Hội công nghệ vi mạnh bán dẫn TP.HCM đã chính thức được thành lập vào sáng ngày 15/3. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông được bầu làm chủ tịch hội.
Cùng ngày UBND TP.HCM đã tổ chức hội nghị đánh giá chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của thành phố. Về kế hoạch xây dựng nhà máy chế tạo chip đầu tiên của Việt Nam do Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn đầu tư, ông Lê Mạnh Hà, Phó chủ tịch UBND thành phố phát biểu: Trước đây chính sách về phát triển có thể chậm so với sốt sắng đầu tư của doanh nghiệp, nhưng giờ doanh nghiệp không quyết liệt sẽ chậm. Năm 2013, phải chuẩn bị các thủ tục sẵn sàng cho việc xây dựng nhà máy.
Ông Hà kiến nghị với đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ: Để ngành thiết kế, chế tạo vi mạch của Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp cần hỗ trợ của ở các cấp cao hơn về hàng rào kỹ thuật và hàng rào an ninh. Có những thiết bị phải do trong nước phát triển mới đảm bảo độ an toàn. Vi mạch không chỉ cho kinh tế, mà cả an ninh, quốc phòng.
Tại hội nghị Ban Cơ yếu Chính phủ, Học viện Kỹ thuật Quân sự (Bộ Quốc phòng), Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tổng tham mưu), Sở Thông tin và Truyền thông và ICDREC đã ký kết hợp tác về đào tạo nhân lực, nghiên cứu, phát triển sản phẩm vi mạch.
Trước đó, ngày 14/12/2012, UBND TP.HCM đã có Quyết định thành lập chương trình phát triển công nghệ vi mạch của thành phố giai đoạn 2013 – 2020.
Hiện chip 8 bit do các kỹ sư Trung tâm ICDREC thiết kế đang được ứng dụng vào hộp đen dẫn đường, giám sát hành trình trên xe ô tô, ứng dụng vào việc giải quyết kẹt xe của TP.HCM.
Vào năm 2010, chip VN8-01 do các kỹ sư ICDREC thiết kế cũng đã được sử dụng vào thiết bị giám sát hàng hải sử dụng năng lượng mặt trời. Trong năm 2013, sẽ có 150 nghìn chip VN8-01 được sản xuất đưa về Việt Nam.