IA Vietnam
Đầu tư FDI

Trung Quốc đạt hơn 11 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực tại Việt Nam

Tính lũy kế đến ngày 20/3/2016, Trung Quốc có 1.616 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 11,19 tỷ USD, xếp thứ 8 trong tổng số 116 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam.

Quy mô đầu tư trung bình của Trung Quốc ở Việt Nam đạt khoảng 6,9 triệu USD/dự án. Trong khi đó, mức trung bình của các dự án nước ngoài tại Việt Nam hiện nay khoảng 13 triệu USD/dự án.
Cũng giống như nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác, đầu tư của Trung Quốc chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 1.072 dự án, tổng vốn đăng ký 6,87 tỷ USD (chiếm 61,4% tổng vốn đầu tư đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam). Đứng thứ hai là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa với 4 dự án cùng tổng vốn đăng ký đạt 2,04 tỷ USD (chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam). Ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 3 với 24 dự án, đạt 631,2 triệu USD (chiếm 5,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam).
Các dự án của Trung Quốc chủ yếu đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài với 1.318 dự án, tổng vốn đầu tư là 7,45 tỷ USD (chiếm hơn 66,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam). 18,4% tổng vốn đầu tư đăng ký theo hình thức hợp đồng BOT,BT,BTO. Còn lại khoảng 15% tổng vốn đầu tư đăng ký là theo hình thức liên doanh, hợp đồng hợp tác kinh doanh, công ty cổ phần.
Trong số 63 tỉnh, thành phố, đầu tư của Trung Quốc đã hiện diện tại 54 địa phương. Tỉnh Bình Thuận thu hút nhiều vốn đầu tư của Trung Quốc nhất, chỉ với 7 dự án nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 2,03 tỷ USD (chiếm 18,1% tổng vốn đầu tư đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam). 
Đứng thứ hai là tỉnh Tây Ninh có 46 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,65 tỷ USD (chiếm 14,8% tổng vốn đầu tư đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam). Bắc Giang đứng thứ ba với 61 dự án, tổng vốn đầu tư đạt 957,56 triệu USD (chiếm hơn 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký của Trung Quốc tại Việt Nam). 
Lo ngại Trung Quốc đưa công nghệ lạc hậu sang Việt Nam
Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR cho biết, chỉ trong ba tháng đầu năm 2017, lượng vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam đã xấp xỉ bằng một nửa so với lượng vốn đăng ký của các nhà đầu tư nước này trong cả năm 2016.
“Dòng vốn Trung Quốc đổ vào Việt Nam đang có bước tiến lên, gia tăng nhanh”, Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành nhận định. Theo ông, điều này có thể lý giải bằng việc Trung Quốc đang dư thừa vốn, cùng với đó giá lao động của đất nước này đang tăng cao nên các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển dịch đầu tư.
Cũng theo Tiến sỹ Thành, nhu cầu này không chỉ đến từ doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam mà ở cả doanh nghiệp địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh dấu hiệu đáng mừng của câu chuyện vốn Trung Quốc vào Việt Nam nhiều, các chuyên gia kinh tế cho rằng sự gia tăng của nhà đầu tư Trung Quốc cũng đang kéo theo nỗi lo về công nghệ và môi trường.
“Đặc thù họ không có công nghệ cao như Nhật, cách thức làm ăn có thể không minh bạch như Mỹ đó là yếu tố lo ngại. Hai vấn đề này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư của Việt Nam và có tác hại lâu dài”, Viện trưởng VEPR phân tích.
Về vấn đề này, ông Trương Đình Tuyển cho rằng “không phải Trung Quốc không có công nghệ cao. Sản xuất và xuất khẩu robot của nước này đang đứng đầu thế giới nhưng trong quá trình đưa nền kinh tế của họ lên trình độ cao hơn, cách duy nhất họ làm là chuyển nhà máy cũ, máy móc lạc hậu sang nước khác”.
Đây cũng là vấn đề chính khiến nhiều chuyên gia lo lắng khi Trung Quốc sử dụng công nghệ. Chính ADB trong báo cáo mới nhất ngày 10/4 cũng đưa ra nhận định “Việt Nam phải chú ý đến công nghệ, nếu cho phép nhập khẩu công nghệ, chỉ cho phép nhập khẩu công nghệ phải đúng, phù hợp với mình để không trở thành bãi rác công nghệ cũ của Trung Quốc”.
“Có thể công nghệ lúc nhập vào đắt hơn nhưng sử dụng được lâu dài, lợi ích cao hơn nhiều so với nhập khẩu công nghệ rẻ hiện tại”, ADB gợi ý.
Cần có cam kết rõ ràng
“Trung Quốc tăng đầu tư tôi e ngại về nhiều mặt”, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ quan điểm.
Theo bà Chi Lan, Trung Quốc sang Việt Nam mang theo những máy không dùng nữa, những công nghệ cũ gây khó khăn và ảnh hưởng đến môi trường Việt Nam. Bên cạnh đó, họ mở rộng thị trường tiêu thụ, thị trường trung chuyển sản xuất các sản phẩm hàng Việt Nam nhưng gắn mác Tàu (“made in Vietnam by Chinese”).
Trong đó, điều bà lo nhất là câu chuyện hàng “made in VietNam by Chinese” khi xuất ra thế giới hưởng lợi trực tiếp là Trung Quốc nhưng có vấn đề xảy ra Việt Nam phải chịu tai tiếng.
Bà dẫn chứng câu chuyện thời gian vừa qua Mỹ, Úc nghi ngờ xuất khẩu thép của Việt Nam sang thị trường này thực chất là hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam hay các nước khác.
“Tôi vừa ở Châu Phi tham dự một diễn đàn về. Tôi thấy các nước chung niềm trăn trở với chúng ta. Người Châu phi cũng rất lo lắng khi phần lớn sản phẩm sản xuất tại châu Phi hiện này đều gắn mácTrung Quốc”.
Bà Phạm Chi Lan cảnh báo nếu Việt Nam tiếp tục nhận nhiều FDI hoặc nhập hàng nguyên liệu, hàng lắp ráp từ Trung Quốc để đóng gói tại Việt Nam thì vô hình trung người được lợi là Trung Quốc, Việt Nam chỉ mang tiếng là nước xuất khẩu hộ, bàn đạp sang các nước khác.
Hiện nay lĩnh vực đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu là dệt, xơ sợi, da dày, nhiệt điện, khai khoáng…
Đón nhận dòng vốn đầu tư của Trung Quốc nhưng Việt Nam cũng cần có những nguyên tắc của riêng mình. Theo Tiến sỹ Võ Trí Thành, bài toán với Trung Quốc là một bài toán lớn, Trung Quốc vẫn là một mắt xích quan trọng của sản xuất toàn cầu. Vấn đề về chất lượng công nghệ, thi công, môi trường cần có cam kết rõ ràng.
Ông cho rằng bên cạnh những lo ngại chúng ta cần phải đối mặt với câu chuyện mở cửa hội nhập, giám sát, kiểm soát.
“Đưa ra luật chơi và những ràng buộc, Việt Nam có quyền lựa chọn”, Chuyên gia kinh tế độc lập Võ Trí Thành nhấn mạnh.

Mai Thanh

Related posts

Formosa và Siemens ký kết hợp đồng cung cấp và lắp đặt bốn dây chuyền đúc thép liên lục cho dự án sản xuất thép trọng yếu tại Việt Nam

IA Vietnam
1 Tháng mười hai, 2012

Khu công nghiệp Phúc Điền

IA Vietnam
10 Tháng tám, 2011

Danh sách một số dự án FDI lớn được cấp phép trong năm 2013

IA Vietnam
17 Tháng bảy, 2014
Exit mobile version