Theo Tổng cục Hải quan, trong 13 tỉ USD nhập khẩu hàng hóa sáu tháng đầu năm 2012 từ Trung Quốc (chiếm hơn 25% tổng kim ngạch nhập khẩu chung của cả nước), nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đã được nhập hơn 2,41 tỉ USD, chiếm cao nhất trong hơn 42 nhóm sản phẩm, ngành hàng được nhập khẩu từ quốc gia này.
Đây là công nghệ mới của Schneider Electric
Ưa chuộng vì giá rẻ
Khảo sát thị trường cung cấp các loại máy móc thiết bị trong ngành dệt may, da giày, máy đóng gói, thiết bị điện, máy công cụ… cho thấy hàng Trung Quốc đang chiếm giữ số lượng lớn.Với lợi thế giá rẻ, nhiều loại máy móc thiết bị có nguồn gốc từ TQ đang được nhập khẩu với tốc độ chóng mặt. Phía TQ sẵn sàng làm theo đơn đặt hàng ở mọi mức giá cho doanh nghiệp VN, bất chấp độ bền kém…
Giá rẻ là yếu tố giúp các dây chuyền sản xuất cũ của Trung Quốc lấn lướt trên thị trường so với hàng nội địa và hàng nhập khẩu từ các thị trường công nghệ nguồn như: Mỹ, EU, Nhật Bản… Đơn cử như: dàn 10 máy may và vắt sổ, nếu mua hàng Nhật Bản khoảng hơn 100 triệu đồng nhưng nếu mua hàng Trung Quốc cũ, giá chỉ bằng 1/3. Đối với hàng mới, DN Trung Quốc lúc nào cũng có sẵn để bán, không như các công ty của EU, Nhật, chỉ chế tạo theo đơn đặt hàng.
Đáng nói là nhiều loại máy cơ mới xuất xứ từ Trung Quốc chỉ được bảo hành trong thời hạn một năm, kèm điều kiện phải trả thêm 20% giá mua máy. Riêng máy chạy điện bên cung cấp không bảo hành. Nếu cắm điện máy chạy bình thường ở cửa hàng, khách hàng mua về cắm điện, dù xảy ra trục trặc, hư hỏng ngay cũng phải chấp nhận thiệt hại. Theo một số cửa hàng kinh doanh các loại máy móc trên, sở dĩ có tình trạng muốn được bảo hành phải trả thêm tiền vì không phải loại máy nào nhập khẩu từ Trung Quốc cũng là “hàng công ty”, mà có thể là của những cơ sở lắp ráp nhỏ. Ngoài ra, không ít máy móc cũ được sơn lại và tiêu thụ tại thị trường VN.
Bên cạnh đó, một yếu tố khác khiến hàng chất lượng thấp tràn lan là do “kẽ hở” chính sách. Cụ thể, nhiều dây chuyền, máy móc nhập khẩu được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0% nên cạnh tranh khá dễ dàng với hàng trong nước như: máy công cụ, máy sản xuất giấy, máy đóng hộp và nhiều loại máy móc phục vụ sản xuất khác. Trong khi DN cơ khí sản xuất các loại máy này nhập một số linh kiện điện, môtơ và phụ tùng khác để lắp ráp hoàn thiện cỗ máy lại phải chịu thuế nhập khẩu 15-20%.
Ưa chuộng giá rẻ.
Nhập công nghệ, đừng nhập rác
Theo báo cáo phân tích kim ngạch xuất nhập khẩu, nhập siêu với thị trường Trung Quốc của Tổng cục Hải quan, đối tượng nhập khẩu máy móc, thiết bị xuất xứ từ Trung Quốc chủ yếu là các doanh nghiệp trong nước, chiếm 74,7%, doanh nghiệp FDI là 25,3%. Điều đó cho thấy khi nhập khẩu công nghệ, các doanh nghiệp trong nước lại quan tâm nhiều hơn đến máy móc thiết bị từ Trung Quốc, chứ không ưu tiên nhập khẩu từ các nước có công nghệ cao như khối doanh nghiệp FDI. Tổng cục Hải quan lo ngại việc nhập khẩu máy móc thiết bị từ thị trường này có thật sự hiệu quả, hay VN là nước tiêu thụ lại công nghệ lỗi thời, lạc hậu cho Trung Quốc…
Rõ ràng, việc nhập khẩu công nghệ, thiết bị về mà chỉ sử dụng trong một thời gian ngắn đã hư hỏng thì chẳng khác nào nhập rác công nghệ. Nghịch lý là ở chỗ, dù biết là rác nhưng các DN vẫn nhập khẩu. Hậu quả của việc nhập khẩu thiết bị chất lượng thấp, công nghệ lạc hậu đã thấy rõ. Việt Nam từng phải trả giá cho phong trào phát triển xi măng lò đứng. Chỉ trong 7 – 8 năm, các địa phương đã ồ ạt nhập về hơn 50 dây chuyền sản xuất xi măng công nghệ lò đứng của Trung Quốc.
Sau đó, nhiều nhà máy bị Chính phủ yêu cầu phải khai tử vì công nghệ lạc hậu, lãng phí năng lượng và quan trọng hơn là không có hiệu quả kinh tế. Tiếp đó là sai lầm trong phong trào làm xi măng lò quay cũng với thiết bị và công nghệ lạc hậu của Trung Quốc. Thực tế kiểm chứng, loại công nghệ lò quay công suất 1 triệu tấn/năm của Trung Quốc có suất tiêu hao nguyên vật liệu, năng lượng nhiều hơn hẳn so với của châu Âu.
Mới đây, Bộ Công nghiệp và CNTT Trung Quốc thông báo loại bỏ 2.255 DN lạc hậu, hiệu quả sản xuất thấp, tập trung vào 18 nhóm ngành, nghề như: sản xuất sắt, thép, than luyện, luyện kim đồng, công nghiệp chì, xi măng, luyện kẽm… Các DN lạc hậu bị xóa sổ lần này tập trung chủ yếu ở các tỉnh như: Hà Bắc có 291 công ty; Hồ Nam là 226, Sơn Tây: 173 công ty, Hà Nam, Tứ Xuyên, Quảng Đông… Việc công bố trên thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc loại bỏ các công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu tiêu hao nhiều năng lượng. Hiện danh sách các DN nằm trong diện bị loại bỏ được Trung Quốc thông báo công khai và Chính phủ đã có quyết định cấm nhập các loại máy móc cũ này vào Việt Nam.
MT