Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Nhà nước về quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, trong số 15 dự án điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2012, hiện chỉ có Thủy điện Sơn La và Nhiệt điện Mạo Khê (máy 1) là đạt tiến độ yêu cầu. Các dự án còn lại đều bị chậm khoảng 3 tháng, thậm chí có những dự án chậm tiến độ 9 tháng như Dự án Nhiệt điện Vũng Áng I (máy 1), thủy điện Khe Bố, Nậm Chiến.
Kiểm soát điện năng.
Đối với 8 dự án có kế hoạch vận hành trong năm 2013, hiện đã xác định được Nhiệt điện Vũng Áng I (máy 2) và Nhiệt điện An Khánh I (máy 2) sẽ bị lùi tiến độ phát điện sang năm 2014.
Nguyên nhân chậm tiến độ chủ yếu do khó khăn về vốn, năng lực của nhà thầu hạn chế, hoặc bố trí chưa đáp ứng yêu cầu, cung cấp thiết bị chậm. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác, như chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng bãi thải xỉ và hành lang tuyến ống thải xỉ tại Dự án Nhiệt điện Vũng Áng I hay công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại các dự án Hủa Na, Đắk Đrinh còn rất lớn.
Không chỉ các dự án đang triển khai khó đảm bảo tiến độ, các dự án chuẩn bị đầu tư cũng đang đối mặt với thách thức khởi công không đúng kế hoạch. Theo thống kê của Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước, trong 6 dự án dự kiến khởi công năm 2012, có 1 dự án phải thay đổi kế hoạch sang quý I/2013 là Dự án Nhiệt điện Thăng Long (do Công ty cổ phần Nhiệt điện Thăng Long là chủ đầu tư); 5 dự án còn lại đang được nỗ lực để đảm bảo kế hoạch khởi công trong năm nay. Thế nhưng, chỉ còn gần 4 tháng nữa là hết năm, việc đáp ứng tiến độ đặt ra cũng đang là thách thức lớn với các chủ đầu tư.
Với 8 dự án điện lên kế hoạch khởi công vào năm 2013, thì có tới 3 dự án là Nhiệt điện Vân Phong I, Nhiệt điện Duyên Hải II và Nhiệt điện Nghi Sơn II chắc chắn không khởi công được như đã định.
Ông Xuyên cho hay, nhiều dự án điện được lên kế hoạch vận hành trong năm 2013 đều bị chậm so với dự tính. Đặc biệt, các dự án ở khu vực miền Nam đều bị chậm khoảng 1 năm so với tiến độ được quy định trong Tổng sơ đồ Điện 7. Đó là các dự án Nhiệt điện Duyên Hải I, Duyên Hải III, Long Phú I, Ô Môn I (máy 2) và Ô Môn III.
Báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo Nhà nước cũng cho hay, tại Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân II hay Thủy điện Thượng Kon Tum, nhà thầu đã không bố trí được nhân lực để đáp ứng tiến độ thi công. Trong khi đó, các dự án Long Phú I, Sông Hậu I, Duyên Hải III lại chưa ký được hợp đồng vay vốn. Ngoài ra, tại không ít dự án nhiệt điện than, việc xác định nguồn than nhập khẩu vẫn chưa rõ ràng, trong khi thời gian có và giá khí cho các dự án Ô Môn III, Ô Môn IV cũng chưa được khẳng định chính xác.
Bình luận về khả năng triển khai các dự án điện được đặt ra tại Tổng sơ đồ 7, ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho hay, nếu không có các chỉ đạo quyết liệt, thì mục tiêu mà Tổng sơ đồ 7 đặt ra là rất khó khả thi. “Nhu cầu vốn cho ngành điện từ nay tới năm 2020 để đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Tổng sơ đồ 7 ước tính khoảng 4,8 tỷ USD/năm, nhưng nhiều nhà đầu tư đang rất khó khăn về vốn. Các giải pháp tìm kiếm nguồn vốn đã được đề cập, nhưng công tác triển khai chưa rõ ràng. Thực tế này cũng đòi hỏi cơ quan hữu trách như Bộ Công thương phải có tính toán lại các chỉ số, thông số mục tiêu được đặt ra trong Tổng sơ đồ 7”, ông Ngãi nói.
Trên thực tế, hiện rất nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Sông Đà đang gặp khó khăn về vốn trong triển khai các dự án điện. Thậm chí, Tập đoàn Sông Đà mới đây đã xin trả lại Dự án Nhiệt điện Long Phú II được giao là chủ đầu tư từ năm 2010, bởi không có nguồn tài chính để triển khai dự án.
MT