IA Vietnam
Đời sống & kinh tế

FDI 2 tháng đầu năm 2013: Vốn đăng kí giảm

Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu năm đến 20-2-2013 đạt 630,3 triệu USD, bằng 38,1% cùng kỳ năm 2012. Số vốn được giải ngân trong 2 tháng đạt 1,050 tỉ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012.

Các doanh nghiệp nước ngoài rất muốn đầu tư tại Việt Nam –  mô hình trưng bày ngành đóng tàu.


Trong 2 tháng đầu năm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với số vốn đăng ký đạt 409 triệu USD, chiếm 64,9% tổng vốn đăng ký; ngành y tế và trợ giúp xã hội đạt 80 triệu USD, chiếm 12,7%; ngành kinh doanh bất động sản đạt 50,2 triệu USD, chiếm 8%; các ngành còn lại đạt 91,1 triệu USD, chiếm 14,4%.

Về địa bàn đầu tư, tỉnh Đồng Nai là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với 208,3 triệu USD, chiếm 39,2% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hải Phòng 117,6 triệu USD, chiếm 22,1%; Bình Dương 67,3 triệu USD, chiếm 12,7%; thành phố Hồ Chí Minh 51,8 triệu USD, chiếm 9,7%.
Terumo – Nhật Bản, Radiant City (Samoa), Shink Mark (Đài Loan) và Pruksa (Thái Lan) là những nhà đầu tư lớn đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2013. Trong khi Terumo sẽ mở một nhà máy sản xuất thiết bị y tế trị giá 98 triệu USD, thì Radiant City và Shink Mark lại liên doanh để xây dựng Bệnh viện Shink Mark 80 triệu USD. Cả hai dự án này đều đặt ở Đồng Nai. Trong khi đó, Pruksa lại chọn Hải Phòng cho dự án 50 triệu USD của mình.
Những tín hiệu lạc quan

2 tháng đầu năm 2013, tuy vốn FDI đăng kí giảm nhưng cũng có nhiều thông tin khác khá tích cực. Trong năm 2013, theo đánh giá của các chuyên gia từ Ngân hàng HSBC, tiếp tục có một cuộc chuyển dịch nguồn vốn FDI quốc tế vào các nước Đông Nam Á và Ấn Độ. Nếu tính tỷ lệ GDP, Việt Nam đang là nước lớn đứng thứ 2 khu vực về thu hút FDI tại Đông Nam Á với lợi thế về nguồn lao động giá rẻ, môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn so với Ấn Độ, Philippin, Indonesia.
Tổng giám đốc AEON Việt Nam Yasuo Nishitohge thuộc Tập đoàn bán lẻ hàng đầu Nhật Bản AEON mới đây cho biết, có kế hoạch mở 20 trung tâm mua sắm tại Việt Nam đến năm 2020, với tổng vốn đầu tư cam kết lên tới 1,5 tỷ USD. Theo kế hoạch, trung tâm mua sắm đầu tiên của AEON tại Việt Nam sẽ mở cửa ở Khu đô thị Celadon (TP.HCM) vào tháng 1-2014 và trung tâm thứ hai tại Khu đô thị Canary (Bình Dương) khai trương vào tháng 10 cùng năm, tiếp theo sẽ là Hà Nội vào năm 2015.
Toyoko Inn (Nhật Bản) cũng đã công bố kế hoạch mở 100 khách sạn 3 sao ở Việt Nam. “Nếu ở Nhật Bản, Tập đoàn đã xây dựng được 243 khách sạn 3 sao, thì ở Việt Nam kế hoạch sẽ là 100 khách sạn. Hôm nay là bước đi đầu tiên cho ước mơ đó”, ông Nishida Norimasa, Chủ tịch sáng lập Toyoko Inn đã nói như vậy và cho biết, kế hoạch trong giai đoạn I, Tập đoàn sẽ mở 10-20 khách sạn ở Việt Nam, thay vì chỉ một vài khách sạn nhỏ lẻ.
Hơn thế, sự trông đợi lớn hơn đang được nhắm vào việc hiện thực hóa các kế hoạch đầu tư của các nhà đầu tư lớn. Tháng 1-2013, Fuji Xerox đã chính thức khởi công nhà máy sản xuất máy in, máy photocopy, 119 triệu USD, tại Hải Phòng. Dự án Lọc dầu Vũng Rô, 3,1 tỷ USD, ở Phú Yên, cũng đã đang lên kế hoạch khởi công vào ngày 19-5-2013 tới, và nếu có thay đổi, thì chậm nhất tới tháng 7-2013, dự án này cũng sẽ bắt đầu được xây dựng.
Trong khi đó, ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Dự án Hồ Tràm Strip, 4 tỷ USD, sau khi đưa giai đoạn I vào hoạt động trong đầu năm 2013, sẽ nhanh chóng tiếp tục triển khai giai đoạn II. Dự án Thép China Steel Sumikin (Bà Rịa – Vũng Tàu), vốn đầu tư 1,15 tỷ USD, cũng sẽ sớm đi vào hoạt động. Một số dự án tỷ USD khác, ở Hà Tĩnh – Liên hợp Thép Formosa, ở Quảng Ninh – Nhiệt điện Mông Dương 2… cũng đang gấp rút xây dựng.
Đó là chưa kể, nhà máy sản xuất điện thoại di động của Nokia ở Bắc Ninh, 302 triệu USD, cũng vẫn kiên trì kế hoạch đưa vào vận hành trong năm nay. Và nếu nhà máy của Samsung ở Thái Nguyên khởi công đúng kế hoạch, tức là trong tháng 3-2013, cũng như nếu phần vốn tăng thêm từ 670 triệu USD lên 1,5 tỷ USD của Khu tổ hợp công nghệ Samsung (Samsung Complex) ở Bắc Ninh không ngừng được đưa vào đầu tư, thì Việt Nam sẽ có thêm một lượng vốn FDI lớn đầu tư để tăng năng lực sản xuất. Tính đến hết năm 2012, Samsung Complex đã giải ngân được 950 triệu USD, vượt kế hoạch đề ra.

Mai Thanh

Related posts

Doanh nghiệp Nhật sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam

IA Vietnam
1 Tháng 4, 2013

Siemens kinh doanh thành công nhất tại Việt Nam

IA Vietnam
15 Tháng 8, 2012

Rockwell Automation được chọn là một trong những công ty có đạo đức nhất lần thứ năm

IA Vietnam
8 Tháng 5, 2013
Exit mobile version