IA Vietnam
Hoạt động trong & ngoài nước

Thêm 6,034 tỷ USD vốn FDI vào Việt Nam

Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, kết thúc quý I/2013, Việt Nam thu hút thêm 6,034 tỷ USD vốn FDI, tăng 63,6% so với cùng kỳ. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 2,927 tỷ USD và vốn tăng thêm là 3,1 tỷ USD.
Không chỉ tăng mạnh về vốn đăng ký, kết thúc quý I, các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã giải ngân được 2,7 tỷ USD vốn FDI, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2012.


Bình Dương thu hút 579 triệu USD FDI
Trong quý I/2013, các nhà đầu tư đã đầu tư vào 15 ngành, lĩnh vực. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nhiều nhất với 84 dự án đăng ký mới, tổng vốn cấp mới và tăng thêm đạt 5,439 tỷ USD, chiếm 91,8% tổng vốn đầu tư trong quý I. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm đạt 249,84 triệu USD, chiếm 4,1% tổng vốn đầu tư; thứ 3 là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm là 85,2 triệu USD.
Có thể kể ra một số dự án lớn được cấp phép trong quý I năm 2013: Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) điều chỉnh tăng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD; Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD; Khu phức hợp VSIP Bình Hòa – Bình Dương với tổng vốn đầu tư 199,6 triệu USD; Công ty TNHH Terumo BCT Việt Nam tại Đồng Nai của nhà đầu tư Terumo Corporation – Nhật Bản với tổng đầu tư 98 triệu USD; Bệnh viện Shink Mark của nhà đầu tư Radiant City (Samoa) và Shink Mark (Đài Loan) tại Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 80 triệu USD…
Báo cáo khảo sát mới nhất của Công ty tư vấn dịch vụ bất động sản CBRE Việt Nam cho thấy: “Năm 2013, Việt Nam tiếp tục là thỏi nam châm hút các dự án FDI trong ngành công nghệ cao, điện tử, nghiên cứu và phát triển”.
Cuối năm 2012 và đầu năm 2013, CBRE Việt Nam đã hỗ trợ Tập đoàn Panasonic thành lập dự án Eco-Solution Factory ở Bình Dương với tổng vốn đầu tư khoảng 38 triệu USD. Sau thành công của nhà máy sản xuất linh kiện ở phía Bắc, Panasonic đã quyết định mở rộng đầu tư ở phía Nam. Đây là nhà máy thứ 5 của Panasonic được đầu tư theo mô hình thân thiện với môi trường. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vàohoạt động vào cuối năm 2014.
Năm qua, CBRE Việt Nam cũng đã tư vấn và hỗ trợ LG Electronics (LGE) trong việc lựa chọn vị trí thích hợp để đầu tư nhà máy cũng như những quan ngại của LGE về lao động và ưu đãi thuế. LGE dự định đầu tư khoảng 300 triệu USD cho nhà máy sản xuất ở Hải Phòng.
Tuy nhiên, CBRE Việt Nam đã đưa ra cảnh báo rằng, năm nay xu hướng hút các dự án FDI vốn lớn vào Việt Nam sẽ giảm do tình hình bất động sản tiếp tục đóng băng, nợ xấu tăng cao, tái cấu trúc ngân hàng kéo dài. Theo thống kê của Bộ Kế Hoạch và Đầu Tư, vốn FDI vào Việt Nam năm 2012 đã giảm 15% so với 2011.
Dự báo, năm nay vốn FDI vào Việt Nam sẽ tập trung vào một số lĩnh vực như điện tử, thực phẩm, may mặc…và được phân bổ tại những khu vực có chi phí lao động và giá thuê đất thấp như Long An, Cần Thơ, Tiền Giang, Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên

Bình Dương thu hút 579 triệu USD FDI

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cho biết, từ đầu năm đến nay, Bình Dương đã thu hút hơn 579 triệu USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (bao gồm 36 dự án đầu tư mới và 35 dự án điều chỉnh tăng vốn).

Đáng chú ý là các dự án Khu phức hợp VSIP Bình Hoà – Bình Dương đầu tư mới với vốn đầu tư hơn 199 triệu USD; công ty TNHH Panasonic Eco Solutions Việt Nam do Nhật Bản đầu tư mới tại khu công nghiệp VSIP với vốn đầu tư 38 triệu USD; Công ty TNHH URC (khu công nghiệp VSIP I) tăng vốn 50 triệu USD, công ty TNHH sân Golf Palm – Sông Bé tăng vốn hơn 28 triệu USD, công ty TNHH Bia Anheuser Busch Inbew Việt Nam tăng vốn 15 triệu USD…
Ngày 25-3, UBND tỉnh Bình Dương cũng trao giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Công ty TNHH Maruzen Foods Việt Nam, do Maruzen Foods Corporation đầu tư, có tổng vốn đăng ký hơn 100 triệu USD (tương đương 10 tỉ yên).
Nhà máy của Maruzen Foods Việt Nam sẽ đặt tại khu công nghiệp Mỹ Phước 3, huyện Bến Cát trên diện tích hơn 129.000m2, sẽ đi vào sản xuất thử từ đầu năm 2014 và sản xuất chính thức từ tháng 4-2014.
Nhà máy này sản xuất, gia công nguyên liệu trong ngành thực phẩm, nước uống; sản xuất và gia công nước hoa quả đóng chai, đóng hộp, và các loại nước giải khát khác.
Theo giấy phép đầu tư, nhà máy sản xuất nguyên liệu cho thức uống (nước ép, trà, cà phê…) 150 tấn/năm; thức uống đóng chai (trà, cà phê, nước uống, nước ép trái cây) 2,5 triệu thùng/năm; thực phẩm (cháo đặc đóng hộp, nước sốt cà chua và nấm chế biến sẵn) 100 tấn/năm.

SHTP thu hút nhiều dự án công nghệ cao

Ngày 20/3/2013, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM (SHTP) tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án Viện công nghệ cao HUTECH thuộc Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM (HUTECH). Viện công nghệ cao HUTECH sẽ được xây dựng tại Lô E2b.1-2-3, Đường D1 thuộc Khu Không gian khoa học của SHTP với tổng diện tích 42.600m2 và diện tích xây dựng (dự kiến) là 120.300 m2, tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng hoàn toàn bằng nguồn vốn của HUTECH, triển khai làm ba giai đoạn, thực hiện trong 05 năm theo hình thức cuốn chiếu.

Viện Công nghệ cao HUTECH được thành lập với mục tiêu: (1) Nghiên cứu và triển khai ứng dụng CNC trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và trong tương lai hướng đến công nghệ năng lượng mới, năng lượng tái tạo; (2) Sản xuất thử nghiệm các sản phẩm là kết quả nghiên cứu; (3) Tư vấn chuyển giao kết quả nghiên cứu, thông tin khoa học và công nghệ, huấn luyện, bồi dưỡng chuyên môn các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa; (4) Hợp tác nghiên cứu và chuyển giao công nghệ với các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Ngày 29/3, UBND TP.HCM cũng trao Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án “Nhà máy sản xuất và Trung tâm nghiên cứu dươc phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng” của Công ty TNHH MTV Sanofi Việt Nam tại SHTP với tổng vốn đầu tư 75 triệu USD.
Công ty TNHH MTV Sanofi Việt Nam trực thuộc Tập đoàn dược phẩm Sanofi Aventis (Pháp) sẽ đầu tư xây dựng một Trung tâm R&D duy nhất của Tập đoàn ở Đông Nam Á tại Khu công nghệ cao TP.HCM để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm dược phẩm, mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thực phẩm chức năng chất lượng cao, mới cho thị trường nội địa và khu vực châu Á.
Dự án cũng bao gồm xây dựng một nhà máy sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thực phẩm chức năng chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu chữa trị của bệnh nhân trong nước và xuất khẩu đến các nước châu Á.

Mai Thanh

Related posts

Xác định lại tương lai của ngành sản xuất và công nghiệp điện với cảm biến nhà máy thông minh và thiết bị đo đạc hiện trường

IA VIETNAM
17 Tháng chín, 2023

Toàn quốc khởi động cuộc thi robocon 2009 (ROBOT)

IA Vietnam
3 Tháng tám, 2011

Khắc phục yếu kém, tạo môi trường thuận lợi nhất để thu hút đầu tư

IA Vietnam
28 Tháng ba, 2013
Exit mobile version