IA Vietnam
Tổ chức xúc tiến thương mại

Nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Phải cổ phần hóa thật nhanh doanh nghiệp Nhà nước

Tại Hội thảo: “Doanh nghiệp Việt Nam trước cục diện thị trường Mỹ và thế giới sau Trump” do Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định có 4 điểm mấu chốt trong cải cách kinh tế Việt Nam.

Thứ nhất, là năng suất lao động vì theo ông Bùi Quang Vinh: “Bây giờ chúng ta vẫn tăng năng suất lao động nhưng mức tăng đang giảm dần, đó là điều đáng lo ngại”.
Thứ 2 là chi phí đầu vào cho sản xuất của Việt Nam đang ở mức cao,và có xu hướng tăng dần qua các năm. Ông Vinh dẫn chứng: Năm 1989 chi phí đầu vào của Việt Nam chiếm khoảng 43,8% giá thành, đến năm 2012 lên tới 63,4%.
Mặt khác, tỉ lệ tiết kiệm trên GDP của Việt Nam luôn thấp hơn tỉ lệ đầu tư trên GDP. Và tỉ lệ tiết kiệm cũng đang có xu hướng giảm dần, năm 2004 tỉ lệ tiết kiệm của là 28,6%, năm 2012 còn 27,1%.
Thứ ba là thách thức về sự lạc hậu trong công nghệ. Nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến năm 2012, có đến 88% các công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam ở dạng trung bình và thấp, chỉ có 12% là tham gia vào công nghệ cao.
“Những công nghệ mà Việt Nam có đến 2012 là công nghệ từ những năm cuối 1940 đến 1970. Nhưng trong 12% tiếp cận công nghệ cao lại không trọn vẹn, nhiều nơi chỉ lắp ráp mà không có được giá trị gia tăng”, ông Vinh nói.
Thứ tư là chi ngân sách. theo nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì “Nợ công tới đây có lẽ sẽ tăng lên nên rất khó khăn trong năm 2017”.
Từ một số nhận định trên, nguyên Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định: “Nếu Việt Nam không đổi mới, không tạo ra năng suất lao động tốt thì rất khó cho nền kinh tế. Để tăng năng suất, đầu tàu phải là doanh nghiệp, nhưng thông tin về doanh nghiệp rất đau buồn. Sức khỏe của doanh nghiệp là sức khỏe của nền kinh tế”.
Ông Vinh chỉ ra cụ thể việc phải làm, đó là phải quan tâm đến các doanh nghiệp ở khu vực tư nhân, bởi doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sở hữu lượng tài sản, tài nguyên, vốn rất lớn nhất nhưng lại đem lại hiệu quả thấp nhất.
Do đó, phải cổ phần hóa thật nhanh DNNN. Năm 2011 chúng ta có hơn 1.200 DNNN, nay còn hơn 652 DN. Nhưng vốn cổ phần hóa chỉ được có 5%, như thế không có ý nghĩa gì cả, vì nó không thay đổi được bộ máy quản trị, chiến lược, con người…
“Nếu không phát triển được khu vực tư nhân thì Việt Nam sẽ gay go vì không có gì để tăng năng suất”, ông Vinh nói.
Nguyên Bộ trưởng chỉ ra rằng, trong Báo cáo kinh tế Việt Nam 2035 có phân tích, 97% trong số gần 500.000 doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng qui mô ngày càng nhỏ đi và lợi nhuận ngày càng bé đi.
“Chúng ta đừng quan tâm năm nay có bao nhiêu doanh nghiệp ra đời mà hãy quan tâm đến chất lượng doanh nghiệp vì họ thành lập rồi giải thể vì thiếu rất nhiều yếu tố”.
Ông Vinh cũng đề cập đến tình trạng, tỉ lệ doanh nghiệp phi sản xuất của Việt Nam quá lớn, họ không tham gia tạo ra sản phẩm có thương hiệu mà họ buôn bán và dịch vụ rất nhiều, họ suy nghĩ lập ra doanh nghiệp không phải làm mà vẫn kiếm được nhiều tiền. Suy nghĩ này khác hoàn toàn người Nhật. Người Nhật nghĩ, chỉ có sản xuất mới bền vững.
“Điều tiên quyết là ta phải xem lại bộ máy tổ chức để thấy được vấn đề và hành động để giải quyết vấn đề. Phải có người đứng đầu đủ quyền hạn để thay đổi, và chịu trách nhiệm cho việc đó, nếu làm không được phải nghỉ cho người khác làm”, ông Vinh nói.
Đa số doanh nghiệp Nhà nước kinh doanh tốt sau cổ phần hóa 
Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, sau 15 năm sắp xếp đổi mới doanh nghiệp số doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã giảm mạnh về số lượng. Cụ thể, năm 2001 cả nước có 6.000 DNNN thì đến hết tháng 10/2016 còn 718.
Đáng lưu ý, theo đánh giá của Ban chỉ đạo, hầu hết các DNNN sau cổ phần hoá đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.
Bộ Tài chính đã tổng hợp kết quả hoạt động 350 doanh nghiệp sau cổ phần hoá năm 2015 cho thấy so với trước khi cổ phần hoá, lợi nhuận trước thuế tăng 49%, nộp ngân sách tăng 27%, tổng tài sản tăng 39%, doanh thu 29%, thu nhập bình quân của người lao động tăng 33%.
Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã nêu ra 3 dẫn chứng điển hình về “ăn nên làm ra” sau cổ phần hoá, đó là Công ty sữa Việt Nam ( Vinamilk ), Công ty CP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed); Tập đoàn xăng dầu Việt Nam ( Petrolimex ).
Về Vinamilk: Doanh thu doanh nghiệp này đã tăng gấp 10 lần, nộp ngân sách tăng trên 6 lần, vốn chủ sở hữu tăng 13 lần (tính kể từ khi cổ phần hoá năm 2003 tới năm 2015).
Về Vinaseed: Tổng công ty này đã có doanh thu tăng 20 lần, lợi nhuận tăng 40 lần, tổng tài sản tăng 22 lần, vốn chủ sở hữu tăng 40 lần sau khi tiến hành cổ phần hoá (từ năm 2003 đến đến năm 2015).
Về Petrolimex: Tập đoàn xăng dầu Việt Nam trước khi cổ phần hoá lỗ 1.666 tỷ (năm 2011). Sau khi cổ phần hoá đã có lợi nhuận hơn 3.000 tỷ đồng (năm 2015), chia cổ tức cho cổ đông ngay trong năm đầu là 12,14%.
Báo cáo cũng đã nêu rõ một số DNNN hoạt động trong sản xuất, cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích được cổ phần hoá đã có nhiều dấu hiệu khả quan.
Điển hình như doanh nghiệp cấp thoát nước sau cổ phần hoá đã giảm được tỷ lệ thất thoát nước bình quân khoảng 15%; thời gian cấp nước trong ngày tăng 8,5%; lợi nhuận tăng gấp gần 2 lần…
Trong khi đó cũng có nhiều DNNN có bức tranh không mấy sáng sủa khi lợi nhuận liên tục giảm, số nợ phải trả tăng dù như trường hợp Tập đoàn Cao su Việt Nam (Lợi nhuận giảm từ 11.838 tỷ năm 2011 xuống còn 2.200 tỷ năm 2015; công nợ phải trả năm 2015 là 21.220 tỷ trên vốn điều lệ là 35.210 tỷ)…
Theo báo cáo hợp nhất của các tập đoàn, tổng công ty, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2015 là 1,23 lần. Tuy nhiên, có 25 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần như Tổng công ty phát thành truyền hình thông tin; Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Tổng công ty 36, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam…

Mai Thanh

Related posts

Hai kịch bản cho thị trường M&A Việt Nam năm 2017

IA Vietnam
23 Tháng mười một, 2017

Năm điểm nghẽn khiến công nghiệp Việt Nam ‘chậm lớn’

IA Vietnam
31 Tháng tám, 2017

Tăng sức vận tải biển Việt Nam

IA Vietnam
4 Tháng mười, 2014
Exit mobile version