Nhận bản tin Online
Bài viết mới
Doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ kêu vì không được hỗ trợ
Hoạt động trong & ngoài nước

Doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ kêu vì không được hỗ trợ 

Tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp phụ trợ của Việt Nam là
rất thấp so với các quốc gia khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan,
Inđônêsia, Malaysia. Trong khi đó, các DN ngành này lại “kêu” vì không
nhận được hỗ trợ nào từ nhà nước và còn bị các sản phẩm nhập khẩu “đánh
bại”.


Công nghiệp sản xuất vi mạch.

Phát biểu tại Diễn đàn công nghiệp phụ trợ Việt Nam, được tổ chức tại TPHCM vào đầu tháng 8-2012 trong khuôn khổ của triển lãm Metalex Vietnam và Nepcon Vietnam 2012 diễn ra tại TPHCM vào đầu tháng 10 tới, ông Hirotaka Yasuzumi – GĐ Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) văn phòng tại TPHCM cho biết qua khảo sát vào năm 2011 của JETRO, sức cung ứng nguyên liệu và linh kiện trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ (CNPT) cho các DN Nhật Bản tại Việt Nam chỉ đạt mức 28,7%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác ở châu Á. Chẳng hạn như mức cung ứng địa phương tại Trung Quốc đạt 57,7%, và ở Thái Lan là 53%.

Tại diễn đàn, ông Hiroyuki Mizunoe, chuyên gia thuộc Dự án phát triển CNPT thuộc Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) nhấn mạnh, Việt Nam đang kém cạnh tranh với nhiều nước trong khu vực trong thu hút đầu tư Nhật vì thiếu ngành CNPT.

Ông Mizunoe còn chỉ ra nhược điểm của DN Việt Nam là bị các DN Nhật đánh giá quá quen với môi trường được bao cấp, không quen với môi trường cạnh tranh khắc nghiệt cả về sản xuất cũng như dịch vụ. Điều này dẫn đến sản xuất CNPT Việt Nam khó phát triển. Cụ thể khi DN Nhật tiếp cận với nhà sản xuất Việt Nam và đưa ra mẫu sản phẩm không cùng mẫu sản xuất có sẵn để sản xuất thử thì doanh nghiệp Việt Nam nản chí ngay vì ngại mất thời gian, không thực hiện… Theo đánh giá của các doanh nghiệp Nhật, nếu DN vừa và nhỏ Việt Nam nâng cao được năng lực kỹ thuật, cộng với giá thành thấp thì chắc chắn sẽ nhanh chóng nâng cao được trình độ cạnh tranh.

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp Việt Nam ngành CNPT cũng cho rằng mặc dù gần đây đã có nhiều chuyển biến đáng kể ở tầm chính sách vĩ mô nhưng các chính sách này dường như vẫn chưa “chạm” đến các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp phụ trợ. Cụ thể, Quyết định về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ số 12/2011/QĐ-TTg, do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22-2-2011, được coi là lời tuyên bố chính thức đầu tiên của Chính phủ, ủng hộ dành cho công nghiệp hỗ trợ.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Dương Hiệu, Chủ tịch Hội đồng quản trị, TGĐ Công ty cổ phần Công nghiệp và Thương mại Lidovit, đến nay các DN trong ngành này vẫn chưa nhận được hỗ trợ gì. Tại diễn đàn ông đặt câu hỏi đã có các bộ ngành nào cụ thể hóa, hướng dẫn cụ thể về quyết định trên để doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi.
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội cơ khí Việt Nga, nhiều dây chuyền, máy móc nhập khẩu được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0% nên cạnh tranh khá dễ dàng với hàng trong nước như: máy công cụ, máy sản xuất giấy, máy đóng hộp và nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất khác. Trong khi DN cơ khí sản xuất các loại máy này nhập một số linh kiện điện, môtơ và phụ tùng khác để lắp ráp hoàn thiện cỗ máy lại phải chịu thuế nhập khẩu 15 – 20%.

Bà Trần Ngọc Phương Hằng, Giám đốc Công ty Phan Sinh – đơn vị cung cấp sản phẩm gia công xi mạ Crôm, Niken… cho các nhà sàn xuất Nhật Bản, nói: “Là doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ nhưng hiện nay chúng tôi phải tự bơi. Chính sách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam hiện nay chúng tôi không nhận được ưu đãi gì cả, từ thuế, lãi vay ngân hàng,…”.

MT

Related posts

Để lại một bình luận

Required fields are marked *