Diện tích: 87 ha. Địa điểm: huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Chủ đầu tư: Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng Nam Quang. Thời hạn: đến năm 2052.
Phối cảnh Khu công nghiệp Phúc Điền
A./ Giới thiệu:
Khu công nghiệp Phúc Điền được thành lập theo Quyết định số 242/CP-CN ngày 05 tháng 05 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 1305/QĐ-UB ngày 08 tháng 05 năm 2003 (thành lập và phê duyệt dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật) của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương; Quyết định ưu đãi đầu tư số 3025/BKH-DN ngày 17 tháng 06 năm 2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
B./ Vị trí địa lý Khu công nghiệp:
Khu công nghiệp Phúc Điền nằm trên trục đường quốc lộ 5 nối liền Hà Nội – Hải Phòng nối liền các trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, sân bay Quốc tế Nội Bài, cửa khẩu Lạng Sơn và các cảng biển quốc tế, rất thuận tiện cho việc xuất nhập khẩu hàng hoá, cụ thể:
+ Cách sân bay quốc tế Nội Bài 60 km.
+ Cách trung tâm Hà Nội 40 km.
+ Cách cảng Hải Phòng 60 km.
+ Cách cảng Cái Lân – Quảng Ninh 75 km.
Bản đồ quy hoạch tổng thể KCN Phúc Điền
C./ Cơ sở hạ tầng kỹ thuật:
(a). Nguồn điện: Nguồn điện cấp cho Khu công nghiệp Phúc Điền được lấy từ đường dây 110 KV tới trạm biến áp tổng với công suất 110/35 KV. Từ trạm biến áp tổng, nguồn điện được cung cấp tới hàng rào nhà máy bằng dây cáp điện ngầm 35 KV.
(b). Nguồn nước: Nguồn nước cung cấp cho Khu công nghiệp được lấy từ Nhà máy nước Cẩm Giàng với công suất khoảng 4.400 m3/ngày đêm.
(c). Thoát nước: Hệ thống thoát nước thải (nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt) được xây dựng riêng biệt. Nước mưa được thu gom qua hệ thống cống và thoát ra các sông trong khu vực. Nước thải được thu gom về Nhà máy xử lý nước thải của Khu công nghiệp.
(d). Xử lý nước thải và chất thải rắn: Toàn bộ nước thải sản xuất và nước thải sinh hoạt được doanh nghiệp xử lý đạt tiêu chuẩn tối thiểu mức nước C trước khi xả ra hệ thống đường nước thải chung của KCN, sau đó KCN sẽ tiếp tục xử lý đạt tiêu chuẩn mức B trước khi xả ra sông Sặt với công suất 4.000 m3. ngày.
Chất thải rắn từ các nhà máy trong KCN sẽ được phân loại, thu gom và chuyển về bãi thải tập trung của TP Hải Dương.
(e). Thông tin liên lạc: Mạng viễn thông nội bộ từ tổng đài KCN nối với các nhà máy theo hệ thống cáp ngầm đảm bảo truyền thông tin tốc độ cao, không gián đoạn. Các dịch vụ khác như Internet, mail, báo chí… được mạng lưới dịch vụ bưu điện của tỉnh Hải Dương cung cấp.
(f). Hệ thống đường trục chính KCN rộng 30m và 23.25 m. Hệ thống đường phụ rộng 17.5 m. Hệ thống đường giao thông trong KCN được trải nhựa bê tông hoàn toàn và được chiếu sáng bằng đèn cao áp hiện đại.
Hệ thống đường giao thông KCN Phúc Điền
(g). Hệ thống phòng cháy chữa cháy:
Hệ thống phòng cháy chữa cháy đạt tiêu chuẩn quốc gia, các trụ cứu hoả được bố trí dọc theo trục đường KCN (khoảng 100-120m/1trụ) đảm bảo phục vụ phòng cháy, chữa cháy khi gặp sự cố.
(h). Hệ thống cây xanh:
Hệ thống cây xanh chiếm 10-12% diện tích toàn KCN, kết hợp giữa cây xanh tập trung và cây xanh dọc các tuyến đường tạo cảnh quan chung của KCN.
Hệ thống cây xanh KCN Phúc Điền
D./ Dịch vụ:
a. Hải quan: Mọi thủ tục hải quan được thực hiện tại cảng cạn (ICD) tại thành phố Hải Dương, cách KCN 3km.
b. Ngân hàng: Hệ thống chi nhánh các ngân hàng (Vietcombank, Maritime Bank, ACB, Agribank, Techcombank…)
c. Bưu điện: KCN cách Bưu điện huyện Cẩm Giàng 1 km, cách Bưu điện thành phố Hải Dương 5 km.
Sau hơn 7 năm đi vào hoạt động, với chính sách thu hút đầu tư hiệu quả, môi trường đầu tư thông thoáng tại tỉnh Hải Dương, đến nay Khu công nghiệp Phúc Điền đã được lấp đầy, tổng số trên 20 nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư lớn của Nhật Bản như: Tập đoàn Brother, Tập đoàn Nissei, Sansei, Miruho,… và của Đài Loan như: Taihan, Edwin… đều đã lựa chọn Khu công nghiệp Phúc Điền để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam. Khu công nghiệp Phúc Điền đi vào hoạt động đã góp phần tạo điều kiện cho hàng nghìn lao động ở địa phương có việc làm, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng nguồn thu cho Ngân sách của Tỉnh từ các dự án đầu tư trong Khu công nghiệp.