IA Vietnam
Khoa học & công nghệ

Môi trường sạch kỳ vọng vào công nghệ xăng sinh học

Ngày nay, công nghiệp nặng phát triển ngày càng bền vững, nhu cầu sống được cải thiện nâng cao, phương tiện được trang bị đủ đầy hơn như xe hơi, xe gắn máy…chính vì những nhu cầu bức thiết này, đòi hỏi chúng ta ý thức hơn trong việc bảo vệ môi sinh, nhất là nguồn không khí sạch. IA VIETNAM có buổi trò chuyện cùng ông Lê Xuân Trình phó Tổng giám đốc – Tổng công ty Dầu Việt Nam, chúng ta hãy cùng ông chia sẻ và khuyên dùng về công nghệ nhiên liệu sinh học (Biofuel hay Agrofuel) là loại chất đốt tái tạo sản xuất từ nguyên liệu động thực vật gọi là sinh khối (biomass). Gọi là “tái tạo” (renewable) vì chất đốt cơ bản Carbon (C) nằm trong chu trình lục hoá (photosynthesis) ngắn hạn đốt nhiên liệu sinh học sa thải khí CO2, và xăng ethanol (E) và diesel sinh học tương ứng với xăng cổ sinh biến chế từ dầu mỏ là xăng (gasoline) và dầu diesel. Vậy để đảm bảo được môi trường sạch chúng ta cần thay đổi nhiên liệu cho phương tiện giao thông bằng xăng sạch hay còn gọi là xăng sinh học, loại xăng được chế biến từ sắn (khoai mì).


Ông Lê XuânTrình, Phó tổng giám đốc PV OIL VIETNAM – Ảnh: Mai Dung!

IA VIETNAM: Thưa ông, ông có thể cho bạn đọc biết về công nghệ chế biến xăng sinh học?
Ông Lê Xuân Trình: Trước hết, chúng ta cần hiểu được khái niệm về xăng sinh học. Xăng sinh học là một trong những loại nhiên liệu mới đối với Việt Nam. Lần đầu tiên bắt đầu từ tháng 8/2010 chúng tôi chính thức đưa ra thị trường tiêu thụ nhiên liệu xăng sinh học này. Về bản chất thì nhiên liệu sinh học được chế biến một phần từ cồn sinh học hay còn gọi là cồn khan Ethanol E100 (được chế biến từ nguồn nguyên liệu tái tạo có sẵn ở Việt Nam đó là sắn lát), một phần là từ xăng A92 bình thường. Nguyên liệu sắn lát sau khi đưa qua nhà máy chế biến để chế biến ra cồn khan E100 sẽ được pha với xăng A92 bình thường với hàm lượng tùy theo: Là 5% nếu ra xăng E5, còn nếu là xăng E10 thì hàm lượng là 10% và chất lượng vẫn được đảm bảo. Loại nhiên liệu mới này mới được lưu hành và được người tiêu dùng ủng hộ.

Về công nghệ chế biến thì hiện nay có rất nhiều nước đã xây dựng nhà máy chế biến nhiên liệu sinh học dạng này. Thực chất, công nghệ ở đây là công nghệ chế biến sắn lát, sản phẩm đầu ra là cồn mang tính chất chung như tôi vừa nói ở trên. Tuy nhiên, đối với các nhà máy sản xuất Ethanol thì công nghệ chế biến từ sắn lát ra cồn khan phải đảm bảo nồng độ cồn lên đến 99,8%. Công nghệ này cũng có xuất sứ từ nhiều nước khác nhau như: Trung quốc, Mỹ, Ấn Độ, Braxin hay châu Âu..nhưng mỗi công nghệ đều có tính ưu việt riêng, tùy ứng dụng và điều kiện cụ thể mà nhà đầu tư sẽ lựa chọn công nghệ của nhà máy cho phù hợp. Đến nay đã có một số công ty đã qua giai đoạn xây dựng nhà máy và cho ra sản phẩm, ví dụ như công ty Đồng Xanh, còn Petrovietnam chúng tôi đang xây dựng 3 nhà máy ở 3 vùng miền khác nhau Bắc, Trung và Nam bộ. Các chuyên gia cũng đã nghiên cứu kỹ để triển khai lựa chọn công nghệ tiên tiến của Mỹ hay Ấn Độ, có thể xử lý khép kín toàn bộ quy trình vận hành và xử lý chất thải đáp ứng được yêu cầu về vấn đề an toàn, môi trường.
Một điều lưu ý là bản thân cồn khan Ethanol không dùng riêng để vận hành động cơ mà người ta dùng để pha với xăng A92. Do tính chất của cồn khan là hút nước rất mạnh, nồng độ cồn lên tới 99,8%, nếu không đầu tư bồn chứa chuyên dụng hoặc có phương pháp cách ly với không khí và độ ẩm bên ngoài thì nó sẽ bị phân lớp trong quá trình tồn chứa, vận chuyển…Khi pha với xăng A92 nó được hòa tan và đảm bảo tốt cho vận hành động cơ.
IA VIETNAM: Nếu sản phẩm được bán rộng rãi ngoài thị trường nhà máy có đáp ứng đủ cung cầu không, và sự an toàn có đảm bảo không, thưa ông?
Ông Lê Xuân Trình: Nói về đáp ứng cung cầu thì tôi khẳng định là đủ, còn nói về sự an toàn thì bạn muốn nói về an toàn ở góc độ nào? Nếu là động cơ vận hành chạy nhiên liệu này thì tôi cũng khẳng định là tốt, tính kích nổ cũng tốt vì chỉ số octan của cồn cao, còn nếu bạn nói về an toàn cháy thì tôi nghĩ nó như nhau, nên chúng ta luôn luôn phải phòng chống cháy nổ theo quy định.
IA VIETNAM: Về thử nghiệm nhiên liệu này động cơ và máy móc có ảnh hưởng gì, liệu người tiêu dùng có cùng ý chí làm sạch môi trường không, thưa ông?
Ông Lê Xuân Trình: Thực ra, đây là nhiên liệu mới, cho nên khi đưa ra thị trường, công tác quảng cáo và tiếp thị cũng được chúng tôi triển khai ngay từ đầu. Ban đầu chúng tôi thử nghiệm 42 chiếc xe taxi và sử dụng cho động cơ cho xe máy. Từ ngày 1/8/2010 chúng tôi chính thức đưa ra thị trường bán đại trà xăng E5 này. Những ngày đầu khi đưa ra thị trường, người tiêu dùng chưa hiểu hết về lợi ích đem lại khi sử dụng nguồn nhiên liệu sạch này, vì bản thân khách hàng đã sử dụng nhiên liệu truyền thống theo thói quen từ lâu và đây cũng là khó khăn của chúng tôi. Về phía chúng tôi, để hấp dẫn khách hàng, chúng tôi đã giảm giá 500vnd/lít so với xăng thường cũng như tư vấn cho họ hiểu hơn về loại nhiên liệu này, và hôm nay chúng tôi đã thành công, mọi khách hàng khi sử dụng xăng E5 đã hài lòng vì động cơ xe của họ chạy rất êm, mà giá thành lại rẻ hơn nên họ rất đồng tình ủng hộ với loại xăng E5 này.
IA VIETNAM: Ông có nói nhiều về các ứng dụng, về sản phẩm sạch, nhưng cần được nhà nước bảo hộ khoanh vùng nguyên liệu, cũng như bảo trợ cho quá trình kinh doanh ban đầu là bù lỗ?
Ông Lê Xuân Trình: Phải nói rằng, trong điều kiện hiện nay, giá nhiên liệu xăng tăng cao trên toàn thế giới, còn trong nước thì đang thực hiện chính sách bình ổn của Chính phủ nên loại xăng này đưa ra là rất phù hợp với người tiêu dùng, nhất là thời điểm hiện tại. Nhưng đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu như Pv Oil ngoài việc phải thực hiện chính sách bình ổn thị trường còn phải tự bù khoản chênh lệch về giá như nêu trên là hết sức khó khăn. Đặc biệt, theo quyết định 177/QĐ-TTg ngày 20/11/2007 của Thủ tướng chính phủ về việc phê duyệt đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 và tầm nhìn đến 2025 thì chiến lược phát triển nhiên liệu sinh học là rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay nếu một doanh nghiệp đảm đương toàn bộ vấn đề này cho thị trường thì sẽ gặp rất khó khăn và không đủ sức. Chính vì vậy, Pv Oil đang đề nghị với Chính phủ có biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nhiên liệu sinh học bằng cách có cơ chế kinh doanh nhiên liệu phù hợp, cơ chế này phải khuyến khích người tiêu dùng sử dụng nhiên liệu sạch nhằm giảm lượng khí phát thải ra môi trường từ các động cơ. Trước mắt, cần có chính sách điều chỉnh thuế suất đối với các nhiên liệu khác gây ô nhiễm môi trường, đồng thời có chính sách miễn/giảm thuế cho các doanh nghiệp kinh doanh nhiên liệu xăng sinh học. Ngoài chính sách thuế, chính sách hỗ trợ kinh phí thì còn vấn đề liên quan đến quản lý chất lượng hoặc chống hàng gian, hàng giả cũng cần được quan tâm, bởi vì khi có sự hỗ trợ của nhà nước sẽ có vấn đề về chênh lệch giá hoặc chất lượng nhiên liệu lưu thông trên thị trường. Khi có sự hỗ trợ của Nhà nước đối với nhiên liệu sinh học trong khi chúng ta vẫn phải lưu hành cùng lúc song song nhiên liệu truyền thống và nhiên liệu sạch thì rất dễ xảy ra gian lận thương mại, cho nên tôi nghĩ cần phải có chính sách tăng cường về việc chống gian lận thương mại.
Một vấn đề nữa là việc sản xuất nhiên liệu sinh học cũng sẽ tiêu tốn một lượng nguyên liệu sắn rất lớn, nên việc quy hoạch các vùng nguyên liệu nhằm đáp ứng đủ nguyên liệu cho nhà máy sản xuất là hết sức cần thiết. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các nhà máy lớn có công suất 100.000 m³/năm của Petrovietnam, dự kiến cuối năm 2011 và đầu năm 2012 sẽ chính thức đi vào hoạt động. Vì vậy, Chính phủ cũng cần có quy hoạch vùng nguyên liệu đảm bảo đủ nguyên liệu cho việc vận hành hết công suất của các nhà máy và có chính sách ưu tiên sử dụng nguyên liệu sắn cho thị trường nội địa trước khi xuất khẩu. Thực tế hiện nay có những thời điểm các doanh nghiệp Trung quốc sang mua phá giá thị trường sắn lát, nhưng có thời điểm họ lại không mua nữa, làm cho người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ hoặc người chủ vựa đổ xô nhau bán khi giá cao, còn nếu giá thấp thì họ dìm giá hoặc không thu mua của nông dân… chính vì vậy, khi các nhà máy chế biến nhiên liệu sinh học đã đưa vào hoạt động thì cần phải có chính sách ưu tiên cho tiêu thụ nội địa trước khi xuất khẩu bằng cách điều chỉnh thuế xuất một cách hợp lý.

IA VIETNAM: Nếu phải hỗ trợ, thì nhà nước phải hỗ trợ bao lâu, thưa ông?
Ông Lê Xuân Trình: Tôi nghĩ là, khi thị trường đã chấp nhận sử dụng nhiên liệu sinh học thay cho nhiên liệu truyền thống và bản thân người tiêu dùng chúng ta ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trừơng thì lúc ấy nhà nước không cần phải hỗ trợ đối với nhiên liệu sinh học nữa mà để nó chạy theo cơ chế kinh doanh nhiên liệu truyền thống. Hiện nay, bản thân nhiên liệu truyền thống mà 100% là nhiên liệu hóa thạch nhà nước cũng đang phải kiểm soát chất lượng và giá cả để thực hiện chính sách bình ổn thị trường.

IA VIETNAM: Cuối cùng thì ông có lời khuyên nào tốt nhất cho người tiêu dùng?
Ông Lê Xuân Trình: Đối với người từng điều khiển xe gắn máy như tôi và tất cả người dân Việt Nam thì tôi cũng muốn gửi thông điệp rằng, các bạn hãy sử dụng nhiên liệu sạch đó là nhiên liệu xăng sinh học, vì nó có rất nhiều lợi ích như; làm cho động cơ chạy bốc hơn, giá thành rẻ hơn, và cái lớn nhất là đảm bảo môi sinh cho tương lai mai sau, cũng như cải tạo môi trừơng hiện nay, và nhất là góp phần tiết kiệm được ngoại tệ khi nhập khẩu xăng dầu. Đây cũng là vấn đề Chính phủ hết sức quan tâm đó là môi trường không khí sạch.

IA VIETNAM: Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện thật thú vị này!

Mai Dung thực hiện!

Related posts

Đầu tư điều khiển và tự động hóa cho sự phát triển khu vực miền Trung

IA Vietnam
6 Tháng hai, 2014

Taprogge Terrawater công nghệ xử lý nước mặn thành nước ngọt

IA Vietnam
10 Tháng mười hai, 2011

Bosch giới thiệu dòng camera an ninh Advantage Line cho các ứng dụng vừa và nhỏ

IA Vietnam
11 Tháng mười một, 2012
Exit mobile version