Năm 2012, Bình Dương đứng đầu cả nước trong lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tính đến cuối năm 2012, thu hút FDI của tỉnh đã đạt hơn 2,6 tỷ USD. Trong đó, có 105 dự án được cấp chứng nhận đầu tư mới với số vốn đầu tư gần 1,58 tỷ USD và 114 dự án của DN tăng vốn với tổng vốn tăng thêm hơn 1 tỷ USD.
KCN VSIP II thu hút nhiều dự án ở lĩnh vực công nghệ cao
Ở nhóm tăng vốn trên 100 triệu USD, Bình Dương có 3 DN, gồm: Công ty Cổ phần Sun Steel hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tôn – thép tại TX.Dĩ An với công suất 2,25 triệu tấn/năm. Năm 2012, công ty này quyết định tăng vốn đầu tư từ 300 triệu USD lên 420 triệu USD (tức tăng thêm 120 triệu USD) nhằm mở rộng thêm 2 dây chuyền mạ kẽm và mạ màu để đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước.
Ở lĩnh vực công nghệ cao, Công ty TNHH Sài Gòn Stec tăng thêm 175 triệu USD để mở rộng SXKD tại KCN VSIP II. Trước đó, công ty này đã hoạt động ổn định trong sản xuất bản mạch điện tử camera với vốn đầu tư 340 triệu USD. Việc tăng vốn sẽ giúp công ty tăng thêm năng lực sản xuất đến 225 triệu sản phẩm/năm.
Tại KCN VSIP I, Công ty TNHH Wonderful Sài Gòn Electrics đã bổ sung thêm 150 triệu USD để tăng năng lực sản xuất camera module, sản xuất các loại vi mạch tích hợp dung lượng cao, sản xuất các loại bo mạch điện tử dùng cho thiết bị mạng thế hệ mới để tăng thêm 245 triệu sản phẩm/năm nhằm phục vụ cho khách hàng.
Bên cạnh các DN nói trên, trong năm 2012 tại Bình Dương có rất nhiều DN tăng vốn với mức dưới 100 triệu USD. Cụ thể là Công ty TNHH giấy Glatz Việt Nam tăng thêm 11 triệu USD để tăng thêm công suất 14.500 tấn/ năm các sản phẩm giấy thuốc lá, giấy đầu lọc, giấy sáp, giấy dùng để viết; Công ty TNHH Nước giải khát Kirin Acecook Việt Nam quyết định tăng 15,8 triệu USD để tăng năng lực sản xuất nước hoa quả đóng chai, đóng hộp và các loại nước giải khát.
Trong các lĩnh vực khác, cũng có nhiều DN sau thời gian đầu tư hiệu quả đã quyết định tăng vốn như Công ty TNHH United International Pharma tăng vốn 6 triệu USD; Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Liwayway tăng vốn 14,5 triệu USD; Công ty TNHH Vina Showa tăng vốn 6 triệu USD; Công ty TNHH Nitto Denko Việt Nam tăng vốn 24,5 triệu USD; Công ty TNHH Ắc quy SG Việt Nam tăng vốn 20,8 triệu USD; Công ty TNHH II-VI Việt Nam tăng vốn gần 16 triệu USD; Công ty TNHH Seebest tăng vốn 14,7 triệu USD; Công ty TNHH Uchihashi tăng vốn 4,1 triệu USD; Công ty TNHH Aiphone Communications tăng vốn 3,8 triệu USD…
TP.HCM thu hút 1,29 tỉ USD vốn FDI
Theo báo cáo tình hình thu hút đầu tư 2012 của Sở KHĐT TP.HCM, năm nay tổng vốn thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào thành phố đạt 1,29 tỉ USD. Trong đó có 401 dự án FDI được cấp mới, đạt hơn 98% so cùng kỳ năm 2011, với tổng vốn đầu tư hơn 541 triệu USD. Đặc biệt, có 118 dự án FDI đăng ký tăng vốn, với tổng vốn tăng hơn 747 triệu USD, tăng 73% so cùng kỳ năm 2011. Xét theo đối tác đầu tư, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 282 triệu USD, chiếm 52% tổng vốn đầu tư, tiếp đến là Nhật Bản (19,98%) và Pháp (4,56%)…
Theo ông Lư Thanh Phong – Phó GĐ Sở KHĐT TP.HCM, mục tiêu của TP là đến năm 2020 FDI phải trở thành một thành phần quan trọng góp phần đảm bảo nền kinh tế thành phố phát triển hài hoà cả về chiều rộng và chiều sâu.
Với mục tiêu đó, thành phố sẽ tập trung thu hút vốn FDI phát triển 9 nhóm ngành dịch vụ là tài chính – ngân hàng – bảo hiểm; thương mại; du lịch; vận tải, cảng và kho bãi; bưu chính viễn thông, thông tin và truyền thông; kinh doanh tài sản bất động sản; tư vấn; khoa học công nghệ, y tế; giáo dục và đào tạo. Ngoài ra thu hút FDI sẽ hướng vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu là cơ khí, điện tử – công nghệ thông tin, hoá chất – nhựa – cao su, chế biến tinh lương thực thực phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.
Đặt trọng tâm thu hút các dự án vào lĩnh vực sản xuất năng lượng – vật liệu xanh và các dự án có cam kết sử dụng năng lượng, vật liệu có hàm lượng cacbon thấp, nhất là trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng và kinh doanh bất động sản. Khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực góp phần đào tạo lao động có chất lượng cao và các dự án có chuyển giao công nghệ mới, công nghệ nguồn và các dự án có xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển
Tiến tới hình thành các liên kết giữa doanh nghiệp có vốn FDI và đầu tư trong nước để tạo ra các chuỗi giá trị và nâng cao giá trị thành phẩm sau cùng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đó là quá trình khép kín từ khâu sản xuất, cung ứng vật liệu thô đến các nhà máy sản xuất bộ phận, bán thành phẩm sau và cuối cùng là khâu sản xuất thành phẩm có sự tham gia của các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, các nhà phân phối và người lao động.
Tiến tới hình thành các liên kết giữa doanh nghiệp có vốn FDI và đầu tư trong nước để tạo ra các chuỗi giá trị và nâng cao giá trị thành phẩm sau cùng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đó là quá trình khép kín từ khâu sản xuất, cung ứng vật liệu thô đến các nhà máy sản xuất bộ phận, bán thành phẩm sau và cuối cùng là khâu sản xuất thành phẩm có sự tham gia của các trung tâm nghiên cứu, thiết kế, các nhà phân phối và người lao động.
Đồng Nai thu hút nhiều dự án công nghệ cao
Bà Bồ Ngọc Thu, GĐ Sở KHĐT tỉnh Đồng Nai cho biết: Thu hút vốn FDI của Đồng Nai trong năm 2012 đã vượt kế hoạch. Đến nay, đã có 1 tỷ 200,47 triệu USD vốn FDI đầu tư vào Đồng Nai, vượt 33,4 % so với kế hoạch; trong đó số dự án được cấp mới là 52 với tổng vốn đầu tư 653,25 triệu USD; 66 dự án đăng ký tăng thêm vốn đầu tư 547,22 triệu USD.
Đồng Nai có chủ trương thay đổi trong cơ cấu các ngành nghề kêu gọi đầu tư, vì vậy tỉnh không đặt mục tiêu kêu gọi các dự án có vốn lớn nhằm “lấp đầy” các KCN mà chú trọng vào chất lượng dự án, ưu tiên các ngành nghề thuộc nhóm công nghệ kỹ thuật cao, điện – điện tử, công nghiệp hỗ trợ.
Năm 2012, các nhà đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, Pháp… Trong số dự án cấp mới có nhiều dự án thuộc các ngành lĩnh vực sản xuất có công nghệ cao như: sản xuất máy móc thiết bị nha khoa, y tế, thẩm mỹ, các thiết bị thu tín hiệu truyền hình và vệ tinh, thiết bị an ninh, thiết kế, lắp đặt, kiểm tra và giám sát thiết bị viễn thông…
Nhật Bản là nước dẫn đầu trong đầu tư vào Đồng Nai với 21 dự án đầu tư mới, tổng vốn đăng ký gần 516 triệu USD (chiếm 41% tổng số dự án và chiếm 79 % tổng vốn đầu tư của các dự án FDI thu hút mới vào các KCN). Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đăng ký bổ sung tăng vốn cho 16 dự án đang hoạt động với vốn tăng thêm là 108,8 triệu USD.
Tính đến thời điểm này, Đồng Nai đã có khoảng 110 doanh nghiệp Nhật Bản đến đầu tư với số vốn lên đến trên 2 tỷ USD. Nhật Bản là một trong 4 nhóm quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu về nguồn vốn đầu tư vào Đồng Nai, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn với thương hiệu khá nổi tiếng, như: Fujitsu, Olympus, Toshiba, Sanyo, Ajnomoto, Mabuchi, Sojitz, Kao, Shiseido, Ojitex, Muto, Hisamitsu…
Lam Vân