IA Vietnam
Khoa học & công nghệ

86% lao động dệt may, da giày và ¾ có nguy cơ thất nghiệp vì robot

Hình minh họa internet.

Chi phí cho lao động ngày càng trở thành gánh nặng với doanh nghiệp, bao gồm cả trách nhiệm xã hội với người lao động như các khoản đóng bảo hiểm xã hội, thưởng… Thế nên, một khi chi phí cải tiến công nghệ ngang bằng với chi phí cho lao động thì doanh nghiệp sẽ sử dụng công nghệ để tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm. Và như vậy, nguy cơ lao động yếu kỹ năng sẽ phải thất nghiệp là điều dễ nhận thấy.

Tại Hội thảo “Việt Nam cần làm gì để đáp ứng được thay đổi về công nghệ và nhu cầu kỹ năng lao động” diễn ra ngày 13-12 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho hay toàn cầu hóa và cách mạng công nghệ đang đặt ra những thách thức ngày càng to lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Dự báo lực lượng lao động Việt Nam sẽ tăng từ 55,5 triệu người năm 2016 lên 62 triệu người vào năm 2025. Để đáp ứng nhu cầu việc làm cho người lao động, hàng năm nền kinh tế cần tạo thêm khoảng 650.000 việc làm.
Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho thấy, 86% người lao động Việt Nam trong ngành dệt may, da giày có thể phải đối mặt với nguy cơ mất việc cao do tự động hóa. Đồng thời, 3/4 lao động làm công ăn lương trong ngành sản xuất điện tử có thể bị thay thế bởi robốt.
Dệt may, da giày và điện tử là hai ngành xuất khẩu chính của Việt Nam, chiếm gần 40% tổng số việc làm trong lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, ngành dệt may, da giày có đặc điểm chủ yếu là thâm dụng lao động và kỹ năng tay nghề thấp. Năng suất lao động trong ngành này thấp một cách báo động, chỉ ở mức 20% của Thái Lan và gần tương đương với Campuchia.
Còn đối với ngành điện tử, nghe có vẻ sang nhưng thực chất, ngành sản xuất này cũng chủ yếu sử dụng lao động nữ là chính và có trình độ tay nghề rất thấp, chủ yếu là công việc lắp ráp.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng dù dệt may, da giày và điện tử là các ngành đóng góp lớn trong tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, nhưng đáng tiếc đây lại là những ngành thâm dụng lao động và sẽ chịu sự tác động mạnh mẽ nhất trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Trước đây, dòng vốn FDI chảy mạnh từ Trung Quốc sang Việt Nam để tận dụng nguồn lao động giá rẻ, nhưng do việc tăng lương tối thiểu hàng năm nên lương của người lao động không còn rẻ nữa so với các nước như Lào, Campuchia, Myanmar… Do đó, dưới tác động của hội nhập, dòng vốn này sẽ chảy sang các nước khác hoặc họ sẽ thay đổi công nghệ để sử dụng ít lao động hơn.
Thực tế này đang diễn ra ở chính Canon, theo bà Đào Thị Thu Huyền, Chánh văn phòng cấp cao, Công ty TNHH Canon, do cải tiến công nghệ nên chỉ với 8.000 công nhân nhưng Canon vẫn đạt doanh thu và lợi nhuận như cách đây 7 năm với 13.000 công nhân. Như vậy, bằng cải tiến công nghệ thì chỉ một doanh nghiệp đã giảm tuyển dụng tới 4.000 lao động.
Có nên cải tiến công nghệ?
Tại hội thảo, ông David Lamotte, Phó giám đốc ILO khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho hay, Việt Nam vẫn chưa phải chứng kiến những tác động của công nghệ tại nơi làm việc ở mức độ tương tự như một số nước láng giềng khác tiến bộ hơn trong khu vực ASEAN. Điều này chủ yếu là do chi phí nhân công cạnh tranh cùng với chi phí đầu tư khá lớn vào công nghệ. Tuy nhiên, những sáng kiến như tự động hóa bằng robot đã bắt đầu thâm nhập vào các ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm cả ngành dệt may – da giày và ngành sản phẩm điện – điện tử trên toàn khu vực ASEAN và Trung Quốc.
“Do đó, câu hỏi đặt ra không phải là “có hay không” mà là “khi nào” những cải tiến đó sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam”, ông David Lamotte nói.
Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Tiến Lộc cho hay, lao động đang phải cạnh tranh với người máy, giá người máy đang giảm rất nhanh trong khi tiền lương của người lao động lại luôn có xu hướng tăng lên. Khi chi phí khấu hao máy móc bằng chi phí trả lương cho người lao động thì chắc chắn doanh nghiệp sẽ chuyển một loạt sang sử dụng máy móc vì người máy thì không có đình công, không có bảo hiểm xã hội. Kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp hoàn toàn có thể dự báo được. “Đây là sự đe dọa rất lớn trong những lĩnh vực đơn giản như dệt may, giày dép, điện tử”, ông Lộc nói.
Hiện nay, cản trở lớn nhất trong việc áp dụng công nghệ tại Việt Nam, ngoài nguyên nhân về nguồn vốn hạn chế, còn có nguyên nhân rất lớn từ việc thiếu lao động lành nghề, có thể sử dụng được những loại máy móc hiện đại.
Do đó, để giảm thiểu tác động của cuộc cách mạng thứ 4 này, theo ILO, việc chú trọng vào kỹ năng và sự sẵn sàng của lực lượng lao động Việt Nam là rất quan trọng. Để làm được điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà hoạch định chính sách, người sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo nhằm đổi mới hệ thống phát triển kỹ năng để đáp ứng tốt hơn với môi trường làm việc luôn thay đổi và những sáng kiến cải tiến công nghệ mới.
Việc nâng cao các kỹ năng cốt lõi như giao tiếp, làm việc nhóm, tư duy sáng tạo và tư duy phân tích cũng ngày càng đóng vai trò công cụ then chốt trong các doanh nghiệp tập trung vào công nghệ.
Đồng thời, phải khuyến khích thế hệ trẻ đam mê theo học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, bởi đây là những ngành nghề mà doanh nghiệp đang mỏi mắt tìm kiếm.
Ông Nguyễn Chấn Hùng, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu điện tử, tin học và tự động hóa, Bộ Công Thương đưa ra lời khuyên, các bạn trẻ nên theo học các ngành nghề kỹ thuật trước, sau khi đã có được kinh nghiệm và hiểu biết nhất định về ngành nghề đó thì mới theo học các ngành kinh tế. Đây cũng là con đường mà những doanh nghiệp nổi tiếng thế giới đã làm.
Quang Hải

Related posts

HMI mới giúp các kỹ sư hiện thực hóa ý tưởng nhanh hơn.

IA Vietnam
6 Tháng mười một, 2012

Sản xuất muffler linh hoạt với IO-Link

IA Vietnam
30 Tháng mười, 2017

SK 200E: motor hộp số với đầu đọc thông minh cho tác vụ vị trí

IA Vietnam
15 Tháng tư, 2013
Exit mobile version