IA Vietnam
Đầu tư FDI

Thu hút vốn FDI 6 tháng đầu năm 2013

Formosa tăng vốn lên 27 tỉ USD

Thông tin từ Formosa (Đài Loan) cho biết, Tập đoàn đã quyết định tăng vốn đầu tư của Dự án Khu liên hợp Gang thép và Cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh lên 27 tỷ USD. Cùng với kế hoạch tăng vốn đầu tư lên 27 tỷ USD, công suất của Nhà máy cũng sẽ tăng gấp hơn 3 lần.
Nhà máy Luyện gang thép Formosa Hà Tĩnh
Vào cuối năm ngoái, chính xác là ngày 2/12/2012, Formosa đã khởi công xây dựng lò cao, hạng mục công trình trọng yếu của Nhà máy Luyện gang thép Formosa Hà Tĩnh. Trong phân kỳ giai đoạn I, Formosa sẽ đầu tư 10 tỷ USD để xây dựng một nhà máy sản xuất thép có sản lượng thép thô là 7,07 triệu tấn/năm và lượng tiêu thụ thép thành phẩm là 6,82 triệu tấn. Theo kế hoạch, sau khi đóng cọc lò cao thứ nhất, công trình xây dựng Nhà máy sẽ được triển khai toàn diện. Sau 30 tháng thi công, dự kiến, tháng 5/2015, lò cao thứ nhất của Nhà máy sẽ đi vào hoạt động.
“Theo kế hoạch, công trình xây dựng Nhà máy sẽ căn cứ theo nhu cầu thị trường từng hạng mục tiếp tục hoàn thành cho đến năm 2020. Khi đó, nhà máy thép sẽ bao gồm 6 lò cao, sản lượng thép thô đạt 22,5 triệu tấn”, đại diện của Formosa nói và cho biết, Cảng Sơn Dương cũng sẽ được quy hoạch gồm 32 bến tàu, với lượng hàng hóa ra vào cảng là 85 triệu tấn. Bên cạnh đó, còn có một nhà máy điện với công suất lắp đặt 2.150 MW.
“Formosa sẽ trở thành một nhà máy liên hợp gang thép có quy mô lớn nhất Đông Nam Á”, đại diện Formosa nói.
Formosa sẽ không sản xuất thép gân xây dựng, nên sẽ không tạo ra gánh nặng thừa và gây nhiễu loạn thị trường thép Việt Nam. Sản phẩm chính của giai đoạn I của Dự án là thép cuộn cán nóng dùng cho sản xuất và thép cây dùng cho công nghiệp. Đây đều là những sản phẩm mà hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu toàn bộ từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan…
Trong kế hoạch, khoảng 50% lượng thép thành phẩm giai đoạn I của Formosa sẽ cung cấp cho thị trường trong nước, 50% còn lại dành để xuất khẩu.

DHL đầu tư 13 triệu USD vào chuỗi cung ứng

Ngày 16/5/, Tập đoàn DHL công bố kế hoạch đầu tư 10 triệu euro (13 triệu USD) từ nay đến năm 2015 vào công ty con DHL Supply Chain Việt Nam để phát triển hơn nữa dịch vụ chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Ông Jan Winkelhuijzen, Tổng giám đốc DHL Supply Chain Việt Nam cho biết, Supply Chain Việt Nam được thành lập năm 2001 và đến nay đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 45%, và đã có 25 trung tâm phân phối khắp cả nước.
Khoản đầu tư mới sẽ được dùng để mở rộng cơ sở vật chất và giải pháp công nghệ thông tin, phát triển đội xe vận tải và lực lượng lao động nhằm hỗ trợ mở rộng kinh doanh trong các lĩnh vực trọng điểm là bán lẻ, hàng tiêu dùng, công nghệ và ô tô.
Công ty cũng công bố việc xây dựng trung tâm phân phối thứ hai rộng 10.000 m2 tại tỉnh Bắc Ninh, dự kiến hoàn thành vào quý III năm nay.
Với cam kết đầu tư thêm 13 triệu USD, DHL Supply Chain dự kiến tăng số lượng nhân viên hơn 170%, tạo ra 1.400 việc làm mới, và đến năm 2015, công ty sẽ có 2.200 nhân viên tại Việt Nam.
Công ty sẽ tăng diện tích kho bãi thêm 50%, từ 91.000 m2 hiện nay lên hơn 141.000 m2 vào năm 2015; sẽ đưa vào sử dụng hơn 100 xe tải mới trong hai năm tới. DHL Supply Chain cũng tiếp tục mở văn phòng tại Hà Nội.
Vốn FDI vào TP.HCM giảm mạnh

Đến 15/5, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đạt 362,1 triệu USD, giảm mạnh so với 698,2 triệu USD cùng kỳ năm trước.
Theo Cục thống kê TPHCM, từ đầu năm đến ngày 15/5 đã có 130 dự án có vốn nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư trên địa bàn thành phố với tổng vốn đăng ký 158 triệu USD (vốn điều lệ 105,1 triệu USD, chiếm tỷ trọng 66,5% tổng vốn). Vốn đầu tư bình quân một dự án đạt 1,2 triệu USD.
Trong đó, hình thức đầu tư 100% vốn nước ngoài có 94 dự án, vốn đầu tư đạt 75,9 triệu USD; liên doanh 36 dự án với vốn đầu tư đạt 82,1 triệu USD.
Công nghiệp, thương nghiệp và kinh doanh bất động sản vẫn là 3 ngành thu hút lượng vốn đầu tư lớn nhất. Cụ thể: Công nghiệp 17 dự án, vốn đầu tư 30,9 triệu USD; thương nghiệp 33 dự án, vốn đầu tư 48,2 triệu USD; kinh doanh bất động sản 4 dự án, vốn đầu tư 40,5 triệu USD… 
Đồng Nai thu hút 450 triệu USD vốn FDI

Theo Sở Kế hoạch – Đầu tư tỉnh Đồng Nai, 5 tháng đầu năm, Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 22 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư hơn 190 triệu USD và điều chỉnh 142 dự án, trong đó 26 dự án có tổng vốn tăng 260 triệu USD.
Tổng số vốn thu hút đầu tư FDI mới lẫn tăng vốn từ đầu năm đến nay trên địa bàn đạt 450 triệu USD, bằng 45,3% so với kế hoạch, thu hút 1 tỷ USD của năm 2013.
Doosun Industries đầu tư 14 triệu USD vào Thái Nguyên

UBND tỉnh Thái Nguyên vừa trao chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Doosun Việt Nam (100% vốn Hàn Quốc) để xây dựng Nhà máy sản xuất, in ấn bao bì công nghệ cao tại Cụm công nghiệp Nguyên Gon (thị xã Sông Công).
Dự án có tổng vốn đầu tư 14 triệu USD, dự kiến được xây dựng trên diện tích 1,5 ha. Theo kế hoạch, tháng 6/2013, Nhà máy sẽ được khởi công xây dựng, để đến tháng 9, hoàn thành việc xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị và tháng 10/2013, sẽ chính thức đi vào hoạt động. Công suất dự kiến của Dự án là 10.000 tấn sản phẩm/năm.
Cấm doanh nghiệp FDI trực tiếp mua nông sản

Bộ Công Thương vừa ban hành Thông tư 08/2013/TT-BCT quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI. Trong đó, khoản 4 của điều 3 quy định “Doanh nghiệp FDI đã được cấp phép quyền xuất khẩu chỉ được trực tiếp mua hàng hóa của thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc có quyền nhập khẩu, quyền phân phối hàng hóa đó để xuất khẩu; không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm việc mở địa điểm để mua gom hàng hóa xuất khẩu, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác”. 
Lixil muốn đổ thêm vốn vào Việt Nam

Tập đoàn Lixil (Nhật Bản) muốn mở rộng Nhà máy Sản xuất thiết bị vệ sinh American Standard Việt Nam ở Bình Dương. 
 
Chủ tịch Tập đoàn Lixil (Nhật Bản) Toshimasa Iue vừa đến Bình Dương để tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư vào tỉnh này.
Hiện tại, ở Bình Dương, Lixil có nhà máy sản xuất thiết bị vệ sinh American Standard. Nhà máy này, với tổng vốn đầu tư ban đầu 16,5 triệu USD, đã đi vào hoạt động từ năm 1997, công suất 400.000 sản phẩm/năm.
American Standard là một thương hiệu của Lixil tại Việt Nam. Ngoài thương hiệu này, Lixil – một trong những tập đoàn hàng đầu của Nhật Bản, chuyên sản xuất – kinh doanh các thiết bị vệ sinh, phòng tắm, bếp, cửa nhôm kính, vật liệu trang trí nội ngoại thất, còn sở hữu thương hiệu Inax ở Việt Nam.
Trước đây, Lixil có tên Inax, song sau đó, đã được đổi tên. Cuối tháng 11 năm ngoái, Lixil đã khởi công xây dựng nhà máy chuyên sản xuất vật liệu xây dựng với các sản phẩm khung cửa, cửa sổ, cửa ra vào, mái che… bằng nhôm và bằng nhựa, vốn đăng ký 441 triệu USD, ở KCN Long Đức (Đồng Nai). Hiện Lixil đã có 11 nhà máy tại Việt Nam.
Nokia Việt Nam sắp đi vào hoạt động

Nokia đang muốn tuyển dụng 700 lao động, chuẩn bị cho sự hoạt động của Nhà máy Sản xuất điện thoại di động, 302 triệu USD ở Bắc Ninh. Thông tin vừa được đăng tải trên website của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh cho biết, Công ty TNHH Nokia Việt Nam đang muốn tuyển 600 công nhân chuyên lắp ráp linh kiện điện tử và cơ khí, đóng gói hàng xuất khẩu; và 100 kỹ thuật viên bảo dưỡng.
Đây là động thái cho thấy, nhà máy sản xuất điện thoại di động của Nokia tại Bắc Ninh sắp đi vào hoạt động. Trên các trang mạng, nhất là trên facebook của Nokia, thời gian gần đây đã bắt đầu xuất hiện hình ảnh nhà máy của Nokia tại Việt Nam.
Nokia chính thức khởi công nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Khu công nghiệp – đô thị VSIP Bắc Ninh vào tháng 4 năm ngoái, với tổng vốn đăng ký 302 triệu USD. Theo kế hoạch, nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm nay.
Khi đi vào hoạt động, phần lớn sản phẩm của nhà máy Nokia Bắc Ninh sẽ được xuất khẩu, với tỷ trọng tăng dần (dự kiến, tăng từ mức 80% của năm đầu tiên đi vào hoạt động lên 92% trong năm kế tiếp và lên tới 95% một năm sau đó, khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định). Công suất của nhà máy khi đó có thể đạt 45 triệu sản phẩm/quý, giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 nhân công.
Nhiều thương vụ M&A xi măng 

Trong thời điểm tiêu thụ xi măng chưa có dấu hiệu khả quan, lại xuất hiện dày hơn các thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) trong ngành xi măng. Đó là các thương vụ Tập đoàn Vissai mua lại Nhà máy Xi măng Đồng Bành (Lạng Sơn) từ Tổng công ty Cơ khí xây dựng (Coma) với giá 171 tỷ đồng; Tập đoàn Xi măng Semen Gresik Indonesia mua lại Xi măng Thăng Long với giá 4.800 tỷ đồng; Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) mua 2 dự án tại miền Trung là Xi măng Áng Sơn 2 và 76% cổ phần của Xi măng miền Trung trong đầu năm 2013…

Mai Thanh 

Related posts

JICA: 1,8 tỷ USD cho đường sắt Bắc Nam

IA Vietnam
17 Tháng mười hai, 2013

Thận trọng với luồng FDI từ Trung Quốc đang đổ vào Việt Nam

IA Vietnam
15 Tháng tư, 2016

FDI vào Việt Nam vượt 19 tỷ USD

IA Vietnam
28 Tháng mười một, 2013
Exit mobile version