năng lượng quốc gia bởi nhà máy đáp ứng 35% sản lượng tiêu thụ xăng dầu cả nước. Đồng thời cũng đe dọa an ninh quốc phòng bởi từ đầu năm 2015, sản phẩm xăng dầu Dung Quất chính thức được Bộ Quốc phòng cho phép sử dụng vận hành tàu ngầm và các máy bay chiến đấu. Vì vậy, PVN/BSR nhiều tháng nay đã kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền hạ thuế suất thuế nhập khẩu bằng với xăng dầu nhập khẩu để đảm bảo cho Lọc dầu Dung Quất hoạt động công bằng và ổn định.
Từ tháng 1/2016, sản phẩm diesel nhập từ các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc có thuế về 0% trong khi sản phẩm của Lọc dầu Dung Quất vẫn giữ thuế 10%. Đối với mặt hàng xăng, theo lộ trình đến năm 2021 mới bắt đầu đưa thuế nhập khẩu về 0% nhưng thoả thuận FTA với Hàn Quốc những sản phẩm xăng nhập từ Hàn Quốc chỉ chịu 10% trong khi xăng Dung Quất là 20%. Thời gian tới thoả thuận với Nhật Bản cũng sẽ đưa thuế nhập khẩu mặt hàng xăng từ Nhật Bản về 10%.
Như vậy, chênh lệch thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xăng sẽ là 10%, tức giá của xăng và dầu Dung Quất cao hơn hàng ngoại nhập 10%. Hàng rào thuế quan là để bảo hộ hàng hóa trong nước. Khi chúng ta cam kết giảm thuế ở sân chơi toàn cầu thì việc giảm thuế cho hàng nội là điều hiển nhiên và cần thực hiện sớm để doanh nghiệp không bị thua ngay trên sân nhà, chỉ vì bất công bằng.
Mai Nguyễn