IA Vietnam
Sự kiện

Khoa học cơ bản: Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh khoa học – công nghệ cao

Công nghiệp Tự động hóa Việt Nam xin giới thiệu tóm tắt bài viết GS.TS Nguyễn Ngọc Giao – Liên hiệp các Hội KH-KT TP.HCM về khoa học cơ bản Việt Nam tại Hội thảo về các giải pháp đẩy mạnh khoa học – công nghệ cao tại TP HCM (tựa bài do Công nghiệp Tự động hóa Việt Nam đặt).  

Trước năm 1975 khoa học ở miền Bắc (nói chung mọi thứ) chủ yếu theo mô hình Liên Xô, tức nặng về nghiên cứu cơ bản, ít thiên về ứng dụng. Thời gian đó khoa học ở miền Nam theo mô hình các nước phương Tây, nhưng ở mức độ phát triển chưa cao nên không có nhiều người làm khoa học cơ bản (tuy đã có Viện nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt).
Sau ngày đất nước thống nhất, và nhất là từ khi “đổi mới”, “mở cửa” cả nước ta chuyển dần qua kinh tế thị trường, kể cả lĩnh vực nghiên cứu khoa học Nghiên cứu cơ bản bớt được chú trọng, nhưng nghiên cứu ứng dụng cũng chưa đủ mạnh. Hoạt động khoa học nói chung không có Tổng Công trình sư, việc quản lý khoa học của nhà nước nhiêu khê, phức tạp. Môi trường hoạt động khoa học nói chung không đủ tính hấp dẫn. Do đó trong nước ta chưa thấy xuất hiện các cá nhân/nhóm nghiên cứu khoa học nổi bật. Và đóng góp của khoa học cho sản xuất và thực tiễn cũng chưa nhiều.
Trong khi đó, nhiều nhà khoa học trẻ đã ra nước ngoài sinh sống và rất thành công trong sự nghiệp khoa học: Đàm Thanh Sơn (VLLT, Đại học Chiacago, Mỹ), Ngô Bảo Châu (Toán, Đại học Chicago, Mỹ), Vũ Hà Văn (Toán, Đại học Yale, Mỹ)… Lực lượng trí thức Việt Kiều khá đông đảo, nhiều người thành công trong lĩnh vực hoạt động khoa học.
Và nhiều người tâm huyết đã về Việt Nam góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó có khoa học cơ bản. Điển hình như: GS Trương Nguyện Thành (Đại học Utah, Mỹ) là nhà sáng lập và là Viện trưởng khoa học Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP. HCM (thành lập tháng 01/2008); GS Ngô Bảo Châu, Huy chương Fields 2010 (Đại học Chicago, Mỹ) sáng lập và Viện trưởng khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (thành lập tháng 01/2012).
Tôi xin nhấn mạnh một người nữa, đã có đóng góp dài hơi cho nền khoa học cơ bản Việt Nam: GS Jean Trần Thanh Vân, Việt kiều Pháp là người sáng lập và đứng ra tổ chức các cuộc “Gặp gỡ Moriond” (Rencontres de Moriond) hàng năm, từ 50 năm trước (1966) tại Pháp. Đây là những hội nghị khoa học quy mô nhỏ, chuyên ngành tập trung chủ yếu Vật lý hạt cơ bản và Vũ trụ học, nhưng quy tụ được nhiều nhà khoa học tên tuổi từ khắp năm châu.
Từ năm 1993, GS Trần Thanh Vân đã tổ chức lần đầu tiên Rencontres du Vietnam – Gặp gỡ Việt Nam tại Hà Nội, phối hợp cùng GS Nguyễn Văn Hiệu và những người khác trong cộng đồng Hội Vật lý Việt Nam. Các Gặp gỡ Việt Nam này cũng được tổ chức tiếp theo vào những năm 1995, 1999, 2000, 2004, 2006, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015 tại Hà Nội, TP HCM và nhiều địa phương khác ở Việt Nam.
Tuy quy mô nhỏ nhưng các sự kiện Gặp gỡ Việt Nam đã thu hút được nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel từ các nước đến Việt Nam: Georges Charpak (Pháp), James Cronin, Jerome Friedman, Norman Ramsey, George Smoot (những người này từ Mỹ).. cùng nhiều tên tuổi khác như Axel Kahn, Hubert Reeves, Trịnh Xuân Thuận…
Những nhà khoa học đầu đàn này còn tham gia giảng bài tại các lớp học cho cán bộ khoa học trẻ được tổ chức kèm theo, cũng như đọc các bài giảng cho quần chúng đông đảo. Vì các Gặp gỡ Việt Nam có số người tham gia không đông, nhưng chất lượng cao, chuyên môn gần gủi nhau, nên sự giao lưu được tăng cường, rất có lợi cho các nhà khoa học trẻ.
Nội dung các Gặp gỡ Việt Nam tập trung vào khoa học cơ bản, trước mắt là Vật lý hạt cơ bản và Thiên văn – Vũ trụ. Theo GS Trần Thanh Vân, đây là những ngành rất có tương lai, Việt Nam lại đang thiếu nhân lực. Do đó, Gặp gỡ Việt Nam giúp xây dựng đội ngũ, các nhà khoa học có cơ hội tiếp xúc các bậc đầu đàn, có thể đi làm nghiên cứu sinh tiếp với những người đó. Tương lai mở rộng cho các ngành Toán, Tin, Sinh học, Sức khỏe.
GS Trần Thanh Vân đã nói rất rõ: “Khoa học ứng dụng đã mang lại những lợi ích trước mắt, nhưng nếu không có khoa học cơ bản thì sẽ không thể có các cuộc cách mạng về khoa học và không tạo được cơ sở nền tảng cho khoa học ứng dụng. Thực tế cho thấy các quốc gia tiên tiến, phát triển về khoa học – công nghệ luôn là những quốc gia chú trọng phát triển khoa học cơ bản”.
“Tất nhiên làm khoa học rất khó có thể nhìn thấy các lợi ích một cách nhanh chóng. Một điều quan trọng là nền kinh tế phát triển bao giờ cũng đi đôi với sự phát triển của hiểu biết, tức là kiến thức của dân chúng dựa trên một nền giáo dục vững chắc, mà một phần rất lớn dựa trên sự phát triển về khoa học cơ bản, và từ đó phát triển khoa học ứng dụng”.
GS Trần Thanh Vân còn nhấn mạnh việc tổ chức các Gặp gỡ Việt Nam “với mong muốn các nhà lãnh đạo và hoạch định chính sách không quên khoa học cơ bản và tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển của xã hội về mọi mặt trong thời đại mà nhiều người hiểu sai về tầm quan trọng của khoa học cơ bản đối với xã hội”.
Gặp gỡ Việt Nam năm 2016 được tổ chức (như một vài năm trước) tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (International Center for Interdisciplinary Science and Education – ICISE) Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đánh dấu 50 năm các Gặp gỡ Moriond và 13 năm Gặp gỡ Việt Nam, với sự hiện diện của 5 nhà khoa học đoạt giải Nobel (2 Vật lý, 1 Hóa học, 1 Kinh tế và 1 Hòa bình), cùng GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, GS Ngô Bảo Châu, GS Lê Kim Ngọc, GS Đàm Thanh Sơn, và những người đầu đàn khác.
Gặp gỡ Việt Nam năm 2016 ngoài nội dung chuyên môn như những năm trước còn đặc biệt tổ chức Hội nghị “Khoa học cơ bản và xã hội”, với sự tham gia của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ. Phó Thủ tướng đánh giá cao tâm huyết của GS Trần Thanh Vân và các cộng sự đã qua GGVN góp phần mang thêm hơi thở, màu sắc mới cho khoa học Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ “đầu tư cho nghiên cứu cơ bản là đầu tư chiến lược, đầu tư cho nền móng để tăng cường tiềm lực quốc gia”. Mặc dù còn nhiều khó khăn về ngân sách, Chính phủ Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng đầu tư cho nghiên cứu cơ bản. So với năm 2000, ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học cơ bản năm 2015 đã tăng 10 lần.
Tại Gặp gỡ Việt Nam 2016, hội nghị “Khoa học cơ bản và xã hội” mở màn cho 7 hội nghị bàn tròn với các chủ đề: Tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học cơ bản đối với các nước mới nổi, Khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững, Nghiên cứu cơ bản và hòa bình, Nghiên cứu cơ bản và khí hậu, Nghiên cứu cơ bản và sức khỏe, Nghiên cứu cơ bản và sự phát triển giáo dục toàn cầu, kiến thức và công nghệ, Nghiên cứu cơ bản đối với mở cửa, đổi mới và hợp tác kinh tế.
Mục tiêu chính của hội nghị là đề xuất những vấn đề liên quan tới khoa học cơ bản và xã hội ở các nước Đông Nam Á, với chủ đề đặc thù của Việt Nam là biến đổi khí hậu (BĐKH) và y tế. Xin nêu ra đây mấy ý kiến nhận xét đáng chú ý: Phải thừa nhận Đông Nam Á bị tụt hậu về khoa học cơ bản so với các nước phát triển, trong khi Đông Nam Á rất dễ bị tổn thương bởi BĐKH.
“Khọc cơ bản ở Việt Nam phát triển rất chậm” đó là ý kiến của GS David Gross, Nobel Vật lý 2004. Ông cho biết thêm là có tìm hiểu và rất ngạc nhiên khi biết Việt Nam chỉ dành một phần rất nhỏ GDP đầu tư cho R&D: tỷ lệ này là 0,21%, chỉ ngang ngửa Campuchia, thấp hơn Ấn Độ 5 lần, Trung Quốc – 10 lần, và Hàn Quốc – tới 20 lần. GS David Gross cho rằng không thể chỉ tập trung vào chuyển giao công nghệ mà không đầu tư vào khoa học cơ bản. Thực tế cho thấy phải đầu tư khoa học cơ bản trước thì mới có chuyển biến tốt trong chuyển giao công nghệ.
Về phần mình GS Ngô Bảo Châu nhìn nhận, ngoài một số trường Đại học và Học viện lớn, mức độ nghiên cứu khoa học ở phần lớn các trường Đại học hiện nay còn yếu dẫn đến chất lượng sinh viên tốt nghiệp thấp và các trường không được xếp thứ hạng cao so với các nước trên thế giới. Nghiên cứu khoa học yếu, kéo lùi sự phát triển của đất nước.
Chất lượng các trường Đại học không cao, do đó nước ta phải đầu tư hàng năm khoảng 3 – 4 tỷ USD cho nghiên cứu sinh, du học sinh ra nước ngoài, phần đông lại không về nước sau khi tốt nghiệp(!) Việt Nam thiếu linh hoạt trong chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài về nước làm việc. Ông đề nghị nhà nước nên cho phép các đơn vị khoa học khi tuyển dụng nhân lực chất lượng cao (dù được đào tạo trong hay ngoài nước) có cơ chế linh hoạt, cạnh tranh, không nên cứng nhắc dừng lại ở mức lương khởi điểm.
Để kết luận xin nêu 2 ý: Khoa học cơ bản là nền tảng phát triển khoa học ứng dụng và công nghệ, tiền đề của phát triển đất nước. Nhà nước cần chú ý đầu tư, và có chính sách linh hoạt trong thu hút và khai thác chất xám. Các Gặp gỡ Việt Nam như lời GS David Gross, là một trong những cánh cổng mở ra chân trời phát triển khoa học cơ bản của Việt Nam.

Suri Nguyễn

Related posts

HIỆP HỘI PROFIBUS / PROFINET ĐÔNG NAM Á TỔ CHỨC HỘI THẢO Ở PHILIPPINES

IA Vietnam
12 Tháng năm, 2015

PI đã được chính thức thành lập, PI toàn cầu tiếp tục mở rộng mạng lưới

IA Vietnam
10 Tháng mười hai, 2011

Siemens tổ chức hội thảo về các giải pháp cho ngành công nghiệp đường

IA Vietnam
9 Tháng tám, 2012
Exit mobile version