Nghị định 115 là “khoán 10” trong khoa học. Đây là xu thế không thể đảo ngược khi hội nhập quốc tế.
Ngày 29/5, Bộ KHCN đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình thực hiện Nghị định 115 của Chính phủ quy định “Cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập” và Nghị định 80 của Chính phủ về “Doanh nghiệp KH&CN.
Trả lời câu hỏi vì vì sao tiến độ thực hiện NĐ 115 còn chậm và chưa thực sự đạt được kết quả như mong đợi, TS Nguyễn Quân- Thứ trưởng Bộ KHCN đã có một số trao đổi ngay sau khi kết thúc hội nghị xung quanh vấn đề này.
– Bộ Khoa học và Công nghệ vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết tình hình thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP, xin ông cho biết đôi nét về kết quả của Hội nghị ?

– TS Nguyễn Quân: Có thể nói tình hình triển khai thực hiện Nghị định 115, Nghị định 80 của các Bộ, ngành và địa phương đã đạt một số kết quả bước đầu khả quan. Tính đến tháng 5 năm 2009, trong tổng số 546 tổ chức KH&CN công lập của cả nước, có 242 tổ chức KH&CN đã có Đề án chuyển đổi được phê duyệt và 97 tổ chức đã hoàn thành Đề án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt (gần 70%). Còn lại 192 tổ chức KH&CN đang xây dựng và hoàn thiện Đề án chuyển đổi (đa số là các đơn vị nghiên cứu cơ bản và khoa học xã hội nhân văn), 12 tổ chức KH&CN được quyết định thực hiện tự chủ theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP và có 3 tổ chức KH&CN được Thủ tướng Chính phủ cho phép thí điểm chuyển thành doanh nghiệp KH&CN. Cũng trong hơn 3 năm qua, đã có trên 200 tổ chức KH&CN mới được thành lập và hoạt động ngay theo cơ chế tự chủ.
Các tổ chức KH&CN đã chuyển đổi và áp dụng cơ chế tự chủ của Nghị định 115 đều cho thấy kết quả tích cực. Ví dụ Trung tâm kỹ thuật Tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, Trung tâm ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ), Trung tâm nghiên cứu giống gia cầm Thụy phương (Bộ NN&PTNT), Trung tâm tiết kiệm năng lượng (Tp Hồ Chí Minh), Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN (tỉnh Hậu Giang), Viện Nghiên cứu da giầy, Viện Hóa học công nghiệp, Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công thương), Viện KH&CN giao thông vận tải, Viện Vật liệu và linh kiện điện tử (Viện KH&CN Việt Nam)…
Các báo cáo, tham luận từ 5 đầu cầu trực tuyến đều đánh giá cao tính đột phá của Nghị định 115 và Nghị định 80 trong đổi mới cơ chế và thực sự đem lại sự khởi sắc trong hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập. Các báo cáo, tham luận cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc, chủ yếu là do chưa được sự quan tâm đầu tư phát triển, một số quy định của Nghị định 115 và các văn bản hướng dẫn khó thực hiện như cơ chế tài chính, chính sách miễn giảm thuế, vay vốn và sử dụng tài sản nhà nước, sử dụng đất đai …
Tôi cho rằng Hội nghị trực tuyến lần này thực sự là diễn đàn của các cơ quan quản lý và các tổ chức KH&CN trong cả nước trao đổi về giải pháp đổi mới tổ chức và hoạt động của các tổ chức KH&CN, đặc biệt thể hiện được ý chí và nguyện vọng thực hiện quyền tự chủ theo cơ chế doanh nghiệp của các nhà khoa học.
– Được coi là “khoán 10” trong lĩnh vực KH&CN, vì sao tiến độ thực hiện Nghị định 115 còn chậm và còn có nhiều ý kiến khác nhau trong cộng đồng khoa học ?
– TS Nguyễn Quân: Giao quyền tự chủ cho tổ chức KH&CN là giải pháp để giải phóng năng lực sáng tạo của các nhà khoa học và gắn kết tốt giữa nghiên cứu và sản xuất, đó là con đường tất yếu để đổi mới tổ chức và hoạt động KH&CN theo cơ chế doanh nghiệp. Vì thế nhiều người đã coi Nghị định 115 là “khoán 10” trong khoa học. Đây là xu thế không thể đảo ngược khi hội nhập quốc tế.
Nhưng sau nhiều năm hoạt động trong môi trường bao cấp, tư duy hành chính của các cấp quản lý và của chính các nhà khoa học không dễ gì thay đổi. Nhiều tổ chức KH&CN có tư tưởng ngại chuyển sang cơ chế tự chủ vì họ không muốn phải tự chịu trách nhiệm, ngoài ra vẫn còn tâm lý muốn ỷ lại cơ chế bao cấp của Nhà nước như trước đây. Đó là chưa kể việc đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực cho các tổ chức KH&CN nhiều năm qua chưa được quan tâm đúng mức nên nhiều đơn vị không có đủ tiềm lực hoạt động theo cơ chế tự chủ.
Một số người trong bộ máy quản lý còn hiểu rất sai hoặc hiểu không đầy đủ về Nghị định 115, ví dụ họ nghĩ rằng chuyển sang cơ chế tự chủ thì sẽ không được nhà nước cấp kinh phí nữa, nhà nước bắt các tổ chức khoa học phải chuyển thành doanh nghiệp và người làm khoa học phải đi làm kinh doanh để tự trang trải cuộc sống…
Họ không nhận thấy những quy định của Nghị định 115 thực sự tạo cơ chế để các tổ chức KH&CN phát triển tốt hơn : họ được lựa chọn phương thức chuyển đổi, được tự chủ mọi mặt về tổ chức, biên chế, tài chính, thậm chí được sản xuất kinh doanh và được cấp đăng ký kinh doanh, được miễn giảm thuế như doanh nghiệp. Các tổ chức KH&CN sau chuyển đổi vẫn là đơn vị sự nghiệp khoa học của nhà nước, cán bộ khoa học vẫn là viên chức sự nghiệp của nhà nước.
Nhà nước tiếp tục cấp kinh phí hoạt động thường xuyên lâu dài cho các tổ chức nghiên cứu cơ bản, chiến lược chính sách với mức không thấp hơn trước đây và lại cho hưởng phương thức khoán. Nhà nước không giới hạn mức thu nhập tối đa và tiền lương theo hợp đồng được tính vào chi phí hợp lý trước thuế…
Ngoài ra, việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn, thiếu sự chỉ đạo quyết liệt và thiếu sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, vướng mắc trong việc giải quyết chế độ dôi dư biên chế, giao tài sản và đất đai… cũng góp phần làm chậm tiến độ triển khai Nghị định 115.

– Để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định 115 và Nghị định 80, Bộ Khoa học và Công nghệ đã có giải pháp gì và kiến nghị gì với Chính phủ?
– TS Nguyễn Quân: Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115 và Nghị định 80 theo hướng: cho phép kéo dài thời gian chuẩn bị chuyển đổi đến hết năm 2011 đối với các tổ chức KH&CN ở trung ương, và đến hết năm 2013 đối vớicác tổ chức KH&CN ở địa phương;
Mở rộng đối tượng thuộc khoản 3 điều 4 Nghị định 115 đối với các tổ chức nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế – kỹ thuật chuyên ngành, thực hiện dịch vụ công ích phục vụ quản lý nhà nước; giao các bộ ngành xây dựng nội dung về tiền lương, tiền công và chi hoạt động bộ máy trong dự toán kinh phí nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức KH&CN và trong nhiệm vụ KH&CN các cấp;
Bổ sung đối tượng thực hiện Nghị định 80 cho các tổ chức KH&CN được thí điểm chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN 100% vốn nhà nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; bổ sung một số quy định liên quan đến giao đất và cho thuê đất đối với các tổ chức KH&CN có sản xuất kinh doanh hoặc chuyển đổi thành doanh nghiệp KH&CN, quy định về chính sách đối với cán bộ khoa học khi chuyển sang làm việc tại doanh nghiệp KH&CN.
Chúng tôi cũng sẽ kiện toàn tổ chức của Ban chỉ đạo liên Bộ triển khai thực hiện Nghị định 115 và Nghị định 80, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh việc tuyên truyền phổ biến nội dung các văn bản hướng dẫn và nêu gương các điển hình thực hiện tốt để các đơn vị khác có điều kiện học tập, sớm triển khai “Chương trình phát triển doanh nghiệp KH&CN và hỗ trợ các tổ chức KH&CN công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm”.
Chúng tôi kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân các địa phương bố trí đủ và sử dụng đúng mục đích nguồn kinh phí đầu tư phát triển KH&CN, giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng quy định bổ sung kinh phí chi thường xuyên vào dự toán kinh phí nhiệm vụ KH&CN các cấp cũng như nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức KH&CN…
-Xin cảm ơn ông.
Related posts
Bài viết mới
Các doanh nghiệp Mỹ muốn mở nhà máy chip bán dẫn ở Việt Nam
Cadence Design Systems và Intel, hai tập đoàn lớn của Mỹ và Đại học bang Arizona, cam kết giúp Việt…
Mô hình kiến trúc trình kiểm tra PROFINET được đơn giản hóa
Sự sẵn có của một hệ thống thử nghiệm linh hoạt cho các giao diện của hệ thống truyền thông…