Ngày 25-10-2013 – Schneider Electric, chuyên gia toàn cầu về quản lý năng lượng đã khai mạc Hội nghị và Triển lãm Quốc tế “Trải nghiệm Năng lượng Xanh và Hiệu quả” 2013.
“Trải nghiệm Năng lượng Xanh và Hiệu quả” 2013 là chuỗi sự kiện toàn cầu được Schneider Electric thiết kế nhằm cộng tác và chia sẻ kiến thức với Chính phủ, khách hàng và các đối tác nhằm giải quyết những thách thức về năng lượng và phát triển bền vững. Được khởi động từ tháng 6-2013, sự kiện đã đi qua Mỹ, Trung Quốc, Columbia, Brazil, Nga và tiếp tục tới các quốc gia Đông Á, trong đó có Việt Nam.
“Trải nghiệm Năng lượng Xanh và Hiệu quả” 2013 tại Việt Nam nhận được sự ủng hộ của Tổng cục Năng lượng – Bộ Công thương. Đến dự và cắt băng khai mạc sự kiện có Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Công thương – bà Phan Thị Thanh Minh; ông Fabrice MAURIÉS, Tổng lãnh sự Cộng hòa Pháp tại TP.HCM; và ông Xavier DENOLY – Tổng Giám đốc Schneider Electric Việt Nam & Campuchia, với sự chứng kiến của hơn 1.000 khách tham dự đến từ các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam.
“Môi trường kinh tế, chính trị và xã hội ngày nay đang đặt ra những sức ép nhất định trong việc ưu tiên các biện pháp và hành động ngăn ngừa biến đổi khí hậu, đặc biệt tại các thành phố và các khu đô thị”, ông Xavier DENOLY – TGĐ Schneider Electric Việt Nam & Campuchia cho biết. “Khái niệm sử dụng năng lượng hiệu quả giờ không chỉ là nhắm đến các tổ chức về môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các thành phố, các doanh nghiệp và mọi tầng lớp công dân. Thông qua các hoạt động hợp tác và phối hợp thực hiện, chúng ta có thể chia sẻ kiến thức và xây dựng một kế hoạch cụ thể để tạo nên những thay đổi tích cực. Xây dựng mô hình thành phố thông minh với những hệ thống vận hành đô thị hiệu quả, hợp tác chặt chẽ giữa các bên để các thành phố và đô thị ngày càng trở nên hiệu quả, bền vững và sống tốt hơn”.
Ông Nguyễn Văn Long – Vụ Phó Vụ Khoa học Công nghệ & Tiết kiệm Năng lượng (Bộ Công thương) cho biết Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng dồi dào bao gồm than, dầu, khí đốt, thủy điện và năng lượng tái tạo và hiện vẫn là quốc gia xuất khẩu năng lượng. Tuy nhiên, do nền kinh tế tăng trưởng cao sẽ khiến cho nhu cầu năng lượng tăng theo và trong tương lai nhu cầu sẽ vượt quá khả năng đáp ứng của nguồn cung cấp trong nước. Nhu cầu năng lượng tại Việt Nam sẽ tăng khoảng 2,5 lần vào năm 2015, và 5 lần vào năm 2025 nếu so sánh với mức tiêu thụ hiện tại và nếu như vấn đề tiết kiệm năng lượng không được quan tâm đúng mức thì năng lượng sẽ tác động nặng nề lên nền kinh tế quốc dân và tác động đến biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
Cùng với sự phát triển kinh tế vượt bậc, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ năng lượng còn cao hơn 1,7-1,8 lần tốc độ phát triển kinh tế. Hiện tại, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu năng lượng, nhưng dường như sẽ có sự thay đổi khi Việt Nam sẽ nhập trở lại dầu thô từ năm 2015 và than năm 2016 và những nhà máy thủy điện lớn cơ bản sẽ hoàn thành vào năm 2017.
Về điện, sự mất cân bằng trong cung và cầu do thiếu hụt nguồn nước vào mùa khô sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng. Sự tăng trưởng mạnh của tiêu thụ năng lượng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển của ngành công nghiệp trong khi ở các ngành khác, mức độ ảnh hưởng là tương đối nhỏ. Mọi ngành nghề có tốc độ tăng trưởng tiêu thụ năng lượng ở hai con số đều gây ra ảnh hưởng đến phát triển kinh tế bền vững.
Mai Thanh