Tính đến cuối tháng 8-2012, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam đạt khoảng 8,5 tỷ USD, chỉ bằng 66,1% cùng kỳ năm trước. Trong số này, 2,95 tỷ USD là vốn tăng thêm của các dự án đang hiện hữu. Nếu chỉ tính riêng FDI vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất thì Hải Phòng và Đồng Nai chính là 2 địa phương dẫn đầu.
Một góc phòng thí nghiệm của nhà máy.
Hải Phòng hút vốn công nghiệp phụ trợ
Theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm nay, TP “hoa phượng đỏ” Hải Phòng đã cấp mới và tăng tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lên hơn 1,115 tỉ USD, trở thành địa phương đứng thứ hai trong cả nước về thu hút vốn FDI, sau tỉnh Bình Dương. Trong đó có 20 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới với số vốn hơn 1 tỉ USD, 18 dự án tăng vốn thêm 77,64 triệu USD. Trong đó 97% là các nhà đầu tư Nhật Bản.
Phần lớn vốn FDI vào Hải Phòng là dự án công nghiệp công nghệ cao, đến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới, đúng định hướng thu hút đầu tư của thành phố. Tiêu biểu như các dự án của Công ty TNHH sản xuất lốp xe Bridgestone Việt Nam, vốn đầu tư 574,8 triệu USD; Nipro Pharma Việt Nam, vốn đầu tư 250 triệu USD; Fuji Xerox Hải Phòng, vốn đầu tư 119 triệu USD…
Dự án tăng vốn lớn nhất của Công ty TNHH GE Việt Nam tại Hải Phòng, tăng 43 triệu USD. Tuy nhiên, có một số dự án bị giảm vốn, bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư hoặc chấm dứt hoạt động. Cụ thể, một dự án giảm 47,192 triệu USD; hai dự án giải thể trước thời hạn, ba dự án sáp nhập, một dự án hết thời hạn hoạt động, bốn dự án bị thu hồi giấy chứng nhận đầu tư do không triển khai dự án.
Để thu hút được các dự án từ vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Hải Phòng đang thực hiện đồng bộ các giải pháp như đảm bảo tốt nguồn nhân lực cho các dự án; đẩy nhanh tiến độ giải phóng, bàn giao mặt bằng và tiến hành dự án đầu tư công của thành phố Hải Phòng; giải quyết những vướng mắc, cung cấp thông tin trong liên kết đào tạo nghề theo nhu cầu giữa các Trung tâm đào tạo nghề với doanh nghiệp Nhật Bản, những lĩnh vực ngành nghề mà các doanh nghiệp nước ngoài quan tâm.
Đầu tư công nghệ.
Số liệu từ Sở KHĐT Đồng Nai cho biết, thu hút FDI 8 tháng đầu năm đã đạt khoảng 1,045 tỉ USD, trong đó hầu hết các dự án đăng ký mới đều vào các khu công nghiệp (KCN).
Cụ thể, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới cho 34 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đăng ký gần 600 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 44 dự án với tổng vốn hơn 445 triệu USD. Trong đó, 5 dự án có số vốn đạt trên 10 triệu USD, chiếm gần 16% tổng số dự án FDI.
Nổi bật nhất là dự án của Công ty TNHH sản xuất toàn cầu LIXIL Việt Nam (Nhật Bản) chuyên sản xuất sản phẩm phục vụ trong ngành xây dựng tại KCN Long Đức (huyện Long Thành) với số vốn đăng ký lên đến 441 triệu USD. Hiện LIXIL đang ráo riết chuẩn bị các điều kiện cần có để sớm xây dựng nhà xưởng và đi vào sản xuất.
Ngoài ra, còn có các dự án tăng vốn quy mô khá lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan… như: Công ty TNHH Hyosung Việt Nam (Hàn Quốc) tăng vốn thêm 141 triệu USD; Công ty TNHH bao bì nước giải khát Crown Việt Nam (Malaysia – Singapore) tăng gần 42 triệu USD; Công ty TNHH Ritek Việt Nam (Đài Loan) tăng thêm 20 triệu USD…
Trong 8 tháng qua, Đồng Nai đã “đón đầu” khá tốt làn sóng đầu tư đến từ Nhật Bản với gần 20 dự án, chiếm trên 80% lượng vốn dự án cấp mới trên toàn tỉnh. Hiện tại, nhiều KCN vẫn đang gấp rút thực hiện nhiều biện pháp thu hút vốn FDI từ Nhật Bản, bởi theo nhiều đánh giá, xu hướng đầu tư sản xuất ra nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn đang tiếp tục gia tăng sau những thiệt hại lớn do động đất, sóng thần.
Thống kê của BQL các KCN Đồng Nai cho thấy, những dự án FDI mới thu hút trong 8 tháng qua đa số là dự án sản xuất thuộc các ngành cơ khí, lắp ráp linh kiện điện tử, thiết bị vệ tinh, thực phẩm… Đặc biệt, tỉnh đã thu hút được 2 dự án công nghệ cao là dự án của Công ty TNHH Belmont Manufacturing chuyên sản xuất thiết bị nha khoa, máy móc, thiết bị y tế và dự án của Công ty TNHH Maspro Việt Nam chuyên sản xuất các thiết bị thu tín hiệu truyền hình vệ tinh, thiết bị truyền hình cáp, thiết bị an ninh và giám sát…
Mai Dung