Sau 30 năm khai thác, tầng móng mỏ Bạch Hổ đã trải qua các giai đoạn phát triển của đời mỏ và đang trên đà suy giảm mạnh, song những người trong ngành dầu khí có cơ sở khoa học để tin tưởng rằng, tiềm năng dầu khí thềm lục địa Việt Nam còn phong phú, ngay cả trong tầng đá móng cũng như các phức hệ trầm tích ở các bể truyền thống đang triển khai thăm dò khai thác…
30 năm trước, ngày 6/9/1988, Vietsovpetro đã khai thác thương mại tấn dầu đầu tiên trong đá móng nứt nẻ mỏ Bạch Hổ, đặt nền móng cho công nghiệp dầu khí biển Việt Nam, là niềm tự hào của Vietsovpetro và của bao thế hệ người đi tìm lửa Việt Nam. Ước mơ khiêm tốn với sản lượng “1 triệu tấn dầu mỗi năm” từ mỏ Bạch Hổ của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào những năm 80 của thế kỷ trước không những đã trở thành hiện thực ngay khi phát hiện dầu trong đá móng, mà Việt Nam đã trở thành một trong các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Đông Nam Á.
Ông Ngô Thường San, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí (nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) cho biết: Việc Vietsovpetro phát hiện tầng dầu trong đá móng nứt nẻ chưa có tiền lệ trong khoa học địa chất dầu khí thế giới, xây dựng phương pháp luận và hệ phương pháp nghiên cứu, tổ chức khai thác hiệu quả với nhịp độ và cường độ cao, sản lượng đỉnh gần 12 triệu tấn/năm trong móng; tăng hệ số thu hồi dầu kỷ lục, có nơi trên 40%; xây dựng hệ giải pháp công nghệ trong tổ chức thu gom vận chuyển dầu nhiều parafin hiệu quả… là những đóng góp to lớn của ngành Dầu khí Việt Nam cho khoa học dầu khí thế giới.
Đến nay Vietsovpetro đã khai thác từ tầng đá móng trên 220 triệu tấn dầu, trên 15 triệu tấn LPG và condensat, với tổng doanh thu gần 75 tỉ USD, đóng góp quan trọng cho ngân sách Nhà nước, thu gom và đưa vào bờ cung cấp cho các nhà máy điện Bà Rịa, Phú Mỹ, Nhơn Trạch trên 30 tỉ m3 khí đồng hành khắc phục kịp thời sự thiếu hụt năng lượng, chất đốt và phân bón thời điểm khó khăn nhất của đất nước.
Ông Ngô Thường San khẳng định, việc phát hiện dầu trong móng không phải là ngẫu nhiên, mà là kết quả của cả quá trình diễn biến về nhận thức, có yếu tố khách quan và chủ quan, là công lao của một tập thể chịu đựng bao nhiêu thăng trầm, mà sự đóng góp của họ, những người đã chấp nhận rủi ro, thiệt thòi để đưa phương án khai thác sớm mỏ Bạch Hổ vào hiện thực cần được ghi nhận và trân trọng. Phát hiện dầu trong móng mới chỉ là một giai đoạn phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam. Quy luật phân bố dầu trong móng, cơ chế dòng trong môi trường móng nứt nẻ với tính chất hai độ rỗng, khai thác tăng cường sao cho hiệu quả là cả một thách thức lớn, đòi hỏi trình độ, sức sáng tạo của những người dầu khí Việt Nam.
“Thành công của việc phát hiện, tổ chức khai thác thân dầu trong đá móng nứt nẻ hiệu quả kinh tế lớn ở mỏ Bạch Hổ là kết quả tích hợp quyết định sáng suốt của Bộ Chính trị, Chính phủ, sự chắt chiu nguồn lực hiếm hoi với quyết tâm xây dựng ngành công nghiệp dầu khí làm động lực cho sự phát triển nền kinh tế, là thành quả của tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô (nay là Liên bang Nga) mà nhiều đồng chí còn xem đó là “mệnh lệnh của trái tim”, là kết quả của lao động trí tuệ sáng tạo, nhiệt huyết của những thế hệ đi tìm lửa” – ông Ngô Thường San đánh giá.
Hiện tại, những giếng dầu tại mỏ Bạch Hổ, mỏ Rồng do Vietsovpetro tiến hành thăm dò khai thác hơn 30 năm qua đã ở vào giai đoạn cuối, sản lượng đến hồi suy giảm nghiêm trọng. Đó là chưa kể, các giếng dầu đã khai thác hàng chục năm qua thường xuyên xảy ra các hiện tượng “ốm đau”, đó là sụt giảm áp suất, giếng bị ngập nước, bị lắng đọng muối… khiến sản lượng khai thác bị ảnh hưởng.
Theo ghi nhận của Vietsovpetro, trong giai đoạn 2011-2013, độ ngậm nước trong sản phẩm khai thác từ tầng móng tăng nhanh từ mức 27% lên đến 52%, quỹ giếng tự phun giảm nhanh chóng từ mức đỉnh 57 giếng xuống còn 11 giếng vào năm 2013. Đến cuối năm 2017, quỹ giếng khai thác dầu tầng móng mỏ Bạch Hổ bằng phương pháp tự phun chỉ còn 8 giếng. Vietsovpetro đang xem xét chuyển dần toàn bộ quỹ giếng tự phun còn lại sang khai thác bằng phương pháp gaslift.
Ông Ngô Thường San cho rằng, dù sản lượng các mỏ đang khai thác theo thời gian sẽ suy giảm, các mỏ lớn dễ phát hiện có thể hiếm hơn, song những người dầu khí vẫn có cơ sở khoa học để tin tưởng rằng, tiềm năng dầu khí thềm lục địa Việt Nam còn phong phú, ngay cả trong tầng đá móng cũng như các phức hệ trầm tích ở các bể truyền thống đang triển khai thăm dò khai thác. Quy mô, hình thái, đặc tính tầng chứa có thể khác, do đó đòi hỏi người dầu khí hiện tại phải có cách tiếp cận về phương pháp luận, tư duy sáng tạo về những giải pháp khoa học công nghệ mới, hiệu quả cao, tạo nhiều giá trị gia tăng từ chế biến sâu để tiếp tục duy trì và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam trong tương lai dài hạn.
Quang Hải