IA Vietnam
Đầu tư FDI

Nhìn lại 30 năm thu hút FDI của Việt Nam

Nhìn lại 30 năm thu hút FDI của Việt Nam

Ngày 29/12/1987, Quốc hội chính thức thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, văn bản pháp lý quan trọng nhất chính thức hóa việc tiếp nhận đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Sau khi Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành, thế giới bình luận đó là một trong các đạo luật về đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực. Hấp dẫn nhất là bởi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được xây dựng dựa trên sự học hỏi kinh nghiệm 18 luật đầu tư nước ngoài của các quốc gia khác.

“Chỉ học hỏi cái hay nên Luật của Việt Nam hấp dẫn. Hơn nữa, khi đó, các nước xung quanh như Thái Lan, Indonesia chỉ mở cửa dần dần, giới hạn đầu tư của nước ngoài là 49%, còn ta thì ngay lập tức mở cửa, thông thoáng hết mức, chấp nhận doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, chỉ giới hạn tỷ lệ góp vốn tối thiểu của nhà đầu tư nước ngoài là 30%, mà không giới hạn tối đa,” giáo sư, tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp FDI tại Việt Nam (VAFIE) cho biết.

Luật Đầu tư nước ngoài 1987, với những tư tưởng cởi mở, thông thoáng, tầm nhìn xa, trông rộng đã mở đường cho thu hút FDI và thực sự đã phát huy hiệu quả, tạo đà cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong các giai đoạn khó khăn. Luật cũng trở thành cầu nối vươn ra bên ngoài và cùng với những nhân tố khác đưa vị thế của Việt Nam lên tầm cao mới. Chỉ trong hơn 2 năm, kể từ năm 1988 đến tháng 5/1990, đã có 213 giấy phép đầu tư được cấp, với tổng vốn đăng ký gần 1,8 tỷ USD. Khi tiến hành tổng kết các chính sách quan trọng trong 5 năm 1986-1990, việc ban hành Luật Đầu tư nước ngoài được xếp là một trong 9 nội dung quan trọng nhất, cùng với các nội dung đã đi vào lịch sử, như khoán nông nghiệp, trao quyền tự chủ kinh doanh cho xí nghiệp quốc doanh, xóa bao cấp, chuyển ngân hàng sang kinh doanh…

Luật Đầu tư nước ngoài trải qua nhiều lần sửa đổi kể từ khi được ban hành năm 1987, để phù hợp với tình hình mới. Tháng 6/1990, sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài lần đầu tiên; tháng 12/1992, sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài lần thứ hai. Thu hút đầu tư nước ngoài đã nâng lên 459 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư là 5,28 tỷ USD. Trong giai đoạn này, vốn FDI tăng tốc. Làn sóng đầu tư thứ nhất bắt đầu. Năm 1996, sửa đổi và ban hành Luật Đầu tư nước ngoài 1996. Do tác động của khủng hoảng kinh tế khu vực, nhịp tăng vốn đầu tư nước ngoài thực hiện năm 1997 tăng 25%, nhưng năm 1998 đã giảm 40%, năm 1999 giảm tiếp 22%.

Năm 2005, ban hành Luật Đầu tư chung, thay thế Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Đầu tư trong nước. Vốn FDI tăng mạnh trở lại, làn sóng đầu tư thứ hai bắt đầu. Năm 2005, thu hút được 6,839 tỷ USD. Năm 2014, sửa đổi và ban hành Luật Đầu tư 2014, tạo một bước đột phá về tư duy, bởi từ nay, doanh nghiệp và nhà đầu tư được làm những gì mà pháp luật không cấm. Làn sóng đầu tư thứ ba bắt đầu. Năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 36 tỷ USD – mức cao nhất từ năm 2009.  heo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), sau hơn 30 năm “đón” vốn FDI, từ năm 1988 đến tháng 8/2018, 63 tỉnh, thành phố của cả nước thu hút 26.438 dự án FDI của 129 quốc gia và vùng lãnh thổ còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 333,83 tỷ USD, vốn thực hiện ước đạt 183,62 tỷ USD, bằng 55% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, 58% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ chốt của nền kinh tế như dầu khí, điện tử, viễn thông… Cùng với bổ sung vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp FDI còn góp phần chuyển giao kỹ năng quản lý cho người Việt, đổi mới công nghệ đối với các doanh nghiệp trong nước. Đặc biệt, khu vực đầu tư nước ngoài đã có những hiệu ứng lan tỏa đối với các lĩnh vực của nền kinh tế, thông qua việc tiếp cận công nghệ tiên tiến và chuẩn mực quốc tế trong quản trị doanh nghiệp, phát triển kỹ năng của lực lượng lao động, cũng như tạo ra nhiều việc làm trong các lĩnh vực của nền kinh tế… Tính đến nay, khu vực doanh nghiệp FDI tạo việc làm cho hơn 3,6 triệu lao động trực tiếp và từ 5-6 triệu lao động gián tiếp.

Việt Nam thu 8,6 tỷ USD từ nhận gia công, lắp ráp hàng hoá cho nước ngoài

Ngày 19/9, Tổng cục Thống kê công bố kết quả chính thức Tổng điều tra kinh tế năm 2017. Năm 2016, doanh nghiệp Việt Nam thu được 8,6 tỷ USD từ hoạt động nhận gia công, lắp ráp hàng hóa cho nước ngoài. Đây là năm đầu tiên số liệu thu về từ gia công hàng hóa được Tổng cục Thống kê công bố.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, giá trị hàng hóa sau gia công tập trung chính vào các doanh nghiệp FDI với con số 25,6 tỷ USD, tỷ trọng 78,9%. Cùng với đó, nguyên liệu nhập khẩu cho gia công của các doanh nghiệp FDI là 16,3 tỷ USD, chiếm 80,5% tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu. Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động gia công hàng hóa của Việt Nam với nguyên liệu đầu vào do đối tác nước ngoài cung cấp và sở hữu. Đây là lý do tỷ lệ giá trị nguyên liệu nhập khẩu về để gia công, lắp ráp so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công ở mức khá cao 62,3%. Tỷ lệ này cao nhất ở nhóm hàng điện thoại với 78,9%, hàng điện tử máy tính 76,4%, dệt may 67,1%, giầy dép 47% và hàng hóa khác là 74,7%.

Trong khi đó, tổng giá trị nguyên liệu nhập khẩu phục vụ cho quá trình gia công, lắp ráp đạt 20,2 tỷ USD, chiếm 11,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm sau gia công, lắp ráp đạt 32,4 tỷ USD, chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Xét về khía cạnh thu được từ hoạt động gia công, nhóm lắp ráp điện thoại thu được 268 triệu USD, chiếm 3,1%. Lắp ráp điện tử máy tính 63 triệu USD, chiếm 0,7%. Nhóm hàng hóa dệt may cao hơn ở mức 4,1 tỷ USD, chiếm 48% tổng phí gia công. Giầy dép thu về 2, 7 tỷ USD, chiếm 32% tổng phí gia công.

Số liệu cho thấy, với nhóm hàng điện thoại và điện tử máy tính, gần như doanh nghiệp Việt Nam chỉ thu được phí gia công, lắp ráp cho nước ngoài mà không cung cấp nguyên liệu phụ trợ sản xuất trong nước cho hoạt động gia công đối với 2 nhóm hàng này. Ở nhóm hàng dệt may, da giầy, tỷ lệ này thấp hơn. Điều đó cho thấy ngoài nguyên liệu nhập khẩu từ nước thuê gia công, doanh nghiệp Việt Nam có cung cấp thêm nguyên liệu đầu vào sản xuất trong nước phục vụ cho quá trình gia công. Như vậy, ngoài thu phí gia công, doanh nghiệp Việt còn thu được khoản ngoại tệ từ việc cung cấp nguyên liệu đầu vào, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, hầu hết sản phẩm sau khi gia công, lắp ráp được xuất khẩu trở lại cho nước đặt gia công hoặc xuất khẩu cho nước khác theo chỉ định của nước đặt gia công. Trị giá hàng hóa sau gia công, lắp ráp bán tại Việt Nam so với tổng giá trị hàng hóa sau gia công thấp, với 3,9%. Hai ngành lớn là điện thoại và dệt may, tỷ lệ để lại tiêu thụ tại Việt Nam tương ứng chỉ chiếm 0,2% và 1%.

Đàm phán vay 300 triệu USD từ ADB

Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh vừa chủ trì cuộc họp để rà soát, thúc đẩy 7 dự án sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong năm 2018. 3 trong số 7 dự án đã được phê duyệt, 4 dự án còn lại đang trong quá trình chuẩn bị để đàm phán với tổng số vốn tài trợ khoảng 300 triệu USD. Đây là các dự án về kỹ năng và kiến thức cho tăng trưởng toàn diện, phát triển hạ tầng du lịch, hỗ trợ tăng trưởng khu vực tiểu vùng Mê Kông giai đoạn 2, phát triển nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2 và đầu tư mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn. Cả 4 dự án trên, nếu chuẩn bị xong, sẽ được đàm phán từ ngày 25/9 đến 10/10 để Ban Giám đốc ADB phê duyệt chậm nhất vào tháng 11. Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là nguồn vốn vay ưu đãi cuối cùng của ADB trước khi Việt Nam phải tiếp cận nguồn vốn với lãi suất kém ưu đãi hơn từ ngày 1/1/2019, do đó cần hết sức nỗ lực để tranh thủ.

42 triệu USD đầu tư tư dự án điện mặt trời đầu tiên tại Long An

Ngày 16/9, Bamboo Capital Group (BCG) đã tổ chức động thổ dự án Nhà máy điện mặt trời BCG Băng Dương tại xã Thạnh An, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An.  Ông Nguyễn Hồ Nam – Chủ tịch Công ty BCG cho biết, dự án có tổng mức đầu tư 42 triệu USD, công suất 40,6 MW, xây dựng trên diện tích đất 50,2ha. Khi vận hành, nhà máy cung cấp sản lượng điện năng trong năm tối đa khoảng 60 triệu kWh. Dự kiến, Nhà máy điện mặt trời BCG Băng Dương sẽ hoàn thành và đưa vào vận hành trước tháng 6/2019. Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần cho rằng, với lợi thế về vị trí có nắng nhiều và bức xạ kéo dài, số ngày nắng trung bình khoảng 300 ngày trong năm, việc tổ chức lễ động thổ dự án nhà máy điện mặt trời đầu tiên này sẽ là cột mốc quan trọng trong chương trình phát triển năng lượng mới của tỉnh, là tiền đề để Long An phát triển nhiều nhà máy điện mặt trời khác.

Kiến nghị điều chỉnh quy hoạch đường sắt nối TP.HCM – Cần Thơ

UBND TP HCM vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải về điều chỉnh quy hoạch đường sắt TP HCM – Cần Thơ. Theo đó, UBND TP đề nghị giữ nguyên hướng tuyến từ ga lập tàu An Bình, tỉnh Bình Dương đến ga Tân Kiên, huyện Bình Chánh; từ ga Tân Kiên, tuyến đi song song đường Tân Tạo – Chợ Đệm, tuyến vượt qua Rạch Tam, sông Chợ Đệm và nút giao Chợ Đệm của dự án đường bộ cao tốc TP HCM – Trung Lương, tuyến rẽ phải và đi song song với tuyến đường bộ cao tốc TP HCM – Trung Lương. Do điểm đầu từ ga Tân Kiên (huyện Bình Chánh) thay vì ga An Bình (Bình Dương), UBND TP cũng đề xuất chỉ điều chỉnh hướng tuyến từ ga Tân Kiên đi Long An (khoảng 6,72km), trong đó có đoạn đi dọc theo tuyến cao tốc TP HCM – Trung Lương nên có thể xem xét đặt trong hành lang đường cao tốc. Theo UBND TP.HCM, với những điều chỉnh nêu trên, ngoài việc tiết kiệm chi phí đầu tư, tuyến mới sẽ đi chung với hành lang an toàn của tuyến đường bộ cao tốc TP.HCM – Trung Lương; qua khu vực ít dân cư sẽ giúp giảm thiểu khối lượng giải phóng mặt bằng, thuận tiện kết nối các phương thức vận tải.

Doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn đẩy mạnh đầu tư vào TP.HCM

Tại buổi tiếp Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Hàn Quốc Huh Chang Soo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết Hàn Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu về đầu tư vào Thành phố với số lượng 1.530 dự án có tổng vốn 4,8 tỷ USD (tính đến hết tháng 7/2018). Ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ TPHCM mong muốn các doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư vào thành phố nhiều hơn nữa, nhất là trong các lĩnh vực như: hạ tầng đô thị, cơ khí; chế biến lương thực thực phẩm; hóa nhựa; đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin.. nhằm đáp ứng nhu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Huh Chang Soo cho biết TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung là điểm đến được các nhà đầu tư Hàn Quốc rất quan tâm và mong muốn hoạt động lâu dài. Ông khẳng định, các doanh nghiệp Hàn Quốc có đủ năng lực, kinh nghiệm và công nghệ để có thể hỗ trợ TP.HCM bắt kịp với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chính vì vậy, các doanh nghiệp Hàn Quốc rất mong muốn Thành phố sẽ hỗ trợ, phối hợp, giúp các nhà đầu tư Hàn Quốc đẩy mạnh tốc độ, quy mô đầu tư vào TPHCM, bảo đảm nguyên tắc hai bên cùng có lợi.

VinFast hợp tác với LG Chem sản xuất pin cho xe điện, điện thoại

Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh VinFast (Tập đoàn Vingroup) và Công ty LG Chem (Tập đoàn LG) vừa ký Biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực sản xuất các dòng pin tiêu chuẩn quốc tế. Pin sẽ được sử dụng cho các sản phẩm trong hệ sinh thái của Vingroup, bao gồm xe điện, điện thoại và các sản phẩm công nghiệp – công nghệ trong tương lai. Theo đó, pin sẽ có chủng loại đa dạng, từ pin dùng cho các dòng xe máy, ô tô hay xe buýt điện VinFast đến điện thoại thông minh Vsmart và nhiều dòng sản phẩm khác trong tương lai. Trước mắt, hai bên sẽ ưu tiên hợp tác sản xuất pin cho xe máy điện VinFast.

VinFast chịu trách nhiệm đầu tư nhà xưởng và dây chuyền sản xuất tại Khu công nghiệp phụ trợ (Supplier Park) thuộc Tổ hợp sản xuất ô tô – xe máy điện VinFast ở Hải Phòng, dự kiến hoạt động từ quý 2 năm 2019. LG Chem cung cấp công nghệ sản xuất pin và hỗ trợ đào tạo nhân lực.  Hợp tác giữa VinFast và LG Chem nhằm đảm bảo các sản phẩm dùng pin của hệ sinh thái Vingroup có hiệu suất sử dụng tối ưu, giá cả phù hợp với thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, sự hợp tác sẽ góp phần tăng tỷ lệ nội địa hóa trong sản phẩm của VinFast và các công ty thành viên thuộc Tập đoàn. Phát biểu tại lễ ký kết, ông Võ Quang Huệ – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho rằng: “Sự hợp tác giữa VinFast với LG Chem là bước khởi đầu quan trọng để Công ty nói riêng và Tập đoàn Vingroup nắm bắt công nghệ tiên tiến trên thế giới. Mục tiêu là sản xuất ra những sản phẩm vượt trội, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam”.

Không đủ cơ sở phê duyệt trung tâm điện lực Long An dùng khí hóa lỏng

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công Thương Long An cho biết, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Ủy ban nhân dân tỉnh về việc tỉnh kiến nghị quy hoạch Trung tâm điện lực Long An với nhiên liệu khí hóa lỏng. Theo đó, Bộ Công Thương cho rằng không có đủ cơ sở phê duyệt quy hoạch như kiến nghị của tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho rằng, theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 428/QĐ-TTg, ngày 18/3/2016, tại tỉnh Long An được quy hoạch phát triển 2 nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu than. Bên cạnh đó, để triển khai thực hiện Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương đã giao cho Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2) nghiên cứu, lập quy hoạch địa điểm xây dựng trung tâm điện lực Long An theo quy định. Ngoài ra, theo hồ sơ quy hoạch Trung tâm điện lực Long An do PECC2 lập, bổ sung hoàn thiện tháng 3 và căn cứ thực trạng địa điểm dự kiến quy hoạch Trung tâm điện lực Long An tại xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, Trung tâm điện lực Long An không phù hợp để quy hoạch sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng (LPG) nhập khẩu.

Trước đó, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Long An sau khi tổ chức hội thảo chuyên đề “Quy hoạch Trung tâm Điện lực Long An và công tác bảo vệ môi trường” để lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn, tỉnh đã kiến nghị Bộ Công Thương giữ nguyên quy hoạch Trung tâm Điện lực Long An và sử dụng nhiên liệu khí hóa lỏng nhằm hạn chế tác động ảnh hưởng môi trường.

Theo quy hoạch, Trung tâm Điện lực Long An sẽ được xây dựng tại ấp Long Ninh, xã Long Hựu Đông, huyện Cần Đước, tỉnh Long An, với hai nhà máy là Nhiệt điện Long An I, có công suất 1.200 MW, dự kiến vận hành vào các năm 2024 – 2025 và Nhiệt điện Long An II, có công suất 1.600 MW, dự kiến vận hành vào các năm 2027 – 2028. Tổng diện tích xây dựng Trung tâm Điện lực Long An là hơn 360 ha với vốn đầu tư trên 5 tỷ USD theo hình thức BOT. Trung tâm đi vào hoạt động sẽ sản xuất khoảng 17 tỷ KWh/năm, cung cấp điện cho phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, các tỉnh phía Nam và hệ thống điện lưới quốc gia.

Related posts

Tìm nhà đầu tư mới cho dự án nhiệt điện Kiên Lương

IA Vietnam
8 Tháng bảy, 2013

Samsung giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia sâu vào chuỗi giá trị

IA Vietnam
28 Tháng Một, 2019

Các ngành hàng nào ở Việt Nam sẽ bị tác động bởi cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung?

IA Vietnam
26 Tháng Một, 2019
Exit mobile version