Mặc dù thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tháng 5 này đạt rất thấp nhưng theo Cục Đầu tư nước ngoài, tính chung tổng nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong 5 tháng đầu năm nay vẫn tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái.
Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho thấy tình hình thu hút vốn FDI trong tháng 5 có chiều hướng giảm mạnh, số vốn đăng ký chỉ đạt khoảng 300 triệu đô la Mỹ, giảm hơn 85% so với tháng 4 và giảm tới hơn 94% so với tháng 3.
Mặc dù vậy, do những tháng trước đó nguồn vốn cam kết mới này tăng cao đột biến nên tính chung việc thu hút vốn FDI trong 5 tháng đầu năm nay vẫn tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể dựa trên báo cáo của các địa phương và số liệu thu thập được tới thời điểm hiện tại, trong 5 tháng đầu năm nay cả nước có gần 400 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là hơn 5,09 tỉ đô la Mỹ, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2012 và 160 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 3,426 tỉ đô la Mỹ, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung trong 5 tháng đầu năm nay tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 8,517 tỉ đô la Mỹ, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2012.
Theo thống kê của cơ quan xúc tiến đầu tư này, từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 191 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là gần 7,6 tỉ đô la Mỹ, chiếm 89,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Theo thống kê của cơ quan xúc tiến đầu tư này, từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 191 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là gần 7,6 tỉ đô la Mỹ, chiếm 89,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Lĩnh vực kinh doanh bất động sản mặc dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 387,37 triệu đô la Mỹ, chiếm gần 4,5% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với 57 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 141 triệu đô la Mỹ.
Mặc dù thu hút vốn FDI trong tháng qua giảm mạnh, nhưng việc giải ngân nguồn vốn này vẫn ở mức cao trong tháng qua đạt 830 triệu đô la Mỹ. Tính chung trong 5 tháng đầu năm nay, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 4,58 tỉ đô la Mỹ, tăng 1,6% với cùng kỳ năm ngoái.
Tương tự, xuất nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) từ đầu năm đến nay vẫn tăng trưởng tốt, dự kiến đạt 32,741 tỉ đô la Mỹ, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 65,56% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nếu không kể dầu thô thì đạt hơn 29,7 tỉ đô la Mỹ, tăng 25,8% so với cùng kỳ và chiếm gần 60% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Nhập khẩu của khu vực này trong 5 tháng qua cũng đạt 28,674 tỉ đô la, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 55,29% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Trong 5 tháng đầu năm 2013 đã có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,693 tỉ đô la Mỹ, chiếm 43,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là gần 2,36 tỉ đô la Mỹ, chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư; Nga đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,015 tỉ đô la Mỹ, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư
Trong 5 tháng đầu năm 2013 đã có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam. Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,693 tỉ đô la Mỹ, chiếm 43,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Singapore đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là gần 2,36 tỉ đô la Mỹ, chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư; Nga đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,015 tỉ đô la Mỹ, chiếm 11,9% tổng vốn đầu tư
Nhờ dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn điều chỉnh tăng 2,8 tỉ đô la Mỹ vốn đầu tư, Thanh Hóa đã trở thành địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất, chiếm 32,9% tổng vốn đầu tư. Thái Nguyên với dự án đầu tư 2 tỉ đô la Mỹ của Samsung đã giúp địa phương này có vốn đầu tư lớn thứ hai, chiếm 23,9% vốn đăng ký. Bình Định đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm hơn 1 tỉ đô la Mỹ.
Quang Duy