IA Vietnam
Khoa học & công nghệ

TPHCM đột phá ngành công nghiệp vi mạch

Từ năm 2010, Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và Chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2457/QĐ-TTg và Quyết định 2441/QĐ-TTg đã mở ra cơ hội đầu tư vào công nghiệp vi mạch. TPHCM cũng đã lên Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch và sẽ tập trung xây dựng dựa trên những đề án đào tạo nguồn nhân lực, ươm tạo doanh nghiệp (DN) và hệ thống nhúng, quảng bá và thiết kế sản xuất thử nghiệm, cùng 2 dự án xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử và trung tâm thiết kế vi mạch.

Ảnh minh họa.


Doanh thu 150 triệu USD

Thị trường Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp vi mạch, với những sản phẩm chip điện tử sản xuất trên nền công nghệ cơ bản như giấy phép điện tử, chip RFID ứng dụng cho nhiều lĩnh vực trong đời sống, SIM card điện thoại di động, chip điện thoại di động thông minh…
“TPHCM hội đủ các điều kiện cũng như ban hành những chính sách tốt, kịp thời để phát triển lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn này. Nếu được các bộ, ngành liên quan, nhà khoa học, DN hành động sẽ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc tìm hướng đi thích hợp và tạo sự đột phá cho ngành này”.

Ông Lê Mạnh Hà – Phó CT UBND TPHCM, (Trưởng ban chỉ đạo Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM) phát biểu.

Với nhiệm vụ xác định phương hướng hoạt động và kế hoạch của Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch, chỉ đạo triển khai cũng như theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá kết quả công việc thuộc Chương trình, Ban chỉ đạo Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM đã được UBND TP thành lập từ tháng 5-2012.

Mục tiêu đến năm 2017, ngành vi mạch đạt 100-150 triệu USD, góp phần tích cực cho việc đổi mới công nghệ quốc phòng và gia tăng tính bảo mật trong an ninh quốc phòng.
Đến năm 2017 sẽ kêu gọi ít nhất 5 tập đoàn đa quốc gia về lĩnh vực công nghiệp điện tử tại Việt Nam, đào tạo 2.000 người hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử (kỹ sư, kỹ thuật viên…), ươm tạo trên 30 DN khoa học công nghệ hoạt động lĩnh vực điện tử vi mạch.
Sự đầu tư mạnh mẽ cho ngành công nghiệp vi mạch theo đó sẽ góp phần làm giảm nhập siêu và kiềm chế lạm phát; nâng cao giá trị sản phẩm điện tử trong nước với mức lợi nhuận từ 20-30%; tăng sức mạnh cạnh tranh của nền kinh tế nhờ giảm chi phí phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng và trong xuất khẩu, cũng như tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, Chương trình có ý nghĩa quan trọng cho sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam, nâng cao trình độ cho các chuyên gia, chuyên viên kỹ thuật thiết kế, ứng dụng và chế tạo vi mạch điện tử; đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế và chế tạo vi mạch điện tử.
Trong những năm tới, Chương trình Phát triển công nghiệp vi mạch sẽ được UBND TPHCM xây dựng dựa trên 4 đề án (đào tạo nguồn nhân lực vi mạch, ươm tạo DN công nghệ vi mạch và hệ thống nhúng, quảng bá và thiết kế sản xuất thử nghiệm vi mạch) và 2 dự án (xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử và trung tâm thiết kế vi mạch).
Kinh phí dự tính ban đầu cho Chương trình là 7.506 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP hỗ trợ 453 tỷ đồng, vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam 5.634 tỷ đồng, vay chương trình kích cầu của TPHCM 669 tỷ đồng…

Trong 2 dự án được đề xuất nêu trên, dự án xây dựng nhà máy sản xuất chip điện tử sẽ do Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) làm chủ đầu tư. Nhà máy sẽ triển khai xây dựng tại Khu công nghệ cao TPHCM, quy mô mặt bằng rộng 10ha, với vốn đầu tư 6.600 tỷ đồng.

Theo CNS, dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 được thực hiện từ năm 2011 đến hết quý III-2013, tập trung nghiên cứu khảo sát thị trường và xây dựng dự án tiền khả thi, thiết kế xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch; tuyển dụng, đào tạo nhân sự, đầu tư máy móc thiết bị. Giai đoạn 2, từ quý IV-2013 đến quý I-2015, tiến hành lắp đặt thiết bị chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm, hoàn thành công nghệ và sản xuất thương mại.


Phòng giám sát.

Thách thức không nhỏ

Theo ông Trần Chí Luân, Công ty Taiwan Semiconductor, để phát triển một ngành công nghiệp mới, TPHCM phải đảm bảo 3 điều kiện tối quan trọng là đường hướng chính sách phát triển – nguồn vốn – đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng.

Đại diện CNS cho biết đến nay doanh số của ngành này trên thế giới đạt khoảng 270 tỷ USD/năm, trong đó thị trường châu Á đạt khoảng 120 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng khoảng 18,5%. Nhiều nhà máy sản xuất chip điện tử đã được đầu tư ở Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ngay như Singapore chỉ có 4,8 triệu dân nhưng đang sở hữu đến 18 nhà máy sản xuất vi mạch.

Do đó, mục tiêu hình thành nhà máy sản xuất chip công suất thiết kế 72.000 wafer/năm của CNS đi vào hoạt động sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 1,8 tỷ con chip, doanh thu khoảng 90 triệu USD/năm. Khi thị trường phát triển CNS sẽ xem xét nâng cao công suất nhà máy lên 144.000 wafer/năm, cung cấp 3,6 tỷ con chip, doanh thu 180 triệu USD với chi phí đầu tư thiết bị bằng khoảng 50% chi phí ban đầu.

Trong dự án này, CNS đã nhận được sự ủng hộ, cam kết hợp tác lâu dài của các nhà khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước.


Nhà máy sản xuất chíp.

Tuy nhiên, theo CNS, một trong những khó khăn đang phải đối mặt đó là chúng ta chưa có chiến lược tổng thể phát triển ngành công nghệ vi mạch; kinh nghiệm về công nghệ, thiết bị sản xuất và sản phẩm chưa nhiều; ngành công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao tại Việt Nam nói chung và TP nói riêng chưa phát triển nên DN đi đầu trong ngành công nghệ cao có khả năng gặp nhiều rủi ro, mất nhiều thời gian và chi phí xây dựng thương hiệu, hệ thống phân phối, sản xuất thử nghiệm, thuê chuyên gia nước ngoài…

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp vi mạch trong nước cũng đang đối mặt với nhiều đối thủ cạnh tranh là những công ty, tập đoàn sản xuất chip điện tử có uy tín, thương hiệu quốc tế và phân phối toàn cầu; sản phẩm Trung Quốc (giá rẻ, đa đạng) đang tràn ngập thị trường Việt Nam.

Do đó, để đảm bảo cho sự phát triển bền vững, trước hết Chính phủ sớm nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển tổng thể ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam tầm nhìn đến năm 2020, 2025.

Bên cạnh đó, cần có một cơ chế thông thoáng nhằm cải thiện môi trường đầu tư, miễn thuế 5 năm cho mọi sản phẩm nhà máy sản xuất ra, bao tiêu sản phẩm chip điện tử trong các dự án đầu tư công và DN viễn thông 100% vốn Nhà nước, thiết lập hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản phẩm trong nước, khuyến khích các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài có nhà máy sản xuất tại Việt Nam sử dụng các sản phẩm chip nội địa có chất lượng và giá thành tương đương với chip nước ngoài, tất cả các ứng dụng sử dụng RFID nội địa được khuyến khích để sử dụng cho các nhà sản xuất trong nước, miễn thuế các thiết bị nhập khẩu phục vụ sản xuất và nghiên cứu…

Duy Long

Related posts

Local Area Network

IA Vietnam
12 Tháng chín, 2011

Tăng cường thiết bị đầu vào / đầu ra của GE Gói tính năng hàng đầu vào Footprint Smallest sẵn có hiện nay

IA Vietnam
13 Tháng tư, 2016

Mitsubishi Electric thiết lập mối quan hệ đối tác với Software Developer ModuleWorks

IA VIETNAM
9 Tháng ba, 2024
Exit mobile version