UBND tỉnh Quảng Ninh vừa cấp Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy sợi tại Khu công nghiệp Hải Yên (TP. Móng Cái) cho Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long (Trung Quốc). Dự án có diện tích sử dụng gần 400.000 m2, tổng vốn đầu tư 300 triệu USD. Giai đoạn I (tháng 4 – 10/2012) và II (7/2014 – 10/2015) của Dự án sẽ xây dựng một tổ hợp nhà máy sợi, gồm 4 xưởng sợi và 1 gian máy dệt vải, quy mô 370.000 cọc sợi và các công trình phụ trợ liên quan, tổng công suất 92.750 tấn/năm. Giai đoạn III (1/2016 – 10/2017) đầu tư xây dựng thêm 2 xưởng sợi, tổng công suất 46.375 tấn/năm.
Công ty mẹ của Siteki Investment Pte Ltd là Wilmar International Ltd. (Singapo) thông báo Siteki và công ty Glowland, công ty con FFM Berhad (Malaysia) đã ký thoả thuận cam kết thành lập công ty TNHH với vốn đầu tư 47 triệu USD vào chế biến bột mì và kinh doanh các sản phẩm từ bột mì. Công ty mới có tên là VFM-Wilmar Flour Mills Co. Ltd. với 49% vốn góp từ Siteki và 51% còn lại từ Glowland. Tổng vốn đầu tư theo thông báo là gần 47,5 triệu USD, trong đó chi phí cho tư liệu sản xuất là khoảng 25,5 triệu USD. Vốn điều lệ của công ty mới là 10,2 triệu USD. Vốn luân chuyển được dự kiến là khoảng 22 triệu USD. Các bên đang chuẩn bị các thủ tục để xin cấp giấy chứng nhận đầu tư. FFM hiện có một nhà máy nghiền bột tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A, Bà Rịa Vũng Tàu với công suất 400 tấn mỗi ngày.
Một dự án nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ Plasma (khí hóa rác thải) để sản xuất điện ở TPHCM đang được đề xuất với tổng số vốn lên tới 400 triệu đô la Mỹ, do công ty Trisun International Development có trụ sở tại Úc xây dựng. Ông Gavin Holland, Giám đốc công nghệ của Trisun International Development, cho biết nguồn vốn 400 triệu đô la Mỹ này dự kiến sẽ huy động từ vốn tự đầu tư, kết hợp với các đối tác nước ngoài, để xây dựng một dây chuyền giai đoạn 1 có công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày, sản xuất ra lượng điện 1,6 triệu kWh/ngày.
Ông Henry D. Fahman, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc điều hành PHI Group vừa làm việc với Cơ quan Điện lực EGAT (Thái Lan), theo đó, EGAT đồng ý tham gia dự án nhiệt điện chung với Indochina Energy – công ty con của PHI Group để cùng hai công ty Việt Nam là Sao Nam và Hoàng Ngọc đầu tư hai dự án nhiệt điện tại An Giang và Quảng Trị. Hiện, dự án nhiệt điện tại An Giang (2.000 MW) chuẩn bị trình Bộ Công thương. Trong khi đó, dự án tại Quảng Trị (3.600 MW) vẫn đang trong quá trình bàn thảo giữa các đối tác. Tổ chức huy động tài chính Quomundo của Thụy Sỹ cũng đã làm việc với PHI Group để tài trợ cho các dự án điện này.
Công ty CP Đầu tư phát triển N&G, Công ty TNHH MTV Hanel và Tập đoàn DOJI đã ký kết hợp tác chiến lược đầu tư phát triển khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip), nhằm góp phần phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Thủ đô. Với tổng mức đầu tư 1 tỷ USD, Hanssip có diện tích 700 ha tại Huyện Phú Xuyên sẽ là KCN mũi nhọn tập trung thu hút đầu tư vào các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ thuộc các lĩnh vực cơ khí chế tạo, dệt may, da giầy, điện tử, sản xuất linh kiện và lắp ráp ô tô, xe máy; công nghiệp hỗ trợ phục vụ công nghệ cao… Đặc biệt, Hanssip được quy hoạch theo mô hình gắn liền khu đô thị dịch vụ phức hợp công nghiệp, đô thị-dịch vụ, hậu cần, trung tâm thương mại, ngân hàng, y tế, trường học…và là động lực mũi nhọn để xây dựng đô thị vệ tinh Phú Xuyên – Phú Minh theo quy hoạch Thủ đô Hà Nội tầm nhìn đến năm 2030.
Việt Nam sẽ chi 355 triệu đô la Mỹ để phát triển ngành sản xuất thiết bị xây dựng để đến năm 2020 có thể sản xuất một số chủng loại thiết bị xây dựng đạt trình độ tiên tiến. Theo Quy hoạch phát triển ngành sản xuất thiết bị xây dựng đến năm 2020, có xét đến năm 2025 vừa được Bộ Công Thương phê duyệt cuối tuần qua, Việt Nam sẽ tăng cường sản xuất các loại máy xây dựng để chủ động phục vụ cho nhu cầu trong nước, thay thế máy nhập khẩu, từng bước tiến tới xuất khẩu.
Theo quy hoạch, một số sản phẩm chủ lực tập trung sản xuất như cần trục kiểu cầu, cần cẩu tháp, máy bốc xếp cảng, cẩu tự hành, thiết bị xi măng, thiết bị sản xuất vật liệu xây, phụ tùng thiết bị sản xuất vật liệu xây dựng … Trước mắt từ nay đến năm 2015, Bộ Công Thương cho biết sẽ đầu tư khoảng 50 triệu đô la Mỹ để xây dựng nhà máy sản xuất và lắp ráp máy ủi ở Long Thành (Đồng Nai) công suất 255 thiết bị/năm; nhà máy sản xuất lắp ráp lu tĩnh, lu rung công suất 130 thiết bị/năm tại Hải Dương và nhà máy sản xuất lắp ráp cẩu tự hành công suất 40 thiết bị/năm tại Hưng Yên. Đặc biệt, Bộ Công Thương dự trù xây thêm nhà máy cơ khí nặng số 1 tại Hải Phòng và Quảng Ninh và 4 nhà máy chế tạo động cơ điện, thiết bị thủy lực, chế tạo hộp giảm tốc, chế tạo vòng bi, khớp, phanh tại các tỉnh phía Bắc.
Công ty TNHH Xây dựng – Thương mại – Du lịch Công Lý vừa đề xuất UBND TPHCM cho phép triển khai dự án điện gió công suất 200 MW với tổng vốn đầu tư 10.000 tỉ đồng tại thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ. Báo cáo với lãnh đạo UBND thành phố chiều ngày 26-3, Tổng giám đốc Công ty Công Lý, ông Tô Hoài Dân, cho biết tốc độ gió qua khảo sát ở Cần Giờ là trên 7m/giây, phù hợp với việc phát triển điện gió, tạo thêm nguồn năng lượng tái tạo cho thành phố. Nếu được phép triển khai, công ty sẽ lắp đặt 125 turbin gió kéo dài 20 km chạy dọc theo bãi biển Cần Thạnh, và các turbin gió sẽ do phía Công ty GE (Mỹ) cung cấp và lắp đặt. Thời gian xây dựng của dự án này khoảng 3-4 năm.
Công ty Hóa chất Hồ Nam (Henan Billions Chemical Co.) – nhà sản xuất chất tạo màu (Pigment) lớn của Trung Quốc có ý định đầu tư vào các dự án sản xuất chất tạo màu (pigment), xỉ titan, axít sulfuric với tổng vốn khoảng 200 triệu đô la Mỹ, tại khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định. Theo Ban quản lý khu kinh tế Nhơn Hội, Công ty Hóa chất Hồ Nam gần đây thông qua Công ty TNHH MTV Hong Yeung Việt Nam (Hồng Kông) – đơn vị đang phát triển hạ tầng khu công nghiệp B Nhơn Hội (trong khu kinh tế Nhơn Hội) đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng như một số sở ban ngành của Tỉnh.
Tại buổi làm việc, đại diện nhà đầu tư Trung Quốc này đã đề xuất mong muốn xây dựng tại khu kinh tế Nhơn Hội nhà máy sản xuất axít sulfuric (hoá chất được sử dụng cùng với xỉ titan để hoà tách tạo sản phẩm) với công suất khoảng 200.000 tấn/năm, nhà máy sản xuất chất tạo màu công suất khoảng 50.000 tấn/năm và nhà máy sản xuất xỉ titan có công suất khoảng 80.000 tấn/năm. Nhà đầu tư dự kiến sẽ cần diện tích đất khoảng 50 ha cho cả 3 nhà máy trên, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 200 triệu đô la Mỹ. Sản phẩm từ đây sẽ được cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Theo hợp đồng liên doanh vừa ký, SCG sẽ nắm giữ 28% cổ phần của dự án, phần còn lại thuộc về QPI, PetroVietnam và Vinachem. Tổ hợp hóa dầu Long Sơn có công suất trên 3 triệu tấn sản phẩm hạt nhựa HDPE, hạt nhựa LDPE và các sản phẩm hạt nhựa khác mỗi năm cung cấp cho thị trường trong nước. Ngoài ra khi vận hành, nhà máy cũng sẽ tạo việc làm cho khoảng 1.500 lao động địa phương.