Thị trường mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2017 và dòng vốn sẽ đến từ nhà đầu tư nước ngoài. Ngoài sức hút của các công ty đại chúng hiện tại, hoạt động cổ phần hóa diễn ra mạnh mẽ hơn cũng sẽ là lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia trong khuôn khổ hội thảo “Vietnam Access day 2017” do Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) tổ chức ngày 28/2 đến 2/3 tại TPHCM.
Theo ông Ngô Vinh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng đầu tư, VCSC, thị trường M&A năm 2016 đã khá sôi động khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài mua lại hoàn toàn hoặc sở hữu cổ phần chi phối tại nhiều doanh nghiệp hoạt động ở Việt Nam. Trong đó, các thương vụ lớn chủ yếu đến từ các nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan. Cụ thể như Big C được mua bởi Central Group, Lafargeholcim Việt Nam được mua bởi xi măng Siam City (Thái Lan), Nhựa Tân Tiến được mua bởi Dongwon (Hàn Quốc). Ngoài ra, phần vồn của SCIC tại Vinamilk cũng được chuyển nhượng cho F&N (Singapore).
Hoạt động M&A đã trở nên nóng hơn trong năm 2016 nhờ vào hoạt động cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được đẩy nhanh. Xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm 2017 khi nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn thuộc các ngành như năng lượng, cơ sở hạ tầng và viễn thông sẽ được cổ phần hóa. Đây là những doanh nghiệp đầu ngành nên nhiều nhà đầu tư mong muốn được sở hữu cổ phần.
Thêm vào đó, ông Tuấn cho biết hiện tại cũng đã có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp, các công ty cỡ nhỏ liên hệ với bộ phận ngân hàng đầu tư của VCSC để tìm các quỹ nước ngoài nhằm gọi thêm vốn. Ông Tuấn cho rằng những công ty khởi nghiệp bước đầu thành công có thể sẽ là tâm điểm của các thương vụ M&A trong các năm tới.
Ông Tuấn cho rằng hiện tại nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và Thái Lan đang rất quan tâm đến Việt Nam. Đặc biệt trong năm 2017 với hàng loạt doanh nghiệp bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) như Mobifone, PV Oil, Satra, Becamex IDC… thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thêm hàng hóa để chọn lựa.
Theo ông Tuấn năm nay những ngành như bán lẻ, tiêu dùng, bất động sản, hạ tầng, năng lượng, viễn thông…sẽ là những ngành hút vốn mạnh. Riêng ngành ngân hàng, ông Tuấn cho rằng vẫn quá sớm để dự báo xu hướng M&A.
Ngoài ra, để tăng sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường M&A của Việt Nam, ông Tuấn cho rằng nhiều công ty cần được phép nâng sở hữu nước ngoài lên 100%, đồng thời thị trường chứng khoán phải trở thành thị trường mới nổi (EM), thay vì là thị trường cận biên như hiện nay. Điểm mấu chốt cuối cùng và quan trọng, theo ông Tuấn chính là sự phát triển kinh tế của Việt Nam, đi kèm với sự ổn định của các chỉ số vĩ mô như lạm phát, tỷ giá…
Phát biểu tại hội nghị, ông Aaron Batten, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết, việc cải cách DNNN là hết sức cần thiết tại Việt Nam. DNNN chiếm phần lớn nguồn vốn trong nền kinh tế, nhưng kết quả kinh doanh lại ngày càng đi xuống, kéo theo năng suất lao động của cả nền kinh tế bị giảm sút. Ngoài ra, các DNNN được hưởng nhiều ưu đãi độc quyền khiến nền kinh tế Việt Nam thiếu cạnh tranh, doanh nghiệp tư nhân bị chèn ép.
“Tôi rất bất ngờ khi biết năng suất lao động trên đầu người của Việt Nam đang trên đà đi xuống, trái ngược với tốc độ phát triển nhanh của nền kinh tế. Theo tôi, một lý do quan trọng cho thực tế đáng buồn này là do số lượng quá lớn DNNN đang hoạt động không hiệu quả tại Việt Nam”, ông Batten nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này cho biết, việc cổ phần hóa DNNN sẽ giúp Việt Nam sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, tập trung vào giáo dục, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, tăng cường cạnh tranh trên thị trường, từ đó cải thiện năng suất lao động của nền kinh tế. Việc này đặc biệt cấp thiết cho sự phát triển dài hạn của kinh tế Việt Nam, khi lợi thế “dân số vàng” sẽ sớm qua đi trong hai, ba thập niên nữa.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, đánh giá cao việc Chính phủ đang tăng cường thanh tra các dự án thua lỗ tại DNNN và giảm thiểu việc bảo đảm các khoản vay của DNNN. Việc nợ công của Việt Nam đang lên ngưỡng báo động (gần chạm mức trần 65% GDP) đã thúc đẩy Chính phủ mạnh tay hơn trong việc thoái vốn tại khu vực này.
“Chính phủ đang thể hiện rõ mong muốn phát triển thị trường vốn tại Việt Nam và nguồn hàng quan trọng cho thị trường này chính là DNNN đã và sẽ cổ phần hóa. Việc thúc đẩy DNNN lên sàn, phát triển thị trường vốn sẽ giúp thị trường Việt Nam minh bạch hơn, bớt lệ thuộc vào vốn vay của hệ thống ngân hàng”, ông Thành cho biết.
Ông Thành dự báo, sắp tới, Chính phủ sẽ tập trung thoái vốn trước tại các doanh nghiệp hàng đầu như Vinamilk, Habeco và Sabeco, sau đó là các doanh nghiệp do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) quản lý. Kế đến, Chính phủ sẽ rút dần khỏi các doanh nghiệp hạ tầng, viễn thông và tiện ích, rồi cuối cùng là công ty con của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định 58/2016, trong đó bao gồm các tiêu chí phân loại DNNN và danh mục cụ thể các DNNN thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2016 – 2020. Đây được xem là kim chỉ nam cho công tác cổ phần hóa DNNN trong năm 2017 và những năm sắp tới.
Theo thống kê, từ năm 2001 đến năm 2016, số lượng DNNN tại Việt Nam đã giảm đáng kể từ hơn 6.000 xuống còn vỏn vẹn 718 doanh nghiệp. Thế nhưng, thực tế cho thấy, chất lượng cổ phần hóa không cao khi Nhà nước vẫn chiếm hơn 90% phần vốn tại các DN đã cổ phần. Vì vậy, các chuyên gia tại Hội nghị Vietnam Access Day nhấn mạnh rằng, việc cổ phần hóa phải thực chất hơn, để Việt Nam thực sự “thay máu” DNNN, đổi mới quản trị và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của khối doanh nghiệp này.
Các diễn giả cho biết, một trong những khúc mắc lớn khiến cổ phần hóa DNNN chưa thu hút được dòng vốn đầu tư chính là giá. Theo ông Don Stokes, luật sư tại Công ty luật Freshfields Bruckhaus Deringer, Chính phủ không muốn thất thoát vốn Nhà nước nên thường chào giá khá cao. Việc định giá DNNN khi cổ phần hóa lại thường do các công ty trong nước thực hiện, dẫn đến độ vênh nhất định với thông lệ quốc tế.
“Cách thức định giá DNNN hiện nay chưa bao gồm những quyền lợi đặc biệt của doanh nghiệp như quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ hay lợi thế độc quyền thị trường. Giá khi IPO và niêm yết cũng dễ bị thao túng và “làm giá”, vì số lượng cổ phiếu trôi nổi trên thị trường không cao, cơ cấu cổ đông cô đặc và mức giá bán cho người lao động và công đoàn rất khác giá thị trường”, ông Stokes bày tỏ quan điểm.
Ngoài ra, các chuyên gia tại Hội nghị cho biết, Chính phủ còn ngại việc giao hết “gà đẻ trứng vàng” cho nhà đầu tư, nên vẫn nắm giữ cổ phần rất lớn tại nhiều DNNN đã cổ phần hóa và hạn chế số lượng cổ phiếu dành cho nhà đầu tư bên ngoài. Lãnh đạo nhiều DNNN, dù nhận được chỉ thị cổ phần hóa từ Chính phủ, vẫn chần chừ không muốn để người ngoài vào tham gia điều hành doanh nghiệp.
“Biết rằng nhà đầu tư bên ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại, sẽ giúp DNNN cải thiện quản trị công ty và đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, nhưng Chính phủ và lãnh đạo nhiều DNNN trong thời gian qua vẫn ngại ngần việc bán cổ phần khối lượng lớn cho người ngoài. Tôi hi vọng quan điểm này sẽ thay đổi trong thời gian tới và nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục kiên nhẫn khi đầu tư vào DNNN tại Việt Nam”, luật sư Stokes phát biểu.
Hải Long