Báo cáo tổng hợp về hoạt động Mua bán và Sáp nhập (M&A) tại Việt Nam giai đoạn 2015 – 2016 do nhóm nghiên cứu của Diễn dàn M&A Việt Nam (MAF) thường niên lần thứ 8 với chủ đề: “M&A trong không gian kinh tế mở” đưa ra dự báo năm 2016 quy mô M&A tại Việt Nam có thể đạt mức 600 thương vụ với tổng giá trị 6 tỷ USD, phá kỷ lục 5,2 tỷ USD của năm 2015.
Thái Lan, Nhật Bản, Singapore là người mua chủ yếu
Xét về số lượng thương vụ, các thương vụ giữa các doanh nghiệp nội chiếm đa số với trên 60%. Tuy nhiên, giá trị các thương vụ này chủ yếu ở quy mô nhỏ và vừa quanh mức 5 triệu USD. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng với các thương vụ quy mô lớn từ 30 đến trên 100 triệu USD. Đáng chú ý, đã xuất hiện những thương vụ chuyển nhượng những công ty hoặc hệ thống có tài sản lớn, quy mô trên 1 tỷ USD tại thị trường Việt Nam.
Thái Lan, Nhật Bản, Singapore vẫn là những người mua chủ yếu tại thị trường Việt Nam. Trong khi Nhật Bản tham gia đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm, thì Singapore nổi lên với những thương vụ bất động sản thương mại và Thái Lan tiếp tục tập trung vào mảng bán lẻ với mục tiêu mở rộng thị trường.
Trong ngành bán lẻ, thương vụ đáng chú ý nhất đó là Central Group mua lại BigC Việt Nam với giá 1,140 tỷ USD với tham vọng chi phối ngành bán lẻ Việt. Cũng trong ngành bán lẻ, thương vụ Vingroup mua lại hệ thống siêu thị Maximark tuy không được tiết lộ giá trị, nhưng theo giới chuyên môn, đây cũng là một thương vụ có giá trị lớn. Bên cạnh đó, thương vụ tỷ đô khác là Singha trở thành đối tác chiến lược của Masan với giá trị 1,1 tỷ USD thông qua việc nắm giữ 25% cổ phần của Masan Consumer Holding và 33% cổ phần Masan Brewery.
Ngành sản xuất hàng tiêu dùng
Hoạt động M&A doanh nghiệp trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của hoạt động M&A tại Việt Nam trong thời gian tới. Với một thị trường trên 93 triệu dân với dân số trẻ, các thương vụ trong lĩnh vực này rất được quan tâm. Các thương vụ có thể bao gồm chuyển nhượng các công ty sở hữu những thương hiệu địa phương lâu đời hoặc mới nổi, kèm theo đó là một thị phần đối với một số chủng loại hàng hóa.
Ngoài tiếp cận thị trường Việt nam, một tầm nhìn mới cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư được xác định, đó chính là tầm nhìn khu vực trong một không gian mở. Khi đầu tư hoặc M&A vào một quốc gia ASEAN, nhà đầu tư đang tiếp cận không phải chỉ một thị trường đơn lẻ, mà là một thị trường rộng lớn hơn với 600 triệu dân với lao động trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng mạnh.
Những doanh nghiệp có tiếng trong nước như Sabeco, Habeco, Vinamilk, Tân Hiệp Phát… vẫn có chỗ trống cho các nhà đầu tư nước ngoài và sẽ trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các tập đoàn lớn từ châu Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Nông nghiệp
Trong vòng vài năm qua có làn sóng những nhà đầu tư lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp và sau giai đoạn đầu tư, sẽ có sự phân hóa giữa các doanh nghiệp trong ngành. Vì vậy, các thương vụ phát hành riêng lẻ cho đối tác trong lĩnh vực nông nghiệp và chuyển nhượng giữa các nhà đầu tư sẽ xuất hiện.
Ngoài ra, sẽ có sự phát triển trong chuỗi giá trị, các doanh nghiệp không chỉ đầu tư vào mảng trồng trọt hoặc chăn nuôi mà sẽ cả lĩnh vực chế biến và phân phối, bao gồm cả bán lẻ các sản phẩm nông nghiệp hướng đến thị trường Việt Nam và các nước trong khu vực.
Ngân hàng và dịch vụ tài chính
Trong năm 2016, có thể sẽ chưa xuất hiện thêm các thương vụ M&A lớn trong ngành, tuy nhiên M&A trong ngành ngân hàng dự báo sẽ vẫn sôi động trong trung hạn do nằm trong lộ trình tái cấu trúc ngành ngân hàng Việt Nam. Dự báo số lượng các ngân hàng thương mại sẽ được giảm về 13-15 vào năm 2017.
Phân tích từ khía cạnh nhu cầu đầu tư của các tập đoàn tài chính nước ngoài, nhu cầu để mua lại một ngân hàng ở Việt Nam là không thể phủ nhận…. Các định chế này đều có định hướng chiến lược không chỉ khai thác hoạt động tín dụng doanh nghiệp, mà còn nhắm đến tín dụng cá nhân, tài chính tiêu dùng, hoạt động thẻ…, vốn còn nhiều tiềm năng đối với Việt Nam.
Nhà đầu tư nước ngoài sẽ còn cơ hội, như BIDV vẫn còn room cho nhà đầu tư chiến lược. Hoặc các công ty tài chính, hoặc bảo hiểm của các ngân hàng cũng sẽ cần tìm đối tác để phát triển nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường.
Bất động sản
Trong năm 2016 và những năm tới, thị trường bất động sản Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các hoạt động M&A. Sự tăng trưởng nóng của bất động sản trong vài năm qua dẫn đến sự khan hiếm các vị trí đẹp tại các khu vực trung tâm, đặc biệt là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và cả những khu vực đang được đẩy mạnh du lịch như Phú Quốc, Nha Trang…, nên các thương vụ chuyển nhượng sẽ tiếp tục diễn ra và người mua là những nhà đầu tư có tiềm lực và thực sự quyết tâm.
Các lĩnh vực được dự đoán sẽ có nhiều hoạt động M&A trong năm nay bao gồm thị trường nhà ở, thị trường khách sạn/du lịch, thị trường bán lẻ và thị trường khu công nghiệp, logistics.
Cơ sở hạ tầng – năng lượng
Việt Nam đang có chủ trương huy động vốn từ khu vực tư nhân để đầu tư cơ sở hạ tầng. Và một trong những cách huy động vốn đang được nghiên cứu là chuyển nhượng quyền khai thác một số cơ sở hạ tầng, đặc biệt là sân bay, cảng biển…
Với quan điểm bán một phần cơ sở hạ tầng để lấy nguồn vốn đó xây dựng cơ sở hạ tầng khác, đồng thời thiết lập một thị trường cạnh tranh về cung cấp dịch vụ, mà cụ thể ở đây là cung cấp dịch vụ sân bay, cảng biển…, với một giả định là một khi phát triển thị trường cạnh tranh, thì nhiều nhà cung cấp sẽ cùng cung cấp dịch vụ.
Chủ trương này nếu được thực hiện sẽ tạo cơ hội cho các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước tham gia. Với đặc điểm ngành hạ tầng, năng lượng, thì các thương vụ quy mô hàng trăm triệu USD, thậm chí hàng tỷ USD có thể sẽ xuất hiện và tạo động lực lớn cho thị trường M&A tại Việt Nam.
Công nghiệp – vật liệu
Ngành công nghiệp – vật liệu trong thời gian tới có thể sẽ xuất hiện những thương vụ mới. Cơ hội bắt đầu mở ra cho các nhà đầu tư khi một số tổng công ty lớn sẽ tiến hành cổ phần hóa. Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) là một trường hợp khi có thông tin tổng công ty này sẽ cổ phần hóa vào quý IV/2016, với tỷ lệ sở hữu nhà nước có thể chỉ còn 51%. Các nhà đầu tư ASEAN có thể sẽ quan tâm đến việc sở hữu các công ty sản xuất vật liệu tại Việt Nam để cung cấp hàng hóa cho khu vực, như trường hợp SCG Thái Lan hoặc Simen Grasik (Indonesia) đã từng có những thương vụ trong thời gian qua.
Ngành viễn thông
Tại Việt Nam, những cơ hội trong ngành viễn thông được kỳ vọng là Viettel tiếp tục vai trò là người đi mua và phát triển thị trường viễn thông tại các quốc gia trên thế giới, chủ trương tái cấu trúc VNPT và đặc biệt là cổ phần hóa MobiFone. Theo khảo sát của MAF, MobiFone là cái tên được các nhà đầu tư đánh giá là hấp dẫn nhất và có thể thu hút một lượng vốn đáng kể khi cổ phần hóa và chọn đối tác chiến lược.
Quang Duy