IA Vietnam
Đời sống & kinh tế

TP.HCM: Công nghệ sinh học chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn

Mặc dù có nhiều nỗ lực thúc đẩy, nhưng ngành công nghệ sinh học (CNSH) của TP.HCM vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn.
Báo cáo của PGS.TS. Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KHCN TP.HCM về kết quả hoạt động chương trình CNSH của TP.HCM giai đoạn 2006-2009 đã cho biết như trên.


Nghiên cứu tế bào gốc tại Trường Đại học KHTN – TP.HCM. (Ảnh: T.H)

Đánh giá về chương trình CNSH của TP.HCM, PGS.TS Phan Minh Tân cho biết từ đầu năm 2006 đến nay, chương trình tổ chức thực hiện được 76 đề tài/dự án KHCN, số đề tài/dự án được xét duyệt, giám định là 60 và nghiệm thu là 26 đề tài. Trong đó tỉ lệ đề tài/dự án KHCN được áp dụng sau nghiệm thu không những không tăng mà còn có xu hướng giảm xuống theo từng năm.
So với các tỉnh phía Nam, TP.HCM là một trong rất ít địa phương lập chương trình phát triển CNSH. Các kết quả nghiệm thu từ chương trình đạt khoảng 60-83% được ứng dụng vào thực tế, bước đầu tạo được một số sản phẩm CNSH có hàm lượng công nghệ cao như vắc–xin cho thú y, các bộ kít để xét nghiệm đặc hiệu vi khuẩn, virus gây bệnh trên người, vật nuôi trên cơ sở này đã góp phần hình thành một số công ty CNSH tại thành phố.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Phan Minh Tân thì những kết quả mà chương trình đạt được là chưa tương xứng với vai trò của CNSH đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của TP.HCM. Mặc dù TP.HCM đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy như ra đời Trung tâm CNSH; Khu nông nghiệp Công nghệ cao và chương trình hợp tác giữa thành phố với các tổ chức KHCN trong và ngoài nước (Trung tâm Kỹ thuật Di truyền – Cu Ba và Đại học Tsukuba – Nhật Bản).
Ông Tân cho biết, một trong những nguyên nhân khiến cho ngành CNSH của TP.HCM cũng như các tỉnh phía Nam chưa phát triển và đáp ứng được nhu cầu thực tiễn là do việc đầu tư cho nghiên cứu còn dàn trải, kinh phí đầu tư ít dẫn đến việc các kết quả đạt được vừa khiêm tốn, vừa chưa hoàn thiện.
Thậm chí, một số công nghệ và sản phẩm thu được chưa thể trở thành hàng hóa để đi vào thực tiễn sản xuất. Nhiều kết quả nghiên cứu không có hiệu quả do thời gian nghiên cứu kéo dài, đồng thời hiệu quả kinh tế từ kết quả nghiên cứu chưa được đánh giá chính xác cũng là một trong những chướng ngại mà CNSH phía Nam và TP.HCM đang gặp phải.
Về hướng giải quyết tình trạng trên, PGS.TS Phan Minh Tân thẳng thắn đề xuất tăng kinh phí đầu tư chương trình và đầu tư hướng sản phẩm. Đồng thời, cần xác định rõ mục tiêu, đối tượng cụ thể để tập trung nguồn vốn đầu tư trung – dài hạn để có được công nghệ hoặc sản phẩm cụ thể trong điều kiện nguồn vốn còn rất hạn chế như hiện nay.

Mai Hà

Related posts

Công ty tư nhân và gia đình “được giá” vì doanh nghiệp nhà nước chậm IPO

IA Vietnam
10 Tháng năm, 2017

Nhà khoa học và doanh nghiệp bắt tay mở lối ra cho KH ứng dụng ( NCKH)

IA Vietnam
3 Tháng tám, 2011

Nhiều tín hiệu tốt ở các dự án FDI lọc hóa dầu

IA Vietnam
22 Tháng mười một, 2012
Exit mobile version