IA Vietnam
Tổ chức xúc tiến thương mại

Bà Rịa Vũng Tàu đẩy mạnh đầu tư công nghiệp hỗ trợ

Ngày 15-5-2013, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và Công ty cổ phần Đông Á – Châu Đức đã khởi công xây dựng cụm công nghiệp Đá Bạc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (BR-VT) để tập trung thu hút đầu tư Nhật Bản.

Cụm công nghiệp Đá Bạc có diện tích 75 ha, gắn với vị trí khu công nghiệp chuyên sâu Đá Bạc tại huyện Châu Đức. Theo mục tiêu đề ra, đến đầu quí 4-2013, chủ đầu tư sẽ có đất sạch và nhà xưởng cho thuê để sẵn sàng đón các doanh nghiệp Nhật Bản vào xây dựng nhà xưởng sản xuất.
Công nghệ cao sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất tốt công nghiệp hỗ trợ – ảnh Suri Nguyễn.

Đây là mô hình cụm công nghiệp đầu tiên được đầu tư tại BR-VT nhằm thu hút nhà đầu tư Nhật Bản. Thành phố Vũng Tàu cũng có hợp tác kết nghĩa với thành phố Kawasaki (Nhật Bản) nhằm kêu gọi doanh nghiệp từ thành phố Kawasaki đầu tư vào cụm công nghiệp này.

Dự án trên là một phần trong kế hoạch phát triển cụm, khu công nghiệp chuyên sâu thu hút công nghiệp phụ trợ mà trọng tâm là thu hút các nhà đầu tư Nhật Bản của tỉnh này vạch ra trong khoảng 2 năm qua.
Theo kế hoạch, một dự án thu hút đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ khác của tỉnh là khu công nghiệp Phú Mỹ 3 do Công ty cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ làm chủ đầu tư, có tổng diện tích là 999 ha gồm 942 ha đã được phê duyệt quy hoạch 1/2000 và 57 ha đang điều chỉnh mở rộng cũng sẽ được cho triển khai sớm trong nay. Hiện chủ đầu tư đã đền bù gần phân nửa diện tích, số diện tích còn lại dự kiến đền bù trong năm 2013.
Nằm trên địa bàn huyện Tân Thành, khu công nghiệp Phú Mỹ 3 sẽ được đầu tư xây dựng thành 4 phân khu chức năng: khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp nặng, khu cảng lưu thông hàng hóa và khu nhà ở. Dự kiến, đến quí 4-2013, 120 ha đất sạch sẽ được giao cho nhà đầu tư thứ cấp.
Trong năm 2012, tỉnh đã tổ chức khá nhiều hội thảo về chủ đề này cùng các chuyến xúc tiến giới thiệu tiềm năng đầu tư của tỉnh với các nhà đầu tư Nhật Bản. Có 14 đoàn doanh nghiệp Nhật Bản đã đến trực tiếp khảo sát các khu công nghiệp về việc chuẩn bị cơ sở hạ tầng, các dịch vụ tiện ích, các chính sách ưu đãi, giá thuê nhà xưởng…
Tỉnh BR-VT cũng đã ký biên bản hợp tác với chính quyền thành phố Kawasaki, đồng thời ký một biên bản khác về việc mở văn phòng đại diện của mình ở Nhật Bản để xúc tiến thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở tỉnh.
Lĩnh vực thu hút đầu tư tập trung vào sản xuất linh phụ kiện kim loại và gia công cơ khí, sản xuất linh phụ kiện nhựa, linh phụ kiện điện – điện tử, phần mềm cung ứng cho các ngành công nghiệp và các doanh nghiệp cung ứng công nghiệp hỗ trợ khác.
Với việc quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tỉnh BR-VT đang chuẩn bị nền tảng cho việc xây dựng và phát triển thành địa phương phát triển công nghiệp hỗ trợ lớn của cả nước. Ngành công nghiệp hỗ trợ được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng đưa BR-VT hội nhập sâu rộng và phát triển mạnh hơn trong những năm tới.
Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư BR-VT, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 323 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là hơn 17,7 tỉ đô la Mỹ, trong đó có 99 dự án có liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với tổng vốn đăng ký hơn 1,7 tỉ đô la Mỹ.
MT

Related posts

Samsung quan tâm đến công nghiệp đóng tàu, giàn khoan

IA Vietnam
18 Tháng mười hai, 2013

Việt Nam: Thị trường cạnh tranh khốc liệt cho các hãng bia rượu

IA Vietnam
10 Tháng năm, 2017

Doanh nghiệp trước thềm TPP: Kẻ mừng người lo

IA Vietnam
16 Tháng ba, 2014
Exit mobile version