33% ý kiến trả lời trong cuộc khảo sát về Đầu tư tư nhân do Grant Thornton Việt Nam thực hiện vào tháng 7/2016 cho rằng các “Công ty tư nhân/gia đình” đã thay thế “Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước”, trở thành nguồn giao dịch đầu tư được kỳ vọng nhất.
Đến cuối năm 2015, có khoảng 100 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không thể hoàn thành quá trình tư nhân hóa/cổ phần hóa, chậm tiến độ so với mục tiêu của Chính phủ muốn cổ phần hóa 285 DNNN. Những chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa đã khiến các nhà đầu tư mất đi hứng thú với cổ phần hóa DNNN.
Ngoài ra, có một thực tế là tỷ lệ cổ phần được mở bán qua IPO trong DNNN cổ phần hóa thấp hơn rất nhiều so với kì vọng của các nhà đầu tư tư nhân, nhiều trường hợp dưới 5%. Vì thế, Nhà nước vẫn giữ quyền kiểm soát chủ yếu sau IPO, điều này khiến cho các nhà đầu tư lo ngại về vấn đề hiệu quả thấp tiếp diễn trong các công ty này. Vì vậy, công ty tư nhân/gia đình với hệ thống quản trị nắm giữ quyền kiểm soát và trực tiếp liên quan tới hiệu quả hoạt động của công ty đã trở thành nguồn cung hấp dẫn các nhà đầu tư hơn DNNN.
Phần lớn người tham gia khảo sát dự đoán rằng mức độ của các hoạt động đầu tư ở Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới. Khi được hỏi về xếp hạng Việt Nam và các nước láng giềng về mức độ thu hút đầu tư, 27% ý kiến chọn Việt Nam, đứng thứ 2 sau Myanma, đất nước giữ vị trí hàng đầu của danh sách trong nhiều năm nay.
Ngành bán lẻ và ngành thực phẩm và đồ uống tiếp tục được đánh giá là hai ngành thu hút đầu tư nhất cho các thương vụ Đầu tư tư nhân trong cuộc khảo sát này. Những ngành này hưởng lợi từ sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường tiêu dùng Việt Nam, không chỉ nhờ vào sự tăng trưởng dân số mà còn do tăng trưởng về thu nhập bình quân.
Gần đây thị trường phục vụ thức ăn có nhiều thương vụ huy động vốn thành công như Wap&Roll (6,9 triệu USD), Kafe Group (5,5 triệu USD), Golden Gate (35 triệu USD)… chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường này. Doanh thu của lĩnh vực phục vụ thức ăn được dự báo tăng trưởng bình quân 5,9% mỗi năm từ 447 nghìn tỷ đồng (20 tỷ USD) trong năm 2016 lên 562 nghìn tỷ đồng (25 tỷ USD) trong năm 2020.
Quỹ đầu tư nước ngoài đã vượt qua các quỹ đầu tư tư nhân trong nước và nhà đầu tư ngành trong các hoạt động mua bán sáp nhập. Tỷ lệ người tham gia khảo sát cho rằng mức độ cạnh tranh của các quỹ đầu tư nước ngoài tăng đáng kể từ 27% lên đến 44%, trong khi đó tỷ lệ lựa chọn nhà đầu tư ngành giảm đáng kể từ 25% xuống 11%. Trong thời gian gần đây, các quỹ đầu tư tư nhân toàn cầu đang quan tâm nhiều hơn tới thị trường Việt Nam.
Nhà đầu tư lo gì khi mua công ty Việt?
Theo nhóm nghiên cứu diễn đàn Mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) 2016 (MAF), một trong những hạn chế chính cho sự phát triển của hoạt động M&A tại Việt Nam là: thị trường cần những nguồn hàng tốt hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, hàng loạt tập đoàn, tổng công ty nhà nước cổ phần hóa, nhưng tỷ lệ cổ phần của Nhà nước vẫn còn quá cao và nhiều năm vẫn chưa lựa chọn được nhà đầu tư chiến lược.
Chắc hẳn, giới đầu tư đang chờ những cái tên siêu khủng đã nằm trong lộ trình SCIC phải thoái vốn như Công ty CP Sữa Việt Nam -Vinamilk (tỷ lệ 45% sở hữu, tương đương giá trị theo mệnh giá là 5.410,5 tỷ đồng), Công ty Viễn thông FPT (tỷ lệ sở hữu 50%); Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền phong (37%), Công ty CP Nhựa Bình Minh (30%); Công ty Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (47%); Công ty Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (48%)… Tuy nhiên, do tầm quan trọng và sức nặng của những doanh nghiệp này trong cơ cấu nguồn thu của SCIC (doanh nghiệp trả cổ tức cao), nên có lẽ nhà đầu tư sẽ cần thời gian chờ đợi.
Cùng với đó, khảo sát cho thấy nhà đầu tư mong muốn hệ thống pháp lý và thực thi liên quan đến đầu tư và M&A cần được hoàn thiện và tháo dỡ các rào cản cũng như các vấn đề về giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư, vấn đề quy hoạch và vấn đề thuế cho các giao dịch.
Gần đây nhất, sau thương vụ mua lại chuỗi Big C, tập đoàn Central Group (Thái Lan) đã nộp 2.034 tỷ đồng tiền thuế chuyển nhượng vốn khi mua lại hệ thống siêu thị Big C Việt Nam từ Tập đoàn Casino (Pháp). Số tiền này bao gồm tiền thuế chuyển nhượng khi mua lại Big C là 1.914 tỷ đồng, và 120 tỷ đồng tiền thuế phát sinh trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ năm 2008. Đây là số tiền thuế cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam thu được từ hoạt động chuyển nhượng vốn.
Tất nhiên, việc thu được thuế là rất đáng mừng nhưng thực tế cho thấy là việc Central Group đóng khoản tiền thuế trên được cho là động thái thúc ép từ cơ quan thuế sau gần 3 tháng hoàn tất thương vụ, nhưng cả bên bán và bên mua cũng không có động thái nào trong việc đóng thuế.
Cụ thể, cơ quan thuế sẽ phạt bằng việc tính lãi suất cũng như khuyến cáo không cho chuyển đổi chủ mới nếu chậm nộp thuế. Trường hợp các bên kê khai và nộp thuế muộn, cơ quan thuế sẽ còn áp dụng các biện pháp cưỡng chế, trước mắt là các công ty thuộc hệ thống siêu thị Big C Việt Nam sẽ bị dừng việc thay đổi người đại diện pháp luật từ Casino sang Central Group.
Giới đầu tư cũng kỳ vọng các doanh nghiệp Việt Nam cả nhà nước cổ phần hóa và doanh nghiệp tư nhân cần minh bạch hơn về thông tin doanh nghiệp và thông tin tài chính để nhà đầu tư có thể tiếp cận thông tin nhằm ra quyết định đầu tư.
Suri Nguyễn