Nhận bản tin Online
Bài viết mới
29 Th9 2023

Blog Tự Động Hóa

Sau NĐ115, nhiều tổ chức KH-CN sống “khỏe”
Đời sống & kinh tế

Sau NĐ115, nhiều tổ chức KH-CN sống “khỏe” 

Sau khi chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115, nhiều viện, trung tâm nghiên cứu đã có nhiều ứng dụng phục vụ sản xuất, tăng doanh thu. Nhưng không phải là tất cả…

Máy cắt do Viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ KH-CN) nghiên cứu ứng dụng trong công nghiệp. (Ảnh tư liệu)

 

Trong lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật hạt nhân

Sau 4 năm triển khai thực hiện NĐ 115, Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (Viện Năng lượng nguyên tử VN) đã có nhiều công trình khoa học được ứng dụng vào thực tế.

Ông Nguyễn Hữu Quang – Giám đốc Trung tâm này cho biết: Chính sách (NĐ115) mang tính chất đổi mới quan trọng, tạo sự chuyển biến trong cơ chế quản lý các đơn vị nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ. Năng lực nghiên cứu triển khai được gắn liền với đời sống, quyền tác giả được Nhà nước công nhận và bảo hộ khi đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.

Nghị định 115 ra đời, Trung tâm được trao hàng loạt quyền: ký hợp đồng thực hiện các dịch vụ khoa học kỹ thuật, tự chủ mời chuyên gia các nước vào Việt Nam, quyết định nguồn vốn, tạo ra những quy chế khen thưởng, tuyển dụng nhân sự, tạo điều kiện để các đơn vị trực thuộc và cá nhân phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, tự chủ trong công việc.

Nhờ đó, nhiều đề tài của Trung tâm đã thực sự đi vào đời sống: Thiết lập mới 2 dây chuyền công nghệ (nuôi cấy mô và vườn thực nghiệm theo tiêu chuẩn rau sạch GAP), thực hiện Dự án Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân công nghệ cao, với Tổ hợp bức xạ tạo giống bằng Vườn Gamma và Buồng Gamma. Đồng thời mở ra 3 hướng nghiên cứu mới (Địa chất hạt nhân, Phát triển kỹ thuật hình ảnh trong công nghiệp, Công nghệ tạo giống bằng đột biến phóng xạ).

Ngoài ra, Trung tâm còn đẩy mạnh hoạt động sang thị trường quốc tế, mở thêm các dịch vụ mới như phân tích, tư vấn tiêu chuẩn rau sạch GAP, nông hoá thổ nhưỡng…

Kết quả, thu nhập của cán bộ viên chức và người lao động tăng từ 15 đến 30% so với trước đây.

Chuyển mình và trăn trở trong Bộ Công thương

Một loại máy cắt tôn của IMI. (Ảnh do Viện cung cấp)

      Trong Bộ Công thương cũng xuất hiện những tổ chức KHCN sống khỏe nhờ NĐ 115.

      Hiện bộ này đang quản lý 24 viện nghiên cứu, tập đoàn và 2 viện nghiên cứu về chiến lược. Được đầu tư xây dựng 3 phòng thí nghiệm trọng điểm, đặt tại Viện Nghiên cứu Cơ khí, Viện Hoá học Công nghiệp và Viện Năng lượng, đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế tạo ra những kết quả nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao và giá trị thực tiễn.

      Trong tổng số các cán bộ nghiên cứu, Bộ Công thương có tỉ lệ tiến sĩ chiếm 3,2%; thạc sĩ 7%; kỹ sư, cử nhân 45,8%.  

      Các tổ chức KH&CN nói trên đã đẩy mạnh sản xuất thử – thử nghiệm các sản phẩm mới do kết quả nghiên cứu tạo ra, chuyển giao công nghệ, tư vấn dịch vụ khoa học kỹ thuật cho các ngành công nghiệp. Ngoài ra, đã nghiên cứu nhiều đề tài phục vụ hoạch định chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển các ngành công nghiệp và thương mại.

      Tuy vậy, các đơn vị này cũng cho biết, trong quá trình thực hiện Nghị định vẫn còn gặp phải những trở ngại và thách thức như: lực lượng chuyên gia giỏi, đầu ngành đều đã nhiều tuổi hoặc sắp nghỉ hưu, lực lượng kế cận còn mỏng, thiếu kinh nghiệm, non về chuyên môn, ngoại ngữ, công tác quản lý và tổ chức nghiên cứu.

      Do thu nhập chưa được cải thiện nên có hiện tượng các cán bộ có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ tốt chuyển sang làm việc cho khu vực tư nhân hoặc đầu tư nước ngoài.

      Mặt khác, các doanh nghiệp chưa thực sự nhìn nhận các tổ chức KHCN là chỗ dựa, là đơn vị tư vấn chuyên môn thật sự. Ngược lại, các tổ chức KHCN chưa xác định doanh nghiệp là “khách hàng” quan trọng nhất mà lại hướng đến việc nhận các nhiệm vụ, đề tài, đơn đặt hàng của Nhà nước. Sự chuyển đổi về cơ chế quản lý còn thiếu đồng bộ làm chậm quá trình triển khai thực hiện và hạn chế hiệu quả Nghị định 115.

Mai Hà

Related posts

Trả lời

Required fields are marked *