IA Vietnam
Năng lượng

“Bám” vào điện than, khó đảm bảo an ninh năng lượng

Hình ảnh trong hội thảo phát triển năng lượng bền vững tại Hà Nội

Với việc nhiệt điện than vẫn chiếm tỷ lệ khá cao, giới chuyên gia bày tỏ lo lắng về sự phụ thuộc này của Việt Nam khiến bài toán đảm bảo an ninh năng lượng khó thực hiện. Chính vì thế, cần phải điều chỉnh ngay quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020 có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII Điều chỉnh).

An ninh năng lượng không đảm bảo
Nhiệt điện theo quy hoạch điện (QHĐ) VII Điều chỉnh vẫn là nguồn năng lượng chính cho phát triển kinh tế- xã hội khi chiếm tới gần 43% tổng công suất nguồn đến năm 2020. Tuy nhiên, do phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống này (năng lượng than) nên việc đảm bảo an ninh năng lượng của Việt Nam được ông Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng nhìn nhận là không thể. 
Nhận định này được đưa ra khi ông Lâm “chiếu” theo gợi ý của Ngân hàng Thế giới (WB), muốn nhìn đất nước có đảm bảo an ninh năng lượng thì phải trả lời được các câu hỏi: Nước đó có đa dạng hóa được năng lượng sơ cấp, phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng truyền thống không, phụ thuộc vào mức độ NK năng lượng, năng lượng đó có tiếp cận được hay không, cơ sở hạ tầng để thực hiện.
Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, do phụ thuộc vào điện than sẽ khiến Việt Nam gặp nhiều thách thức về năng lượng. Thách thức này đến từ việc gia tăng nhu cầu năng lượng nhưng nhu cầu năng lượng nhiều khi chưa tính đủ về khả năng sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng nên chưa thật xác đáng.
“Các ngành cung cấp năng lượng của Việt Nam đều là độc quyền nên họ có xu hướng “tố lên” nhu cầu để đẩy việc đầu tư tiếp cho nguồn cung. Chính vì vậy, QHĐ VII Điều chỉnh cũng là tính theo tốc độ tăng nhu cầu lớn để đòi hỏi đầu tư nhiều và chứng minh chỉ có than mới có thể đuổi kịp nhu cầu. Đó là cách tính không sòng phẳng”, bà Lan nói.
Không chỉ vậy, sử dụng năng lượng kém hiệu quả là nguyên nhân chính khiến cường độ tiêu thụ năng lượng của Việt Nam ở mức cao nhất thế giới. Điều này xuất phát từ chính sách đầu tư phát triển kinh tế của Việt Nam ít quan tâm đến hiệu quả năng lượng. Bà Lan dẫn chứng, Việt Nam nôn nóng muốn có tăng trưởng cao nên không chú ý đến các ngành tiêu tốn năng lượng như sắt thép, xi măng trong khi hiện nay ngành này thừa rất nhiều. 
Ngoài ra, đặc quyền và ưu đãi với EVN trong sản xuất và độc quyền trong mua bán điện không khuyến khích hiệu quả năng lượng mà chỉ chú trọng phát triển nguồn cung, không chú ý đến cầu. “Mỗi năm Nhà nước bao cấp 4 tỷ USD cho ngành điện để phát triển năng lượng, điều đó tạo giá điện rẻ nhưng gánh nặng 4 tỷ USD vẫn “đổ lên” nền kinh tế, người đóng thuế”, vị chuyên gia này cho hay.
Điện than không phải là lựa chọn duy nhất
Trên thực tế, theo đánh giá của giới chuyên gia, năng lực thực thi chiến lược, quy hoạch của Việt Nam còn yếu, thiếu tham vấn xã hội, thiếu minh bạch trong việc thiết kế chiến lược, quy hoạch. “Ví dụ, QHĐ VII tại sao cứ phải giữ trong khi điều kiện thực tế thay đổi nhiều. Khi làm đã không khoa học ở chỗ không tham vấn đầy đủ nhưng tại sao vẫn phải “bám” lấy, trong khi có những quy hoạch sẵn sàng “đẻ” thêm dự án. Tôi muốn nói đến quy hoạch ngành thép, Tôn Hoa Sen trong vòng 1 tuần được bổ sung ngay vào quy hoạch vậy tại sao QHĐ VII có hàng loạt dự án điện than vô lý không “bốc” ra khỏi quy hoạch mà cứ phải để xã hội tranh luận. Phải chăng do các nhóm lợi ích chi phối?”, bà Lan gay gắt đặt câu hỏi.
Cho rằng “QHĐ VII Điều chỉnh đã lạc hầu cần phải có điều chỉnh ngay, càng sớm càng tốt”, ông Tomaso Andreatta, Chủ tịch Tiểu ban Tăng trưởng xanh thuộc EuroCham khuyến cáo, vấn đề tiếp theo là phải tư nhân hóa, tức là mở cửa thị trường cho các bên tham gia, đồng thời cân nhắc nhiều phương án lựa chọn khác nhau mà không nên dựa vào một phương án, tức là nhiệt điện than.
Bổ sung thêm thông tin, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp phát triển thì đâu đó vẫn còn suy nghĩ làm điện mặt trời, điện gió đắt hơn điện than để cố giữ làm điện than. Nhưng tôi cho rằng, điện than theo cách làm của Việt Nam hiện nay là vào “cửa tử”, bởi xu hướng này không những trái với xu hướng chung, tác động tới môi trường mà còn đẩy Việt Nam vào thế phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất là Trung Quốc.
 
Khi Trung Quốc đóng cửa nhiệt điện than, họ có động lực lớn để chuyển nhà máy điện than cho các nước khác. Thảm họa, giá thực của công nghệ Trung Quốc đắt hay rẻ thì quan sát tuyến đường sắt Cát Linh có thể thấy rõ, đắt hơn gấp 3 lần so với vốn đầu tư ban đầu. Bà Lan khẳng định: “Chính vì thế, nhiệt điện than là đắt chứ không phải rẻ và Việt Nam không nên tự trói mình vào một nguồn cung duy nhất cho thiết bị điện than là Trung Quốc”.
Với những lập luận trên, nhiều chuyên gia đồng tình với quan điểm than không phải là lựa chọn duy nhất để đảm bảo an ninh năng lượng. Vậy nên, cần phải thay đổi QHĐ VII Điều chỉnh ngay, cân đối nguồn năng lượng không chỉ tập trung vào năng lượng than như hiện nay. Việc chuyển hướng sang tăng trưởng xanh là cần thiết cho Việt Nam, là con đường tắt để Việt Nam có thể đi lên chứ không nhất thiết phải đi theo lộ trình dài của các nước, gây ô nhiễm chán chê rồi mới tỉnh ngộ để giảm thiểu tác động môi trường. 
Bà Lan một lần nữa đặt câu hỏi: “Hiện nay cách mạng công nghiệp 4.0 đang đến rất nhanh, chỉ khoảng đến năm 2020 giá điện mặt trời, điện gió có thể thương mại hóa ở mức độ cao, có thể gần tương đương điện than. Vậy tại sao còn có 3 năm nữa mà không chờ thêm để giá năng lượng mặt trời có thể áp dụng rộng rãi mà cứ phải “bám” vào QHĐ VII Điều chỉnh. Trong khi đó, quy hoạch này muốn thực hiện cũng mất chục năm, tại sao không điều chỉnh?”.
Điện mặt trời có phải lợi thế?
Theo số liệu của Hội Năng lượng sạch Việt Nam, Việt Nam là một trong những quốc gia có ánh nắng mặt trời nhiều nhất trong biểu đồ bức xạ mặt trời thế giới. Tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ, số giờ nắng đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm, bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2, chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm.
Tuy tiềm năng rất lớn, nhưng việc khai thác nguồn năng lượng này ở Việt Nam còn chưa đáng kể. Hầu hết các dự án điện mặt trời chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ.
Đơn cử, dự án điện mặt trời được nối lưới đầu tiên là Nhà máy Quang năng An Hội (Côn Đảo, Bà Rịa – Vũng Tàu). Đây là dự án được triển khai từ năm 2014 và hoàn thành việc xây dựng lắp đặt, đấu nối vào lưới điện của Điện lực Côn Đảo vào đầu tháng 12/2014 nhưng công suất chỉ đạt 36 kWp, điện lượng hơn 50 MWh. Chỉ có một dự án điện mặt trời tại Quảng Ngãi là dự án có quy mô tương đối lớn, song cũng mới đang ở giai đoạn hoàn thiện.
Việc phát triển điện mặt trời cũng nhận được sự quan tâm của Chính phủ thể hiện tại Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam) khi quy định giá bán điện mặt trời tại Việt Nam là 2.086 đồng/kWh (tương đương 9,35 UScents/kWh theo tỷ giá ngày 10/4/2017), được giới chuyên gia đánh giá cao. Với mức giá này, các nhà đầu tư trong nước, khu vực có mối quan tâm lớn đến việc đầu tư kinh doanh năng lượng tái tạo đổ dồn về Việt Nam.
Dẫn chứng rõ hơn, đại diện Chương trình Năng lượng của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho biết tính đến hết tháng 7/2017 đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng công suất nguồn lên tới 17.000 MW.
Tuy nhiên, một vấn đề được đặt ra là những ưu đãi cho điện mặt trời chỉ được áp dụng trong 3 năm (từ 1/6/2017 đến 30/6/2019) đã khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng “vậy sau 3 năm tới giá điện mặt trời sẽ như thế nào?” và bày tỏ mong muốn có một chính sách giá điện mặt trời dài hơi, ổn định hơn để có thể khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.
Không chỉ có vậy, ông Đỗ Đức Tưởng, Cố vấn Năng lượng sạch Chương trình Năng lượng của USAID cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề khác liên quan đến điện mặt trời là hạ tầng chuyển tải lưới điện, có những khu vực dự án đăng ký nhiều nhưng máy biến áp của khu vực đó không đủ công suất để tiếp nhận tất cả dự án điện…
Bên cạnh đó, khi phát triển điện mặt trời, vấn đề bảo đảm an toàn lưới điện và nối lưới là điều mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lo lắng. Bởi càng nhiều năng lượng tái tạo thì càng làm hệ thống điện hiện tại mất ổn định. Bởi vậy, phải có giải pháp kỹ thuật như tăng cường hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống điện thông minh góp phần giảm những tác động tiêu cực của năng lượng tái tạo đến hệ thống điện.
Trong Quy hoạch điện VII, mục tiêu phát triển nguồn điện mặt trời vào năm 2020 là 850 MW và đến năm 2030, con số này tăng lên gấp 15 lần. Cũng theo quy hoạch này, đến năm 2020, sản xuất điện từ năng lượng tái tạo sẽ chiếm 9,9% tổng công suất nguồn điện, tăng 4,3% so với Quy hoạch điện VII. Riêng đối với lĩnh vực điện năng lượng mặt trời, đến năm 2030, phải đạt 12.000 MW.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là mục tiêu nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với ngành điện.
Quang Duy

Related posts

Một cơ hội dành cho các chuyên gia thực sự

IA Vietnam
22 Tháng tư, 2013

Nhà máy ABB Việt Nam khánh thành công trình năng lượng mặt trời

IA Vietnam
1 Tháng tám, 2019

Điều khiển bộ lọc trong trạm nhiệt điện với nỗ lực tối thiểu

IA Vietnam
8 Tháng tám, 2011
Exit mobile version