Nhận bản tin Online
Bài viết mới
10 Th10 2024

Blog Tự Động Hóa

Dự án đầu tư vào các khu công nghiệp TP.HCM có hàm lượng chất xám thấp
Đời sống & kinh tế

Dự án đầu tư vào các khu công nghiệp TP.HCM có hàm lượng chất xám thấp 

Tại buổi tọa đàm “Định hướng phát triển các Khu chế xuất – Khu công nghiệp (KCX-KCN) TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030” do Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM tổ chức nhiều ý kiến cho rằng, các dự án đầu tư tại đây đa số có quy mô vốn nhỏ, số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn ít.

TP.HCM hiện có 17 KCX, KCN đang hoạt động với tổng diện tích 2.571,64 ha. Số dự án đầu tư còn hiệu lực là 1.371 dự án, với tổng vốn gần 10 tỷ USD, tạo ra việc làm cho gần 290.000 lao động. Sản phẩm công nghiệp của các DN hoạt động trong các KCN, KCX chiếm 40% kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp của thành phố.
Ông Nguyễn Hoàng Năng, Trưởng Ban quản lý KCX-KCN TP.HCM cho biết, sau 25 năm xây dựng và phát triển, đến nay các KCX-KCN trên địa bàn thành phố đã thu hút được nguồn vốn lớn đầu tư vào sản xuất công nghiệp, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp, tạo kim ngạch xuất khẩu cho thành phố. Thực hiện thu hút công nghệ mới và kinh nghiệm quản lý tiên tiến từ nước ngoài đạt kết quả khả quan; Giải quyết nhiều việc làm cho người lao động của thành phố và các tỉnh. 
Đồng thời, các KCX-KCN góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố, chuyển những vùng đất đầm lầy, năng suất lao động nông nghiệp thấp thành vùng công nghiệp, phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần tăng thu cho ngân sách thành phố.
Cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ” tại Ban quản lý đã giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, tập trung thống nhất đầu mối trong quản lý, tạo điều kiện cho DN phát triển và mô hình này đã được nhân rộng áp dụng cho các Ban quản lý KCN, khu kinh tế, khu công nghệ cao tại các tỉnh, thành trên cả nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các KCX-KCN TP.HCM còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: Đa số các dự án đầu tư có quy mô vốn nhỏ, số dự án có công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao chiếm tỷ lệ còn ít. Từ năm 2004 đến nay, các KCX-KCN đã tập trung thu hút đầu tư vào những ngành có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh, tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng điểm và các ngành công nghiệp hỗ trợ theo chủ trương của thành phố. Tuy nhiên, kết quả chưa có đột phá mạnh mẽ, chưa thu hút được dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, có tính chất lan tỏa.
Đồng thời, chất lượng công tác quy hoạch chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển; các KCX-KCN có quy mô nhỏ, nằm rải rác, chưa tạo sự kết nối về hạ tầng; KCN không quy hoạch đủ đất dành cho các dự án dịch vụ, hạ tầng phúc lợi xã hội. Các hạ tầng ngoài hàng rào KCX- KCN chưa được quy hoạch và xây dựng đồng bộ với quy hoạch và xây dựng KCX, KCN. 
Các KCN chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, chưa liên kết giữa các doanh nghiệp trong KCN để tạo nên cụm sản xuất quy mô lớn, nâng cao giá trị gia tăng.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Văn Kích, nguyên cố vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, những năm gần đây vai trò đầu tàu trong phát triển KCN- KCX có xu hướng giảm. KCN – KCX thành phố hiện tại chưa có đến 10 DN có giấy chứng nhận công nghệ cao. Tỷ lệ công nghệ cao của các KCN, KCX vẫn ở mức thấp khoảng 10%. 
Theo đó, để phát triển KCX, KCN một cách bền vững, trở thành động lực phát triển công nghiệp thành phố, nhiều ý kiến cho rằng TP.HCM cần hoàn thiện hơn nữa chính sách thu hút đầu tư vào KCX – KCN, hướng đến thu hút các dự án đầu tư có hàm lượng giá trị cao thay vì khả năng lấp đầy như hiện nay. 
Để thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư đạt từ 6-8 tỷ USD (giai đoạn 2016 – 2025) và khuyến khích các doanh nghiệp hiện hữu đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ cơ bản của cách mạng công nghệ 4.0 và các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ phục vụ công nghiệp để tạo các sản phẩm giá trị gia tăng cao, thành phố cần có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng. 
“Bên cạnh đó, cần thiết xây dựng thêm các chính sách ưu đãi về miễn giảm tiền thuế đất, tiền sử dụng đất và thuế sử dụng đất. Ưu đãi về thuế Thu nhập doanh nghiệp. Đặc biệt là các chính sách giảm thuế Thu nhập cá nhân cho người làm việc trong khu công nghệ cao nên được áp dụng để kích thích nguồn nhân lực tham gia vào ngành”, đại diện lãnh đạo Công ty CP Viễn thông FPT nhấn mạnh./.

Quang Duy

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *