Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Dạy nghề – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), tập đoàn Intel và Đại học Bang Arizona đang phối hợp với các cơ quan nhà nước, các trường đại học và cao đẳng Việt Nam thống nhất tăng cường các nỗ lực để hiện đại hóa giáo dục đại học tại Việt Nam thông qua Chương trình Hợp tác Giáo dục Đại học ngành Kỹ thuật (gọi tắt là HEEAP).
Mitsubishi là một trong những hãng thiết bị của Nhật đầu tư giáo dục tại Việt Nam
Trong khuôn khổ chương trình HEEAP mở rộng, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại học Bang Arizona là các đối tác đầu tiên đã ký thỏa thuận về đầu tư đào tạo giảng viên nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, xây dựng chương trình đào tạo và năng lực giảng dạy chuyên môn bằng tiếng Anh với tổng chi phí ước tính trên 4 triệu đô la Mỹ.
GS.TS Bùi Văn Ga – Thứ trưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Việt Nam hài lòng về các kết quả của dự án HEEAP trong giai đoạn đầu. Dự án đã hỗ trợ tích cực cho việc đổi mới chương trình, nâng cao chất lượng đào tạo một số ngành ở các trường đại học kỹ thuật hàng đầu của Việt Nam. Đó là lý do vì sao chúng tôi quyết định hỗ trợ mở rộng HEEAP với cam kết về tài chính.”
Chương trình HEEAP được khởi xướng từ năm 2010 với sự hỗ trợ tài chính từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và tập đoàn Intel. HEEAP được thực hiện và quản lý bởi Trường Kỹ thuật Ira A. Fulton của Đại học Bang Arizona. Đến nay chương trình đã đào tạo được hơn 100 giảng viên từ các trường đại học và cao đẳng Việt Nam về đổi mới thiết kế chương trình và phương pháp giảng dạy ngành kỹ thuật.
Ngoài cam kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình HEEAP mở rộng cũng sẽ được cung cấp kinh phí từ nguồn lực của Tổng cục Dạy nghề – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, Intel và các đối tác công nghiệp khác. Ước tính tổng đầu tư cho chương trình HEEAP mở rộng vào khoảng 40 triệu đô la Mỹ.
Mục tiêu của HEEAP nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của Việt Nam qua việc đào tạo một lực lượng lao động chất lượng cao tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các ngành công nghiệp công nghệ cao toàn cầu. Hơn nữa, HEEAP cũng hứa hẹn thúc đẩy hợp tác giáo dục và nghiên cứu, cũng như các mối quan hệ kinh doanh giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Việc mở rộng chương trình HEEAP sẽ thiết lập một mạng lưới đào tạo từ xa cho phép sinh viên trên cả nước có thể tham gia các khóa học trực tuyến cùng một lúc. Các hệ thống cơ sở dữ liệu đang được sử dụng tại các chương trình giáo dục kỹ thuật tại các trường đại học và cao đẳng của Việt Nam cũng sẽ được nâng cấp.
Việc đầu tư mới vào HEEAP cũng sẽ đào tạo thêm khoảng 1.000 giảng viên tại Việt Nam phù hợp với các yêu cầu từ tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học – cụ thể là ABET (Ban Chứng nhận Kỹ thuật và Công nghệ của Hoa Kỳ) và chuẩn CDIO (Hình thành Ý tưởng – Thiết kế – Triển khai – Vận hành).
Kể từ khi bắt đầu, chương trình cũng đã được sự tham gia của các đối tác công nghiệp khác như Siemens, Danaher và Cadence, các đối tác này đã cung cấp thiết bị, công cụ phần mềm và đào tạo giảng viên cách sử dụng các thiết bị này.
Với việc mở rộng này, HEEAP sẽ dự kiến bổ sung thêm ít nhất 12 đối tác công nghiệp mới trong vòng 5 năm tới.
Với việc mở rộng này, HEEAP sẽ dự kiến bổ sung thêm ít nhất 12 đối tác công nghiệp mới trong vòng 5 năm tới.
Hải Duy