Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị tổng kết tình hình 25 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho biết, sau hơn 25 năm thu hút lại nguồn vốn FDI, Việt Nam nay có hơn 14.000 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 207 tỉ đô la Mỹ, trong đó vốn thực hiện đã giải ngân được hơn 97 tỉ đô la (chiếm 47% vốn đăng ký).
Đây là thiết bị công nghệ cao đáp ứng thu hút đầu tư dự án mới tại Việt Nam.
Mới chỉ có 100 trong trong tổng số 500 tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới đến Việt Nam, trong khi hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đến từ châu Á. Hơn 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp – xây dựng. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp – xây dựng của khu vực FDI đạt bình quân gần 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn ngành. Đến nay, khu vực FDI đã tạo ra gần 45% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, khai thác, chế biến dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin, thép, xi măng…
Theo chuyên gia về FDI hàng đầu Việt Nam, ông Nguyễn Mại, luồng vốn FDI đã giúp Việt Nam tăng trưởng kinh tế khoảng 3-4% mỗi năm.
Theo Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), có hàng loạt vấn đề mà doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp phải ở Việt Nam bao gồm tăng tiền lương cho người lao động; khó khăn trong việc nội địa hóa nguyên vật liệu; năng lực, ý thức của người lao động; khó tuyển dụng nhân tài ứng cử làm lãnh đạo; và thủ tục hải quan phức tạp.
Trong khi đó, theo báo cáo PCI 2012 của VCCI, có tới 48% nhà đầu tư nước ngoài coi yếu tố bất ổn kinh tế vĩ mô là một trong ba rủi ro chính, bên cạnh rủi ro chính sách và rủi ro lao động, mà họ gặp phải.
Bộ Tài chính, trong tài liệu phục vụ hội nghị trên cho biết, hiện tượng các doanh nghiệp FDI kê khai lỗ khá phổ biến, chiếm khoảng 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước, trong đó nhiều doanh nghiệp kê khai lỗ liên tục trong 3 năm. Có nhiều doanh nghiệp FDI lỗ quá vốn chủ sở hữu. Chỉ riêng năm 2011, sau khi thanh tra tại 921 doanh nghiệp FDI khai lỗ, và có dấu hiệu chuyển giá, bộ này đã xử lý giảm lỗ 6.617 tỉ đồng, truy thu thuế và phạt 1.669 tỉ đồng.
Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, trên 80% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 14% ở mức thấp và lạc hậu, và chỉ có vỏn vẹn 6% sử dụng công nghệ cao. Bộ này nhận định, có chiều hướng dịch chuyển dòng FDI tiêu tốn năng lượng và tài nguyên, nhân lực, không thân thiện với môi trường vào Việt Nam nhưng nhiều địa phương không có cơ chế kiểm soát về môi trường. Một số dự án chiếm giữ đất lớn nhưng không triển khai gây lãng phí tài nguyên.
Thiết bị đo lưu lượng bồn chứa của Endress + Hauser.
Một số định hướng, giải pháp
Thứ nhất, chính sách FDI của Việt Nam sẽ chuyển sang coi trọng cơ cấu và chất lượng. Định hướng chung trong thu hút FDI là phải nhắm tới những ngành có công nghệ hiện đại, có hàm lượng carbon thấp thân thiện với môi trường, phát triển được nguồn nhân lực cao, lao động có kỹ năng. Thu hút FDI nhằm tăng cường liên kết với doanh nghiệp trong nước, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ hai, thu hút FDI theo vùng, lãnh thổ phải gắn với ngành, lĩnh vực. Xác định cụ thể ngành, lĩnh vực nào thì quy hoạch vào vùng nào để tập trung nguồn lực. Quy hoạch FDI đặt trong quy hoạch tổng thể các nguồn lực chung của cả nước, đảm bảo gắn thu hút FDI với phát triển nội lực và đảm bảo an ninh quốc phòng. Việc lựa chọn đưa vào quy hoạch các lĩnh vực đầu tư, sản phẩm phải được thực hiện trên cơ sở khoa học, vừa phù hợp với đòi hỏi của nhà đầu tư, vừa thích hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế.
Thứ ba, hoàn thiện khung khổ pháp lý. Nhiều ý kiến nhận xét rằng, nội dung của Luật Đầu tư năm 2005 có nhiều điểm vừa trùng lặp, vừa mâu thuẫn với nhiều luật khác. Vì vậy, cần xử lý các vấn đề chồng chéo giữa Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành khác.
Thứ tư, cần sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư theo hướng lĩnh vực ưu đãi đầu tư phải phù hợp với định hướng thu hút FDI.Cụ thể, cần xây dựng ưu đãi đầu tư cho từng nhóm doanh nghiệp mục tiêu khác nhau. Đặc biệt, bên cạnh hệ thống ưu đãi tĩnh, cần có hệ thống ưu đãi động (linh hoạt), hướng vào các nhà đầu tư mục tiêu. Chẳng hạn, những nhà đầu tư thực hiện tốt các mục tiêu kỳ vọng có thể được gia hạn và tăng thêm các điều kiện ưu đãi.
Thứ năm, phải xây dựng chiến lược tổng thể về xúc tiến đầu tư, xây dựng quy chế phối hợp. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về xúc tiến đầu tư, cũng như nâng cao vai trò điều phối của Trung ương, tránh tình trạng dàn trải, phân tán, cát cứ.
Các cuộc xúc tiến đầu tư cần hướng chủ yếu vào 500 công ty xuyên quốc gia (TNCs) hàng đầu thế giới.Thông tin về điều kiện đảm bảo đầu tư theo yêu cầu của từng TNCs cần được thường xuyên cập nhật, thay cho những cuộc hội thảo đông người kém hiệu quả.
Thứ sáu, tăng cường chất lượng nguồn nhân lực. Đã đến lúc Việt Nam cần phải đào tạo, bồi dưỡng một đội ngũ nguồn nhân lực có chất lượng cao, gắn với các yêu cầu vị trí, công việc của các nhà đầu tư, gắn với thực tiễn để khi ra làm việc thì các nhà đầu tư nước ngoài ít phải đào tạo lại.
Quang Hải