Trong khi nhiều nước phát triển đang muốn đóng cửa các nhà máy giấy và di dời đến nước khác thì ở Việt Nam hàng loạt dự án đầu tư vào lĩnh vực này đã liên tiếp xuất hiện. Đây là tín hiệu đáng mừng hay đáng lo?
Thời đìu hiu đã qua
Suốt 20 năm, kể từ khi Việt Nam mở cửa thu hút vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài, không nhà đầu tư nào muốn bỏ vốn vào lĩnh vực sản xuất giấy và bột giấy (trừ một số dự án sản xuất khăn, giấy vệ sinh), cho dù ngành này được Nhà nước bảo hộ mạnh bằng mức thuế cao đối với thành phẩm nhập khẩu. Nhưng giờ đây, khi hàng rào bảo hộ đang dần được bãi bỏ, thì hàng loạt dự án đầu tư sản xuất giấy, bột giấy với quy mô lớn đã ra đời.
Theo Bộ Công nghiệp, các dự án do nhà đầu tư nước ngoài đang nghiên cứu hoặc chuẩn bị triển khai có tổng công suất không dưới một triệu tấn bột và gần 600.000 tấn giấy mỗi năm. Có thể kể ra một số dự án như : dự án của LEE & Man công suất 350.000 tấn giấy và 150.000 tấn bột, dự án của Vina Kraft 220.000 tấn giấy/năm và dự án của Sojitz, Nhật đang nghiên cứu khả thi có công suất 600.000 tấn bột giấy ở Tây Nguyên. Ngoài ra, còn hàng loạt dự án khác của các nhà đầu tư trong nước, gồm Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapimex), Công ty Giấy Vĩnh Phú, Công ty Bao bì Phú Giang, Công ty Bình An… với công suất từ 50.000-250.000 tấn giấy, bột giấy cho mỗi dự án.
Một chuyên viên về đầu tư của Vinapimex cho rằng đầu tư vào sản xuất giấy, bột giấy ở Việt Nam có xu hướng tăng là do nhu cầu và giá mặt hàng này tăng mạnh. So với năm 2001, giá bột giấy trên thị trường thế giới đã tăng gần 70%. Nhưng nhân tố chính khiến Việt Nam thu hút được nhà đầu tư là nhờ nguồn nguyên liệu khá dồi dào, và nhiều nước từ bỏ phát triển sản xuất bột giấy do e ngại về ô nhiễm môi trường.
Trong khi đầu tư vào ngành sản xuất bột và giấy ở Việt Nam có xu hướng gia tăng thì nhiều nhà máy giấy ở châu Âu, Bắc Mỹ và Trung Quốc phải đóng cửa, do ô nhiễm môi trường và kém hiệu quả. Trong đó, theo tin từ Bộ Công nghiệp, chỉ riêng Trung Quốc, từ nay đến 2010, tổng công suất của các nhà máy giấy và bột giấy phải đóng cửa sẽ lên đến ba triệu tấn.
Hướng đi nào cho Việt Nam ?
Ở Việt Nam, theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, sản xuất giấy là một trong những ngành gây ô nhiễm nguồn nước nặng nề nhất. Ở khu vực sông Cầu, chỉ với 3.500 mét khối nước xả mỗi ngày, nhưng ngành giấy đã là thủ phạm số một gây ô nhiễm nặng cho dòng sông này, trong đó nhà máy giấy Hoàng Văn Thụ đứng đầu bảng. Để hạn chế bớt ô nhiễm, Bộ Công nghiệp đã cho đóng cửa dây chuyền sản xuất bột giấy của công ty này.
Công nghệ sản xuất giấy ở Việt Nam đang rất lạc hậu. Để sản xuất ra một tấn giấy thành phẩm, các nhà máy phải sử dụng từ 30-100 mét khối nước, trong khi các nhà máy giấy hiện đại của thế giới chỉ sử dụng 7-15 mét khối/tấn giấy. Sự lạc hậu này không chỉ gây lãng phí nguồn nước ngọt, tăng chi phí xử lý nước thải mà còn đưa ra sông, rạch lượng nước thải khổng lồ.
Dù sao, Việt Nam vẫn cần phải phát triển ngành sản xuất giấy và bột giấy, vì đây là đầu ra ổn định cho nguồn nguyên liệu khai thác từ chương trình trồng 5 triệu héc ta rừng của Chính phủ. Vấn đề đặt ra là Nhà nước phải có những quy định và cơ chế kiểm soát chặt chẽ để phát triển ngành giấy nhưng không làm cho các nguồn nước bị ô nhiễm trầm trọng hơn.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, bản dự thảo quy định về nước thải đối với ngành công nghiệp giấy đang được bộ hoàn thiện và chuẩn bị ban hành. Quy định này sẽ đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng nước trước khi thải ra môi trường tự nhiên. Nhưng việc ban hành tiêu chuẩn vẫn chưa đủ, mà phải có biện pháp giám sát chặt chẽ việc thực thi tiêu chuẩn của các cơ sở sản xuất. Thực tế cho thấy, phần lớn các dự án công nghiệp, trước khi đầu tư, đều có phần báo cáo đánh giá tác động môi trường và cam kết thực hiện các giải pháp xử lý, nhưng chẳng mấy ai làm theo cam kết mà vẫn đổ thẳng chất thải chưa xử lý ra sông, rạch. Kết quả kiểm tra ở nhiều nhà máy trong các khu công nghiệp tại TPHCM vừa được công bố là một ví dụ.
Ngoài ra, theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, để hạn chế tác hại về môi trường do ngành sản xuất giấy gây ra, ngoài việc ban hành tiêu chuẩn về nước thải, còn phải quản lý chặt chẽ công nghệ, thiết bị và quy mô công suất của các nhà máy giấy. Các chuyên gia của hiệp hội cho rằng chỉ những nhà máy bột giấy có công suất từ 100.000 tấn/năm trở lên thì việc đầu tư xử lý nước thải mới hiệu quả. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng chỉ nên cho nhập những công nghệ có mức sử dụng nước thấp. Lẽ đương nhiên, những dây chuyền thiết bị và công nghệ càng lạc hậu thì suất đầu tư càng thấp, nên dễ được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
Hiện nay, Việt Nam đã có một số quy định về thẩm định chất lượng thiết bị và công nghệ nhập khẩu nhưng chưa phát huy tác dụng trong thực tế. Nếu vấn đề này không sớm được khắc phục, rất có thể nhiều dây chuyền sản xuất giấy, bột giấy bị đào thảo ở Trung Quốc và các nước châu Âu, Bắc Mỹ, sẽ được đưa về lắp đặt ở Việt Nam.