Trong khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dấu hiệu giảm sút rõ rệt trong năm 2012 thì các thương vụ mua bán – sát nhập (M&A) có yếu tố nước ngoài lại đều đặn xảy ra cho thấy một xu thế mới ngày càng hình thành rõ ràng tại Việt Nam.
Ảnh minh họa.
Theo ông Yukio Namiki, giám đốc Công ty Yoshikawa & Namiki Consulting Firm, một công ty chuyên về tư vấn đầu tư của Nhật khẳng định hình thức đầu tư thông qua M&A của các doanh nghiệp Nhật Bản hướng đến thị trường Việt Nam là một xu thế tất yếu.
“Trong giai đoạn hiện nay, xu hướng các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài là tất yếu. Hình thức đầu tư thông qua hoạt động M&A là một xu thế, trong đó thị trường hướng tới là Việt Nam,” ông Namiki cho biết.
Nhật Bản cũng là nước dẫn đầu trong số quốc gia có doanh nghiệp thực hiện M&A vào Việt Nam xét cả về giá trị và số lượng thương vụ tính đến năm 2011 với 19 thương vụ, tổng trị giá 596 triệu USD.
Cũng theo ông Namiki, các doanh nghiệp Nhật Bản coi thị trường Việt Nam là thị trường của tương lai, nên mặc dù sức hấp dẫn không bằng các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Indonesia nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến của các nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn. Hơn nữa, tính tương đồng về văn hoá cũng là lợi thế mà các doanh nghiệp Nhật Bản nhìn nhận trong hoạt động M&A ở Việt Nam.
Năm 2011 được coi là một năm bùng nổ các thương vụ M&A tại Việt Nam cả về số lượng và giá trị vừa khép lại với dư âm còn đậm đà của các thương vụ “khủng” thì năm 2012 đã tiếp nối với hàng loạt các thương vụ cũng không kém phần đình đám như Abbott (Mỹ) mua lại 3A, Lotte (Hàn Quốc) mua lại dự án trung tâm thương mại Hùng Vương ở Phan Thiết và muốn mua lại toàn bộ cổ phần trong liên doanh với Minh Vân… Ngoài ra, còn có các thương vụ trong các lĩnh vực khác và hàng loạt thương vụđang được tiến tới.
Những thương vụ đang hình thành
Mới đây nhất, công ty Berli Jucker (BJC) của Thái Lan cho biết đang dự định tiến hành mua lại một công ty thương mại Việt Nam trong quý 3 này.BJC chưa công bố tên của công ty Việt Nam, nhưng cho biết sẽ mua lại phần lớn cổ phần của công ty này từ pháp nhân đang nắm cổ phần chi phối.
Thương vụ này được BJC giải thích là nhằm đẩy mạnh hoạt phân phối các sản phẩm hàng tiêu dùng của BJC tại Việt Nam. Đầu năm 2012, liên doanh của BJC đã khánh thành nhà máy sản xuất chai thuỷ tinh mới trị giá 47 triệu USD tại Bà Rịa – Vũng Tàu.
Ngoài ra, PT Semen Gresik, một công ty sản xuất xi-măng của Indonesia đã tiết lộ việc đang xem xét mua lại một công ty xi-măng của Việt Nam.Thị trường xi-măng Việt Nam đang xảy ra tình trạng dư thừa năng suất và công ty này đang tính đến khả năng mua lại một công ty Việt Nam nếu đàm phán được một giá cả hợp lý, trang tin Dow Jones dẫn lời ông Soetjipto, CEO của PT Semen Gresik.
Cũng trong lĩnh vực xi-măng, tập đoàn Siam Cement của Thái Lan cũng cho biết dự định chi 10 tỉ Baht (khoảng 315 triệu USD) để mua lại một nhà máy xi-măng ở Việt Nam. Ông Kan Trakulhoon, chủ tịch HĐQT kiêm CEO của Siam Cement cho biết đã tiếp xúc với các đối tác muốn nhượng lại cổ phần trong các nhà máy xi măng ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam nhưng chưa tiết lộ tên cụ thể các đối tác.
Thương vụ được nhiều người biết đến nhất là việc Công ty TNHH Trung tâm thương mại (TTTM) Lotte Việt Nam đã trình văn bản lên Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM xin chuyển thành công ty 100% vốn nước ngoài thông qua việc mua lại 20% vốn điều lệ của Doanh nghiệp tư nhân Sản xuất Thương mại Minh Vân trị giá 13 triệu USD.
Hơn nữa, lĩnh vực phân phối tiếp tục là điểm nóng với tin đồn về một thượng vụ trị giá tỉ USD liên quan đến thương hiệu sản xuất thức uống lớn.
Nguồn: Báo cáo năm 2011 của Vinabico.
Đa dạng các lĩnh vực
Các thương vụ M&A trong lĩnh vực phân phối hàng tiêu dùng trong thời gian qua đã thu hút được nhiều mối quan tâm với các thương vụ như công ty sữa Abbott mua lại nhà phân phối 3A với giá cả chưa được ông bố, tập đoàn đa ngành Sojitz của Nhật Bản nâng sở hữu cổ phần trong đối tác Việt Nam là Công ty cổ phần thương mại – dịch vụ – sản xuất Hương Thủy từ 25,01% lên 51%, đồng thời hang thực phẩm đồng hương là Kokubu cũng mua 19% của Hương Thuỷ; Lotte trước đó cũng đã mua lại được dự án trung tâm thương mại Hùng Vương tại Phan Thiết từ công ty CP Năm Năm Bảy với giá 96 tỷ đồng và sẽ bỏ ra 30 triệu USD để đầu tư tiếp dự án này.
Ngoài ra các lĩnh vực khác như truyền thông, năng lượng, bao bì… cũng đã có những chuyển động với các thương vụ cụ thể trong năm 2012.
Công ty Manila Water, nhà cung cấp nước hàng đầu của Phillipin liên tiếp hoàn thành 2 thương vụ mua lại 10% cổ phần của công ty đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) với giá 15,9 triệu USD và mua 47,35% cổ phần của công ty cấp nước Kênh Đông. Giá trị của thương vụ mua lại Kênh Đông chưa được tiết lộ nhưng trước đó Ferdinand Dela Cruz, giám đốc kinh doanh của Manila Water East Zone cho biết Minila Water đầu tư 50 triệu USD vào Kênh Đông.
Công ty Edelman chuyên về lĩnh vực quan hệ công chúng của Mỹ vào tháng 2/2012 đã công bố sẽ thâm nhập vào thị trường Việt Nam, thông qua việc mua lại cổ phần của của một đối tác trong nước là Công ty Tiếp thị truyền thông AVC.
Ngoài ra, tập đoàn PHI của Mỹ cũng mua lại 51% cổ phần trong tổ hợp dự án năng lượng gió và mặt trời tại đảo Phú Quốc từ công ty cổ phần ứng dụng công nghệ Việt Nam – Hungary.
Đầu tư theo phương thức M&A sẽ giúp ngắn được thời gian, nhanh chóng giải ngân, giảm chi phí đầu tư ban đầu khoảng từ 20-25%. Ngoài ra, đầu tư theo phương thức M&A còn có nhiều lợi thế như doanh nghiệp đã có mô hình và hệ thống hoạt động cơ bản, khi tiếp nhận sẽ nhanh chóng đi vào hoạt động, ông Namiki cho biết.
Theo ý kiến của các chuyên gia tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2012 tổ chức tháng 6 vừa rồi, tốc độ tăng trưởng của các hoạt động M&A tại Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức 25-30% trong thời gian tới.
MT