Cuối tháng 11, tại Hà Nội, Bộ KH-CN và Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) đã kí Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Tư vấn chính sách về chiến lược KHCN và đổi mới giai đoạn 2011-2020 và thực hiện Luật Công nghệ cao”.
Bộ KH-CN và Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) tại buổi lễ ký kết… (Ảnh: Mai Hà)
Lễ ký kết được diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế để trở thành một nước công nghiệp hoá có nền kinh tế dựa trên tri thức vào năm 2020.
Mục tiêu của dự án đặt ra nhằm nâng cao năng lực cho các nhà hoạch định chính sách và các nhóm lợi ích của Việt Nam để xây dựng được những chính sách và chiến lược khoa học, công nghệ, đổi mới công nghệ phù hợp với các mục tiêu kinh tế xã hội của đất nước.
Dự án sẽ hỗ trợ Chính phủ soạn thảo Chiến lược Phát triển khoa học công nghệ 2011-2020 thông qua một quá trình có sự tham gia và tham vấn tích cực của các nhóm lợi ích, tư vấn chính sách về việc thực hiện các quy định của Luật Công nghệ cao có hiệu lực từ tháng 7/2009.
Trong đó các chuyên gia của UNIDO sẽ hỗ trợ tư vấn cho các nhóm lợi ích áp dụng: Phương pháp nhìn trước về đổi mới công nghệ cao bao gồm (xác định vị thế, khảo sát Delphi, tầm nhìn tương lai và lộ trình, khảo sát công nghệ chủ đạo…); thảo luận bàn tròn để các bên tham vấn ý kiến của nhiều nhóm lợi ích liên quan.
Đây là chính sách được kỳ vọng tạo ra những điều kiện thuận lợi mà ngành công nghiệp, các ngành dịch vụ cùng các cơ sở giáo dục nghiên cứu của Việt Nam sẽ giải quyết những thách thức mà họ phải đối diện trong quá trình xây dựng công nghệ và chuyển giao công nghệ. Trong đó có những công nghệ ra đời do tác động của sự biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến nhấn mạnh: “Để trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình, điều cần thiết là phải liên tục nâng cấp công nghệ trong nhiều lĩnh vực khác nhau… hi vọng dự án sẽ có những đóng góp hữu ích và thiết thực về mặt quan điểm cho việc xây dựng chiến lược.”
Đại diện UNIDO tại Việt Nam – bà Nilgun F. Tas cũng cho rằng: Trước những quan ngại về môi trường, khí hậu, khủng hoảng tài chính thế giới, nhất là những cách thức về tiêu thụ và quản lý năng nượng, vật liệu trong các ngành công nghiệp phải được đưa vào chiến lược chính sách của các nhà sản xuất chế tạo, cũng như sự tác động tới các hành động của những nhà khoa học… Như vậy Luật Công nghệ cao và việc đưa ra các soạn thảo chiến lược khoa học công nghệ 2011-2020 là những phản ứng rất kịp thời.
Dự án có mục đích hỗ trợ các nhóm lợi ích của Việt Nam trong quá trình xây dựng chiến lược KHCN quốc gia và thực hiện Luật Công nghệ cao thông qua tư vấn chính sách và phát triển năng lực của các bên tham gia, trong khuôn khổ “Kế hoạch chung” của LHQ, là một chương trình hành động chung của Chính phủ và tất cả 14 tổ chức LHQ có mặt tại Việt Nam.
• Mai Hà